Giáo viên muốn lên hạng II mới cần 9 năm phấn đấu, vừa vào ngành không lên ngay

15/03/2021 07:03
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn được xếp ở giáo viên hạng II thì phải có một quá trình công tác, phấn đấu hàng chục năm trời chứ không phải vừa tuyển dụng là được bổ nhiệm ngay.

Một giáo viên (đã đề nghị giấu tên) đang dạy môn Âm nhạc cấp tiểu học ở Hà Nội gửi thư đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về trường hợp của mình, nội dung câu hỏi như sau:

Hiện nay, tôi đang là giáo viên Âm nhạc dạy tiểu học. Tôi ra trường năm 2003 và dạy hợp đồng cấp huyện đến năm 2004 tôi thi viên chức ngạch giáo viên trung học cơ sở vào ngày 24/8/2004.

Ngày 1/1/2005 tôi được phân công công tác tại một trường trung học cơ sở thuộc huyện khác cách nhà tôi khoảng 60 km.

Sau 1 năm, tôi nhận quyết định công nhận hết thời gian tập sự và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên trung học cơ sở có hiệu lực vào ngày 1/1/2006.

Vào tháng 7 năm 2017 tôi chuyển công tác về gần nhà, do có 1 giáo viên Âm nhạc chuyển công tác nên tôi được phân công dạy nhạc ở 1 trường tiểu học từ đó đến nay. Năm 2017 tôi lại được Sở Nội vụ Hà Nội ra quyết định.

Hiện nay tôi hưởng lương giáo viên tiểu học chính, mã ngạch 15a.204 vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.08.

Tôi đã có bằng tốt nghiệp đại học học 4 năm từ 2005 được 2009 được cấp bằng và tôi đã học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 2.

Vậy cho tôi hỏi để giữ hạng giáo viên tiểu học hạng 3 thì tôi có phải học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 3 không?

Việc tôi đang là giáo viên trung học cơ sở nhưng dạy tiểu học lại được nhận quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 3 mã số V.07.03.08, như vậy Sở Nội vụ Hà Nội bổ nhiệm tôi có đúng pháp luật không?

Hiện tại tôi đang hưởng bậc bậc 6 của giáo viên tiểu học hạng 2 hệ số 3,65 nếu được chuyển ngang sang bậc 6 mới của giáo viên tiểu học hạng 3 mới sẽ có hệ số lương 3,99 như vậy vẫn không bằng bậc I của giáo viên tiểu học hạng II có hệ số lương 4.0 trong khi đó tôi đã bậc vượt 5 bậc lương tương đương 15 năm giảng dạy trong biên chế, tính cả thời gian tập sự 12 tháng đối với giáo viên tiểu học.

Vì vậy tôi thấy trường hợp của tôi là chưa công bằng trong cách xếp hệ số lương”.

Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến

Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến

Câu hỏi của bạn, người viết xin được tư vấn như sau:

Thú thực, khi đọc thư của bạn, người viết thấy nội dung câu hỏi và quá trình công tác của bạn có phần rất…rối rắm.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng chắt lọc câu hỏi thành một số vấn đề trọng tâm như sau:

Thứ nhất: bạn được tuyển dụng từ ngày 01/1/2005 và dạy môn Âm nhạc cấp trung học cơ sở cho đến tháng 7 năm 2017. Như vậy, giai đoạn này thì bạn được bổ nhiệm ngạch/ hạng giáo viên trung học cơ sở là đúng.

Tháng 7 năm 2017 thì bạn chuyển công tác về gần nhà và lúc này bạn không còn dạy cấp trung học cơ sở nữa mà được phân công dạy cấp tiểu học nên việc chuyển từ ngạch/hạng giáo viên trung học cơ sở sang ngạch/ hạng giáo viên tiểu học cũng là điều phù hợp.

Vì thế, Sở Nội vụ Hà Nội ra quyết định là đúng với công việc hiện tại của bạn.

Thực tế, về quyền lợi thì hiện nay lương+phụ cấp giáo viên tiểu học không hề thua kém cấp trung học cơ sở. Về hệ số lương hưởng theo bằng cấp, phụ cấp thâm niên như nhau nhưng phụ cấp đứng lớp ở tiểu học (35%), cao hơn trung học cơ sở (30%).

Thứ hai: hiện nay bạn còn đang băn khoăn bởi mình đang giáo viên tiểu học giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.08 và đã có bằng đại học, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II thì có phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III hay không?

Theo hướng dẫn của văn bản số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 thì trường hợp của bạn được hướng dẫn là: “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hạng III” nên tạm thời bạn chưa cần học chứng chỉ hạng III.

Thứ ba: bạn cho rằng: “Hiện tại tôi đang hưởng bậc bậc 6 của giáo viên tiểu học hạng 2 hệ số 3,65 nếu được chuyển ngang sang bậc 6 mới của giáo viên tiểu học hạng 3 mới sẽ có hệ số lương 3,99 như vậy vẫn không bằng bậc I của giáo viên tiểu học hạng II có hệ số lương 4.0 trong khi đó tôi đã bậc vượt 5 bậc lương tương đương 15 năm giảng dạy trong biên chế, tính cả thời gian tập sự 12 tháng đối với giáo viên tiểu học.

Vì vậy tôi thấy trường hợp của tôi là chưa công bằng trong cách xếp hệ số lương”.

Chỗ này có thể bạn còn nhầm lẫn về bậc và hệ số lương của mình. Theo thông tin trong câu hỏi của bạn thì chúng tôi nghĩ là bạn đang hưởng lương bậc 5 và hệ số là 3,66 chứ không phải là bậc 6, hệ số lương 3,65 thì khi chuyển sang bậc 6 mới có hệ số 3,99.

Theo hướng dẫn của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên được bổ nhiệm là giáo viên hạng II thì ít nhất là phải có 9 năm giữ hạng III (không kể thời gian tập sự) và đi kèm với giáo viên hạng II là hàng loạt các tiêu chí.

Nếu không phải là giáo viên cốt cán, giáo viên có kiêm nhiệm chức vụ thì rất khó đạt được (bạn có thể đọc kỹ các Điều 3,4,5 của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT để rõ các tiêu chí này).

Vì thế, không phải “trường hợp của bạn là chưa công bằng trong cách xếp hệ số lương” mà đây là áp dụng chung cho giáo viên trên cả nước. Bởi, muốn được xếp ở giáo viên hạng II thì phải có một quá trình công tác, phấn đấu hàng chục năm trời chứ không phải vừa tuyển dụng là được bổ nhiệm giáo viên hạng II và được hưởng lương bậc I, hệ số 4,0.

Những tư vấn trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn bạn đã gửi thư đến Tòa soạn.

LÊ MINH