Giáo viên "mách" bí quyết làm bài môn Văn trong kỳ thi lớp 10 để đạt điểm cao

23/05/2022 06:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bí quyết để làm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn đạt điểm cao mà học sinh cần lưu ý.

Khi mùa hè càng đến gần cũng là lúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang nóng dần lên bởi kỳ thi này nhận được sự quan tâm rất lớn của thầy cô giáo trong ngành giáo dục, học sinh và phụ huynh.

Hiện học sinh lớp 9 tại thành phố đang chạy đua với thời gian, để làm thêm các bài tập nhằm củng cố, bổ sung kiến thức sao cho mình đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp diễn ra trong tháng 6 sắp tới.

Các thầy cô giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hướng dẫn học sinh lớp 9 những bí quyết để làm tốt bài thi môn Ngữ văn đạt điểm cao nhất trong kỳ thi sắp tới.

Cô Phùng Thị Ngọc Mai và các học sinh trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (ảnh: NVCC)

Cô Phùng Thị Ngọc Mai và các học sinh trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (ảnh: NVCC)

9 bí quyết để làm bài điểm cao môn Ngữ văn

Với môn Ngữ văn, cô Phùng Thị Ngọc Mai (Tổ trưởng Ngữ văn, trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1) nêu ra một số bí quyết giúp học sinh làm bài môn này đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Đó là: Cần tránh đoán đề, đề tủ rồi dẫn đến tình trạng học vẹt, học tủ, học văn mẫu. Cách học này sẽ không hiệu quả, mà sẽ gây thêm áp lực cho học sinh do phải học thuộc lòng, thiếu sự linh hoạt khi làm bài.

Cô Ngọc Mai cho biết, vì thực tế có rất nhiều vấn đề không thể nào học sinh học “tủ” được hết. Quan trọng nhất là học sinh cần nắm vững được kiến thức, cách làm bài thì bất kể có ra đề như thế nào thì cũng làm bài được tốt.

Học sinh cần lên kế hoạch ôn tập lại kiến thức của cả năm học lớp 9 như thế nào cho hiệu quả, không phải là thích gì thì học nấy. Phần nào chưa nắm vững, cần trao đổi lại với bạn, thầy cô để hiểu rõ hơn vấn đề. Thực hiện luyện tập theo sự hướng dẫn của giáo viên, tự đọc thêm tài liệu tham khảo khi có thời gian rảnh.

Ôn lại nội dung bài học có hệ thống, theo chủ đề, có sự so sánh, liên hệ hợp lý sẽ giúp học sinh nhớ bài tốt hơn.

Ví dụ: Tác phẩm văn học phải chú ý sắp xếp theo từng giai đoạn (văn học trung đại, văn học hiện đại thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Văn học sau năm 1975…), ghi dẫn chứng phù hợp với các chủ đề như thiên nhiên, cuộc sống, phẩm chất con người. Luôn chú ý phần nghệ thuật có trong các đoạn thơ, văn để khi làm bài nghị luận văn học không bị lối diễn xuôi hay chỉ kể lại truyện.

Chuẩn bị học thêm một số đoạn văn, thơ ngoài chương trình học để có thể lấy làm tư liệu viết phần liên hệ trong quá trình làm văn, để bài làm của mình được phong phú hơn.

Nắm vững tốt một số dẫn chứng (có nguồn rõ ràng) để làm bài nghị luận xã hội thật tốt.

Không được bỏ qua những kiến thức cơ bản trong phần tiếng Việt, vì sẽ giúp làm tốt phần Đọc – Hiểu.

Ôn lại phương pháp làm bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học để khi đi thi không bị lỗi làm bài sai phương pháp, lạc đề.

Luôn có ý thức trình bày bài làm thật sạch sẽ, rõ ràng, khoa học, hạn chế bôi xóa, không viết số (trừ số hiệu, ngày tháng năm), không viết tắt, không dùng ngôn ngữ mạng vào bài thi của mình.

Trong quá trình ôn thi, làm bài tập, học sinh hãy chọn cho mình một loại bút tốt, màu mực cơ bản (xanh dương, tím, đen), và dùng cho quen để khi đi thi sẽ không lo lắng về chất lượng bút của mình, từ đó học sinh sẽ yên tâm hơn khi làm bài thi.

