Giáo viên không đảm nhận chức vụ rất khó đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở

03/06/2019 07:00
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng việc biểu quyết hay bỏ phiếu kín cũng đều bất cập bởi nó sẽ thiên về tình cảm và cả sự nể nang nhau.

Để đạt được danh hiệu Lao động tiên tiến trong các trường học hiện nay cực kỳ đơn giản, chỉ cần cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường không có vi phạm trong công tác và giảng dạy là đương nhiên được xét danh hiệu này.

Tuy nhiên, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì lại vô cùng khó khăn đối với giáo viên, nhất là giáo viên không đảm nhận một chức vụ nào trong nhà trường thì gần như rất khó cơ cơ hội được xét.

Bởi, quy định muốn được xét danh hiệu này thì người đó phải đạt được từ 75% số phiếu trở lên.

Những người không có mặt trong Hội đồng thi đua khen thưởng thường thua thiệt (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Những người không có mặt trong Hội đồng thi đua khen thưởng thường thua thiệt

(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Chính vì quy định hiện hành là chỉ xét 15% số lượng những người đã được xét danh hiệu Lao động tiên tiến để đề nghị cấp trên công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở nên nhiều trường xảy ra việc người có mặt trong Hội đồng thi đua khen thưởng thì được xét, người không có mặt thì rất ít khi đủ số phiếu.

Hội đồng thi đua các trường hiện nay gồm có chi ủy nhà trường, Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, trưởng ban thanh tra nhân dân, giáo viên đoàn- đội.

Số lượng khoảng trên dưới 10 người được cơ cấu ngồi cầm cân nảy mực xét thi đua cho toàn trường.

Việc đầu tiên là xét danh hiệu Lao động tiên tiến thì gần như các tổ chuyên môn đưa lên người nào sẽ xét người đó.

Hội đồng thi đua chỉ đóng góp, phân tích những người nào mà trong năm học bị kỷ luật hoặc thường xuyên vi phạm các nội quy quy chế của ngành, của trường như: nghỉ không lý do, thường xuyên đi trễ, về sớm, vào điểm chậm, hồ sơ sổ sách không đúng yêu cầu…thì mới không được xét.

Khi danh sách Lao động tiên tiến được thông qua thì bước tiếp theo là xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua- đây là phần việc thường xảy ra tranh luận gay gắt, thậm chí có rất nhiều ý kiến bất đồng.

Nếu những trường mà ít người đủ tiêu chí xét thì việc xét rất nhanh và dễ dàng nhưng với những trường có số lượng người đủ tiêu chí cao hơn số lượng 15% xét thì cực kỳ phức tạp.

Khi sáng kiến kinh nghiệm trở thành thước đo để xét danh hiệu cho nhà giáo

Bởi, xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua bắt buộc phải đủ 75% số phiếu trong Hội đồng mới đủ điều kiện để nhà trường đề nghị lên cấp trên.

Nếu những người có mặt trong Hội đồng thi đua thì không ai có ý kiến gì nhưng những người không có mặt trong Hội đồng thì sẽ có những ý kiến để tìm những vi phạm, những hạn chế nhằm loại dần số lượng.

Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng thi đua nhà trường mà có cảm tình với một người nào đó thì tất nhiên họ cũng lái những ý tốt cho người ấy để nhằm tăng thêm số phiếu.

Sau khi bàn bạc, ý kiến xong xuôi thì bắt đầu bỏ phiếu kín. Thực ra bỏ phiếu kín nhưng cũng có nhiều “phiếu hở” bởi mọi người cùng ngồi chung một dãy bàn với nhau.

Người có tên trong danh sách xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì đương nhiên có 2 người ngồi bên cạnh và 2 người này chẳng lẽ lại không bỏ phiếu cho người ngồi giữa. Thành ra, những người có mặt đã có lợi thế rất lớn trong việc bỏ phiếu.

Hơn nữa, những người mà được đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua mà là các thành viên Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn hay giáo viên đoàn- đội thì họ thường có ảnh hưởng hơn rất nhiều những giáo viên dạy lớp bởi công việc của họ trao đổi, tiếp xúc với nhiều người.

Khi xét thi đua, họ lại là những người ngồi trong Hội đồng xét thành ra ai đủ điều kiện để xét là khi bỏ phiếu sẽ đương nhiên đủ số phiếu cần thiết.

Ở chiều ngược lại, những giáo viên bình thường cho dù có bằng thành tích, thậm chí là hơn thành tích đã đạt được nhưng khi bỏ phiếu lại không mấy khi đủ 75% phiếu bầu để đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Bởi, một khi bỏ phiếu thì phần cảm tính đôi khi sẽ lấn át nhiều thứ khác. Tôi thích ai thì tôi bỏ phiếu, ai tôi không thích thì tôi gạch ngang.

Thi đua - hưu rồi mà tôi vẫn còn...khiếp sợ

Có rất nhiều giáo viên dạy các môn được xem là môn phụ trong nhà trường như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục- những môn mà thường xuyên phải tham gia các phong trào của huyện, của tỉnh và họ đã huấn luyện học sinh đạt giải cao.

Bản thân họ cũng là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố và có sáng kiến kinh nghiệm nhưng không mấy khi được xét vì thường xuyên thua phiếu. Trong khi, những người trong Hội đồng thi đua chỉ cần giải C sáng kiến kinh nghiệm là họ nghiễm nhiên đủ số phiếu.

Chính vì vậy, sau mỗi lần xét thi đua cuối năm là trường nào cũng bàn tán về danh hiệu thi đua. Thầy này không xứng đáng, thầy kia xứng đáng hơn và có rất nhiều những lời thị phi.

Xét danh hiệu chiến sĩ thi đua có nhất thiết phải bỏ phiếu kín không?

Chúng tôi cho rằng việc biểu quyết hay bỏ phiếu kín cũng đều bất cập bởi nó sẽ thiên về tình cảm và cả sự nể nang nhau.

Vì thế, cuối năm, những người đủ điều kiện xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì Hội đồng sẽ liệt kê những thành tích đạt được, người nào nhiều thành tích thì xếp ở trên.

Ai nhiều thành tích hơn, cống hiến nhiều hơn thì đề nghị người đó, những người có thành tích thấp hơn thì thôi. Khỏi phải bỏ phiếu như hiện nay bởi có quá nhiều bất cập.

Xét công tâm, bình đẳng sẽ thể hiện được sự công bằng trong thi đua, những người được xét cũng cảm thấy mừng mà phấn đấu tiếp. Người không được xét sẽ cố gắng hơn vào năm sau.

Xét mà những người ngồi trong Hội đồng bỏ phiếu cho nhau, giáo viên không có mặt trong Hội đồng sẽ lệ thuộc vào những lá phiếu hên-xui thì còn đâu là chữ công bằng để làm động lực cho mọi người phấn đấu?

NGUYỄN NGUYÊN