Giáo viên không chịu nhúc nhích, chương trình nào cũng thất bại

15/10/2019 06:42
Lê Mai
(GDVN) - Không chỉ giáo viên đứng lớp, ngay cả ban giám hiệu cũng không ít người còn “mơ màng” về chương trình sẽ ra sao trong đổi mới giáo dục lần này.

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ chính thức học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình mới hướng tới việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu. 

Chương trình mới chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9); giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). 

Chương trình này cũng sẽ chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học.

Đây là một chương trình có tính mở, tăng khả năng chủ động - sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như các giáo viên.

Trước đây, sách giáo khoa là pháp lệnh, với chương trình mới sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, chương trình mới là pháp lệnh. 

Một thực tế ở địa phương, giáo viên đang rất “mơ màng” về chương trình mới.

Không chỉ giáo viên đứng lớp, ngay cả ban giám hiệu cũng không ít người còn “mơ” về chương trình sẽ ra sao trong đổi mới giáo dục lần này. 

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ chính thức học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ chính thức học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Người viết trao đổi với hàng chục giáo viên đang dạy khối 1; phần lớn đều trả lời chưa biết, chưa đọc; không có tài liệu để đọc.

Có người còn nói “Giáo dục thay đổi xoành xoạch vậy, khi nào cho ổn định rồi đọc”. Có người còn vô tư “Cứ có sách giáo khoa là dạy được, cầm đèn chạy trước ô tô làm gì cho mệt”. 

Hỏi ban giám hiệu một số trường về tài liệu chương trình mới, nhận được câu trả lời “Chưa thấy phòng cấp về”. 

Có thể ví “trên nóng nhưng dưới đang lạnh như … nam cực”; thành bại của một chương trình phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên, giáo viên không “nhúc nhích” chương trình nào cũng thất bại. 

Thầy không có năng lực sao có thể dạy trò?

Muốn nắm được chương trình - sợi chỉ đỏ của đổi mới giáo dục lần này giáo viên phải tự học, biết xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn và có phương pháp, kỹ năng tự học; biết phát hiện vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục và thiết kế đề tài nghiên cứu giải pháp giải quyết. 

Nắm vững kiến thức, kỹ năng về môn học được phân công dạy; biết lập các loại kế hoạch dạy học.

Những năng lực tối thiểu này đã có trong mỗi giáo viên; vấn đề còn lại là ai sẽ là người đánh thức “vẻ đẹp tiềm ẩn” đó mà thôi. 

Chỉ vài ngày tập huấn cán bộ, giáo viên cốt cán; chính những “nguồn” này về phổ biến tại địa phương, liệu có ổn không? 

186 giáo viên Đà Nẵng được bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?
186 giáo viên Đà Nẵng được bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?

Xin thưa, không ổn chút nào; tam sao thất bản là hậu quả của phương pháp tập huấn kiểu này; trong lúc đó tài liệu, chương trình bồi dưỡng qua mạng của Bộ “đang nằm ở đâu đó”, nơi cần biết, cần đọc, cần học là giáo viên thì chưa thấy. 

Tại sao không công khai hóa các “học liệu” này cho mọi giáo viên biết?

Kết quả “thu hoạch” của các “cán bộ, giáo viên cốt cán” sẽ được công khai trên mạng; một hình thức “động viên” người  học đầu tư trí, lực cho sản phẩm thu hoạch của mình; những sản phẩm của người lao động trực tiếp này nhiều khi có giá trị hơn nhiều so với sản phẩm từ “phòng máy lạnh”.  

Vì thế, song song với việc bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cốt cán, cần phải tuyên truyền cho giáo viên nhận thức được, tự giác học tập, tự bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho chính mình.

Nhưng thực tế không ít giáo viên muốn tự học cũng không có thời gian, đặc biệt là giáo viên tiểu học; dạy học cả ngày.

Cần giảm bớt giờ làm cho giáo viên dạy chương trình mới, giúp họ có thời gian đầu tư, nghiên cứu cũng là phương án nên tính đến.

Bên cạnh đó, cần có lộ trình đề nghị tăng lương cho giáo viên; giáo viên sống được bằng lương chứ không phải nhờ dạy thêm, học thêm.  

Hiện thực hóa “Giáo dục là quốc sách”; giáo viên tất yếu hiện thực hóa “Mỗi giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Không tự học, tự đổi mới, chúng ta sẽ tự loại mình ra khỏi “cuộc chơi” đổi mới giáo dục lần này. 

Tài liệu tham khảo: 

1: //vtv.vn/chuyen-dong-24h/nhieu-giao-vien-van-chua-san-sang-voi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-20191007103130198.htm

2: //giaoducthoidai.vn/trao-doi/nang-luc-can-co-de-tao-pham-chat-nghe-nghiep-cua-giao-vien-hien-dai-4023905-v.html

Lê Mai