Đọc và phân tích kỹ yêu cầu của đề

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Nhiên – Giáo viên môn Ngữ văn trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn thường có 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

Phần đọc hiểu văn bản: Đề thường cho ngữ liệu bên ngoài với những nội dung liên quan đến những đoạn trích,, hay từ các tác phẩm ngoài chương trình Ngữ văn lớp 9.

Có 3 loại câu hỏi trong phần này, mà các em học sinh cần nắm chắc kỹ năng để giải quyết, làm được bài.

Đó là, câu hỏi nhận biết thì học sinh cần xác định phương thức biểu đạt, thể loại, tìm, xác định từ ngữ, chi tiết, hình ảnh trong đoạn ngữ liệu.

Câu hỏi thông hiểu thì học sinh cần chỉ ra mối liên hệ, điểm chung, điểm khác biệt về nội dung giữa 2 đoạn ngữ liệu đã cho, nêu nội dung của văn bản, nêu ý nghĩa của các hình ảnh, chi tiết.

Câu hỏi vận dụng thì học sinh cần trình bày quan điểm của mình, nhận xét thông điệp mà tác giả gửi gắm, lựa chọn một giải pháp, hướng giải quyết hay một biểu hiện mà học sinh tâm đắc và lý giải.

Trong phần này, học sinh cần lưu ý là phải trả lời đủ ý, tránh thiếu sót yêu cầu của đề, đảm bảo số dòng và số câu quy định. Các em cần tránh tâm lý xem nhẹ phần đọc hiểu, thường viết rất ngắn gọn, sơ sài, ý lan man không đúng trọng tâm.

Phần nghị luận xã hội: Các em cần nắm chắc cấu trúc bài nghị luận xã hội, cách làm bài nghị luận xã hội.

Cô Nguyễn Thị Thùy Nhiên - giáo viên Ngữ văn, trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Thùy Nhiên - giáo viên Ngữ văn, trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (ảnh: NVCC)

Cách làm bài nghị luận xã hội, học sinh cần nhận biết các dạng đề, cách làm các dạng đề. Các em cần đọc kỹ và xác định đúng, đủ, chính xác dạng đề và yêu cầu của đề, trình bày, diễn đạt ý theo đúng kiểu bài nghị luận xã hội, lý lẽ cần rõ ràng, rành mạch, hợp lý, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, biết kết hợp đưa dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc cụ thể, chi tiết để chứng minh cho lý lẽ đưa ra.

Học sinh cần thể hiện lối diễn đạt mới mẻ, tư duy sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Phần nghị luận văn học: Học sinh cần đảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận văn học. Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài phân tích vấn đề và kết bài khái quát được nội dung vấn đề.

Các em biết cảm nhận được nét đẹp nghệ thuật qua ngôn từ của từ ngữ, hình ảnh, chi tiết các biện pháp tu từ được sử dụng được để làm nổi bật nội dung, ý nghĩa, cảm xúc, tình cảm, thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Học sinh biết cảm nhận nét đẹp tính cách nhân vật qua hành động, cử chỉ, suy nghĩ, lời nói, biết vận dụng và kết hợp hài hòa giữa các thao tác lập luận.

Các em cần biết diễn đạt ý mạch lạc, trong sáng, lập luận chặt chẽ, có sự liên kết giữa các câu và các đoạn.

Trong phần này, học sinh cần phải xác định đúng vấn đề nghị luận, phạm vi giới hạn của đề. Trình bày các luận điểm, luận cứ rõ ràng, cân đối đáp ứng đúng, đủ theo yêu cầu của đề.

Các cảm xúc, tình cảm dành cho nhân vật, đoạn trích, tác phẩm cần chân thành, sâu sắc.

Cần xác định phương pháp trình bày sao cho phù hợp, tùy theo dạng đề, từng đối tượng.

Quan trọng nhất, học sinh cần biết đọc và phân tích kỹ các yêu cầu của đề, cần tránh lối viết diễn xuôi ý thơ, diễn giảng nội dung của đoạn thơ, tránh kể việc, kể tình tiết diễn biến của câu chuyện trong văn bản, hoàn thành đầy đủ phần kết bài vì thiếu phần kết bài sẽ mất điểm do bố cục không hoàn chỉnh.

Việt Dũng