Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc

28/03/2019 07:05
Vũ Ninh
(GDVN) - “Tại sao sau gần 20 năm công tác, số phận của một giáo viên, một con người lại chỉ được quyết định thông qua một bài viết 180 phút, Barem 100 điểm”?

Nhiều thầy cô nói chúng tôi sẽ không thi vì có thi vẫn sẽ trượt

Những ngày qua, hơn hơn 250 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn lòng như lửa đốt vì đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng.

Cô Nga, một giáo viên hợp đồng có thâm niên 12 năm đứng trên bục giảng cho biết:

"Ngày 9/1/2019 huyện có gửi công văn về các trường yêu cầu rà soát toàn bộ các thầy cô đang dạy hợp đồng  trên toàn huyện.

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc ảnh 1Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu?

Điều kiện phải có bằng đại học đúng với vị trí công tác và có thời gian giảng dạy trên 5 năm.

Hầu hết các thầy cô đều đáp ứng đủ điều kiện trên.

Chúng tôi vẫn yên tâm công tác giảng dạy.

Tiếp đến có một công văn của Sở nội dung thì tôi không nắm rõ nhưng không ảnh hưởng đến công việc của các thầy cô.

Gần đây Huyện có ra một công văn. Trong công văn chỉ ghi rất chung chung trích dẫn công văn của thành phố.

Trong công văn Huyện dùng từ "Xét tuyển". Chúng tôi thở phào và không còn lo lắng gì.

Một vài tuần sau Huyện lại ra tiếp một công văn đính chính và có ghi do lỗi đánh máy của văn thư sửa từ "Xét tuyển" thành "Thi tuyển".

Sau đó các giáo viên có gửi kiến nghị lên Huyện và được mời làm việc. Trong cuộc họp quan điểm của Huyện:

Thứ nhất Huyện thừa nhận trách nhiệm của Huyện là sai.

Nhưng cũng nói kèm theo: sai là do chúng tôi quá nhân đạo theo đúng ra thì chúng tôi đã cắt hợp đồng của các cô từ nhiều năm trước.

Thứ hai Huyện cũng đã nhiều lần gửi công văn lên thành phố đề nghị xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn nhưng thành phố nói là không có chủ trương đấy.

Các thầy cô đều rất bức xúc".

Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)

Trong cuộc họp trên, theo chia sẻ của cô Nga, chủ trương của Huyện đối với những ai không đỗ hoặc không dự thi đều bị cắt hợp đồng không phân biệt 20 năm hay 27 năm.

Nhiều giáo viên tỏ ra bức xúc trước thông tin này và cho biết họ sẽ không thi vì có thi cũng biết chắc mình trượt.

"Trước thông tin này, một cô đang điều trị ung thư tại viện E cũng cố gắng bắt xe về Sóc Sơn để trao đổi với nhà báo.

Có những giáo viên hợp đồng hoàn cảnh thực sự đáng thương nếu bây giờ bị mất việc thì coi như mọi thứ sẽ phải khép lại.

Trong bài thi tuyển công chức gồm 3 phần: Phần 1 trắc nghiệm về kiến thức pháp luật, phần 2 bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh, phần 3 là một bài tự luận 180 phút thang điểm 100.

Bản thân tôi là thế hệ trẻ hơn các thầy cô, những năm 2005 đến Sóc Sơn thì huyện này vẫn còn hoang sơ thì học làm sao được tiếng Anh.

Chưa nói đến các thầy cô công tác 20, 27 năm nói tiếng Anh thôi đã khó chứ đừng nói đến thi tiếng Anh trên máy tính.

Nhiều thầy cô bức xúc bảo rằng việc thi lần này chẳng qua là lý do hợp pháp để đuổi họ".

Một số các thầy cô có thâm niên giảng dạy 20 năm cho biết: Hai phương án thi cũng trượt và không thi cũng trượt họ chọn việc không thi để bảo toàn danh dự.

"Thế hệ giáo viên trẻ hơn như chúng tôi còn suy nghĩ cho đến ngày cuối cùng.

Thế nhưng các thầy cô lớn tuổi trả lời luôn là họ không thi.

Nếu bây giờ thi không đỗ thì phụ huynh họ sẽ nói rằng thi công chức còn không đỗ lại đi dạy con họ.

Trách nhiệm và danh dự của nhà giáo khiến họ không thi để bảo toàn sự tự tôn".

Để dẫn chứng cho nghịch lý này, cô Nga đưa ra nhiều tấm gương.

Có những thầy cô công tác 20 năm, được tuyên dương là công dân của Thủ đô, đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh giỏi.

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc ảnh 3Cắt phăng hợp đồng giáo viên, nhân văn và đạo lý ở đâu?

Nhiều thầy cô giữ các chức vụ quan trọng của nhà trường như tổ trưởng, tổ phó, bồi dưỡng đội học sinh giỏi của huyện.

Nhưng có thể sẽ mất công việc sau đợt thi tuyển này:

"Điều chúng tôi cảm thấy bức xúc là Huyện phủ nhận mọi công lao, cố gắng cũng như thành tích của giáo viên chỉ vì một bài thi viết 180 phút.

Chúng tôi được phụ huynh tin tưởng, đào tạo học sinh giỏi. Nhiều thầy cô còn được giải nọ, bằng kia. Những cái đấy có tiền cũng chưa chắc mua được.

Thế mà bây giờ lại bắt các thầy cô thi với học trò của mình để chứng minh mình đủ điều kiện để đứng lớp".

Thi Đại học còn xảy ra tiêu cực chứ nói gì đến thi công chức

Điều khiến cô Nga và nhiều thầy cô tỏ ra lo ngại đó chính là tính minh bạch của kỳ thi này liệu có hiệu quả và công bằng:

"Đến kỳ thi Phổ thông Quốc gia còn như thế thì không lý gì bọn chị lại không lo ngại tính minh bạch của kỳ thi lần này.

Cái này khó để kiểm chứng. Trước đây nóng vụ đường dây chạy công chức tại Sóc Sơn.

Bọn chị là người trong ngành, bọn chị biết và thừa nhận là có hiện tượng này cho nên mọi người vẫn luôn cảm thấy bất an và nghi ngờ tính minh bạch của kỳ thi này.

Lấy ví dụ như trường chị tổng số giáo viên hợp đồng và biên chế vừa đủ chỉ tiêu của huyện.

Thế nhưng tại sao gần 20 năm nay huyện vẫn để tình trạng trường thiếu giáo viên biên chế mà không giải quyết. Như thế cũng hiểu là phải có lý do gì đấy".

Cô Nga phân tích: Chuyện ngày hôm nay là hệ lụy của cơ chế tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết.

Thứ nhất: Các giáo viên dạy hợp đồng ở huyện nhưng được hưởng mọi cơ chế và quyền lợi như viên chức.

"Chúng tôi ra trường đi làm được ký mức lương A0 và có tăng bậc lương như viên chức bình thường.

Do vậy đến nay có những thầy cô đã lên đến bậc lương thứ 9. Do quyền lợi và mức lương như vậy họ gắn bó và phấn đấu đến ngày hôm nay.

Như các huyện khác ký mức lương hợp đồng, giáo viên họ không trụ được họ sẽ nghỉ. Đây là lý do Huyện có nói cái sai của chúng tôi là quá nhân đạo".

Thứ hai: Việc thi tuyển công chức tại Sóc Sơn xảy ra rất ít và nhỏ giọt

"Nhiều giáo viên hợp đồng công tác đến tận 27 năm nhưng chưa một lần thi công chức.

Nhiều thầy cô giữ các chức vụ quan trọng trong trường như tổ trưởng, tổ phó.

Lấy ví dụ đợt thi công chức gần đây nhất của môn Văn diễn ra từ năm 1998.

Đến nay hơn 20 năm chưa thi thêm một lần nào. Đó là lý do vì sao lại có nhiều giáo viên hợp đồng đến như vậy".

Kết thúc câu chuyện, cô Nga bày tỏ nguyện vọng:

"Nguyện vọng của giáo viên hiện nay là có một cơ chế nhân đạo dành cho các thầy cô công tác thâm niên, nhất là đối với những thầy cô công tác 20, 27 năm.

Tại sao người ta công tác đến gần 30 năm trong ngành giáo dục, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghề giáo vậy mà chỉ dựa vào một bài viết 180 phút là có thể đuổi họ ra khỏi ngành giáo dục".

Vũ Ninh