Giáo viên kiến nghị Bộ nên giảm thời gian thăng hạng từ 9 năm xuống còn 6 năm

22/06/2022 06:23
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong muốn của nhiều thầy cô giáo trẻ là thời gian thăng hạng trong chùm Thông tư 01- 04 từ 9 năm theo quy định nên giảm xuống còn 6 năm.

Kể từ ngày 2/2/2021 chùm Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường công lập ra đời, niềm vui mang lại cho nhà giáo thì ít mà nỗi buồn, sự trăn trở về những bất cập lại nhiều.

Để giải quyết các bất cập của chùm thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo sửa đổi chùm Thông tư 01 - 04 lần 2.

Các giáo viên làm bài thi trắc nghiệm để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn)

Các giáo viên làm bài thi trắc nghiệm để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn)

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được chuyển tải thông điệp của một nhà giáo trẻ dạy tiểu học đã có thâm niên công tác 8 năm với nghề, gặt hái được rất nhiều thành tích, là giáo viên cốt cán luôn được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp tin yêu, được lãnh đạo tin tưởng.

Tuy nhiên, thầy lại đang có ý định muốn nghỉ việc (mặc dù vẫn rất yêu công việc dạy học) chỉ vì những bất cập của quy định trong chùm Thông tư 01 - 04.

Tin nhắn của thầy giáo chia sẻ.

Tin nhắn của thầy giáo chia sẻ.

Lời tâm sự nhói lòng của một đồng nghiệp trẻ

"Em buồn quá chị ơi! Chắc sắp tới em làm đơn xin nghỉ việc!". Đó là lời chia sẻ nhói lòng của một đồng nghiệp trẻ hiện giảng dạy tại một thành phố phía Nam.

Thầy H. cho biết: "Em tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và vào ngành từ tháng 9/2012. Vừa đi dạy, em vừa học liên thông đại học và tốt nghiệp năm 2017.

Ngoài ra, em tiếp tục học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II (do lúc đó cứ có bằng đại học là được xét lên hạng II), rồi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I (vì em được vào tổ cốt cán bộ môn của thành phố).

Học được 4 chứng chỉ cũng mất một khoản tiền khá lớn so với số tiền lương ít ỏi hàng tháng nhận được từ lương. Dù thế, em vẫn phải bỏ ra để học và chờ đợi cơ hội được xét thăng hạng.

Trong suốt 8 năm qua, em đã đạt được khá nhiều thành tích như là giáo viên giỏi cấp thành phố. Nhưng chủ yếu thành tích của em chính là thành tích của học sinh. Năm nào đội tuyển học sinh giỏi do em phụ trách cũng giành được nhiều thứ hạng cao của thành phố.

Một đoạn tin nhắn của đồng nghiệp chia sẻ.

Một đoạn tin nhắn của đồng nghiệp chia sẻ.

Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, thành phố không tổ chức thi tuyển nâng hạng để chuyển xếp lương nên tụi em phải chờ cho đến nay. Mặc dù, giáo viên tụi em đã có đủ điều kiện về chứng chỉ, bằng cấp như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 1 rồi hạng 2.

Vậy mà, bao năm mòn mỏi chờ đợi, cái hy vọng mong manh ấy bị vụt tắt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi Thông tư (chùm Thông tư 20;21;22;23/2015 chỉ quy định viên chức thăng hạng III lên chức danh hạng II phải có thời gian giữ hạng 6 năm) sang chùm Thông tư 01-04 với thời gian giữ hạng chức danh là 9 năm.

9 năm cộng với 1 đến 2 năm tập sự, vậy là con đường thăng hạng, nâng ngạch của tụi em lại phải dài ra nữa thậm chí không biết đến bao giờ do địa phương không tổ chức?"

Chùm Thông tư 01- 04 quy định thời gian giữ hạng của giáo viên 9 năm là quá dài

Mặc dù, chùm Thông tư 01- 04 quy định viên chức thăng hạng III lên chức danh hạng II phải có thời gian giữ hạng 9 năm (không kể thời gian tập sự) nhưng việc tổ chức việc xét/thi thăng hạng ở các địa phương lại không diễn ra đều đặn hàng năm để cứ đúng 9 năm giáo viên sẽ được có cơ hội tham gia chuyển hạng.

Có địa phương nhiều năm nay chưa thực hiện việc xét/thi thăng hạng lần nào. Sẽ nhiều giáo viên mất cơ hội hoặc không biết bao giờ được thăng hạng do không gặp thời điểm.

Ví dụ như, địa phương nào đó tổ chức xét/thi thăng hạng nhưng giáo viên A. mới có 8 năm giữ hạng III sẽ không được tham dự.

Do vừa tổ chức đợt xét/thi thăng hạng nên phải vài năm sau đó hoặc lâu hơn nữa địa phương mới tổ chức lại. Thế là, dù đủ 9 năm nhưng địa phương chưa tổ chức lại, giáo viên A. vẫn phải chờ đợi. Thế là, không phải 9 năm mà có khi mười mấy năm cũng nên.

Điển hình như địa phương thầy giáo H. từ năm 2013 đến nay, đã không tổ chức thi tuyển nâng hạng lần nào.

Vì thế, mong muốn của nhiều thầy cô giáo trẻ, là khi sửa đổi chùm Thông tư 01-04 thời gian xét nâng hạng giáo viên tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông từ 9 năm nên giảm xuống còn 6 năm là phù hợp.

Đồng thời, Bộ nên quy định thời gian tổ chức xét/thi nâng hạng mỗi năm một lần để tránh thiệt thòi cho nhiều nhà giáo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết