Giáo viên liên tục bồi dưỡng chuyên môn, công việc bù đầu

15/01/2022 06:49
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2021-2022, giáo viên bậc phổ thông vừa học nâng chuẩn trình độ đào tạo vừa bồi dưỡng các module, dạy học tích hợp khiến công việc quá tải.

Từ năm học 2021-2022, giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước phải nâng chuẩn trình độ đào tạo nếu chưa đạt chuẩn.

Giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông còn bồi dưỡng thường xuyên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, giáo viên 2 môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên cũng phải bổ túc kiến thức phân môn để có thể giảng dạy chương trình mới.

Liên tục bồi dưỡng chuyên môn

Thứ nhất, ngày 1/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, giáo viên phải bồi dưỡng 9 module để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đảm bảo thời lượng 120 tiết/năm).

Công việc của giáo viên bị quá tải khi liên tục bồi dưỡng chuyên môn. (Ảnh minh họa: Nhandan.vn)

Công việc của giáo viên bị quá tải khi liên tục bồi dưỡng chuyên môn. (Ảnh minh họa: Nhandan.vn)

Cho đến thời điểm này, đa phần giáo viên đã bồi dưỡng xong các module 1, 2, 3, 4, 5 và tiếp tục học các module còn lại theo lộ trình.

Để hoàn thành các module, giáo viên mất khá nhiều thời gian đọc lí thuyết (xem video bài giảng) làm bài tập trắc nghiệm và soạn kế hoạch bài dạy (module 2, 3, 4) – tất cả phải đạt yêu cầu thì mới được cấp giấy chứng nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên.

Việc làm bài tập trắc nghiệm khá đơn giản, giáo viên làm sai có thể làm lại nhiều lần, nhưng để soạn một kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì dài dòng, rắc rối vô cùng. Nhiều giáo viên phải soạn đi soạn lại kế hoạch bài dạy vì không đúng mẫu quy định.

Thứ hai, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên bậc trung học cơ sở phải đạt chuẩn trình độ đào tạo – có bằng cử nhân thuộc chuyên ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Ngày 30/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, có hiệu lực thi hành từ 18/8/2020.

Nhiều giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở hiện nay chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, bởi nhiều năm về trước thầy cô chủ yếu được đào tạo cao đẳng sư phạm theo nhu cầu của từng địa phương.

Giáo viên chỉ có thể tranh thủ học ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc học vào các dịp hè. Nhưng thời gian hè, thầy cô còn bồi dưỡng môn, chủ nhiệm; học chính trị hè; dạy học sinh thi lại; ôn tập cho học sinh cuối cấp thi tuyển sinh 10... nên việc cứ chồng việc.

Thứ ba, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Công văn có nội dung: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Như thế, giáo viên dạy đơn môn còn phải bồi dưỡng kiến thức để dạy 2 môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên. Năm học này nhiều địa phương trên cả nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19, việc dạy học chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, giáo viên càng vất vả hơn khi dạy tích hợp.

Đặc thù của môn tích hợp là có những nội dung bài học dạy theo chủ đề. Muốn dạy học theo chủ đề thì 2, 3 giáo viên (kể cả nhóm/tổ) phải cùng nhau thiết kế, có khi cả tuần mới xong một giáo án.

Lâu nay, việc dạy học theo chủ đề, chuyên đề chủ yếu được thực hiện ở những tiết thao giảng mẫu. Vậy nên, khi dạy chương trình mới thì nhiều giáo viên trở tay không kịp, kể cả không tự tin khi dạy môn tích hợp vì thiếu kiến thức liên môn.

Ngoài ra, nhiều địa phương còn ra công văn yêu cầu nhà trường phải cử giáo viên tham gia góp ý sách giáo khoa chỉ trong 2, 3 ngày cũng khiến công việc thầy cô quá tải.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán năm nay, nhiều địa phương trên cả nước cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Giáo viên tận dụng khoảng thời gian ít ỏi vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập cho các em kiểm tra cuối kì.

Thế mà, giáo viên còn phải hoàn thành bồi dưỡng thường xuyên, góp ý nội dung chương trình sách giáo khoa khiến không ít thầy cô chán ngán. Nhiều giáo viên cũng đã phản ánh nhưng ngành giáo dục vẫn chưa lắng nghe, chia sẻ.

Chỉ mong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục các địa phương nghiên cứu sắp xếp các công việc sao cho hợp lí, tránh cùng một thời điểm mà yêu cầu giáo viên phải làm quá nhiều việc thì hiệu quả chẳng đến đâu.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2019-TT-BGDDT-Chuong-trinh-boi-duong-thuong-xuyen-giao-vien-co-so-giao-duc-428683.aspx

[2] //luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/truong-hop-giao-vien-khong-phai-nang-chuan-trinh-do-566-28137-article.html

[3] //thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/29675/chinh-thuc-co-lo-trinh-nang-chuan-giao-vien-mam-non-tieu-hoc-thcs

[4] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html

(*) Vân phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên