Giáo viên hợp đồng lâu năm nhắc lại lời hứa của Chủ tịch Thành phố Hà Nội

30/11/2019 06:39
Vũ Ninh
(GDVN) - Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng cam kết sẽ dành ra 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng tồn đọng.

Như đã đưa tin, trong cùng ngày 16/11/2019, Chủ tịch Thành phố Hà Nội liên tiếp 2 lần ra công văn khiến thầy cô hoảng hốt.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Văn bản số 5130 được ra sau khi ông làm việc với Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội, một số cơ quan liên quan và xét thấy việc tổ chức song song 2 hình thức tuyển sẽ có lợi cho đông đảo giáo viên hơn.

Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?
Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?

Mặt khác, một số giáo viên hợp đồng lâu năm tuy đủ các điều kiện để xét tuyển, nhưng tại trường có hợp đồng lại không có chỉ tiêu, nên nếu dừng kỳ thi lại thì các giáo viên này cũng sẽ thiệt thòi.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định việc tiếp tục kỳ thi không ảnh hưởng đến quyền lợi của các giáo viên lâu năm thuộc diện được xét tuyển đặc cách. 

Kể cả với các giáo viên đã thi trượt kỳ thi viên chức nhưng đủ điều kiện thì cũng vẫn sẽ được xét tuyển đặc cách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng cam kết: Vẫn sẽ thực hiện lời hứa của mình trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã dành ra 3.000 chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này.

Đến nay, ngày 30/11/2019, về cơ bản kỳ thi viên chức giáo dục thành phố Hà Nội đã tổ chức xong, trong đó có 5/8 Quận, huyện thực hiện phương án xét tuyển đã thông báo điểm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Vì, Mỹ Đức và Cầu Giấy.

Tuy nhiên việc dành ra 3000 biên chế để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể, tất cả mới chỉ dừng ở lời cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

Đại diện giáo viên hợp đồng các huyện có mặt tại Bộ Nội vụ (Ảnh:V.N)
Đại diện giáo viên hợp đồng các huyện có mặt tại Bộ Nội vụ (Ảnh:V.N)

Vì thế tâm trạng chung của nhiều giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội rất lo lắng. 

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều tỉnh/ thành phố trên cả nước đã bắt đầu xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo công văn số 5378 của Bộ Nội vụ.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây lo lắng: “Ngày 15/11/2019 chủ tịch Thành phố Hà Nội ký công văn hỏa tốc 5310 có nói Hà Nội vừa thi tuyển vừa xét đặc cách và Hà Nội sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo công văn 5378 của Bộ nội vụ. 

Đến nay Thành phố vẫn chưa có một thông báo gì mới sau khi ra công văn hỏa tốc 5310 ngày 15/11/2019. 

Điều này làm cho giáo viên hợp đồng toàn Thành phố lo âu, hoang mang không biết đặt niềm tin vào đâu và không biết Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có thực hiện lời hứa với giáo viên hợp đồng toàn Thành phố qua phát biểu trên báo chí, truyền hình”.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội cũng rất băn khoăn: Vì sao Thành phố Hà Nội không thực hiện xét đặc cách cho giáo viên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ? 

Trong khi đó rất nhiều tỉnh/ thành phố đã bắt đầu xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đơn cử như tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Cà Mau…

Đã hơn 8 tháng trôi qua nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)
Đã hơn 8 tháng trôi qua nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Cô giáo Nguyễn Thị Thơm nói: “Khi Bộ Nội vụ ra công văn số 5378 nói rõ điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng không theo Nghị định 161, tất cả chúng tôi đã ăn mừng rồi. 

Đặc biệt khi Chủ tịch Thành phố Hà Nội cam kết sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng.

Chúng tôi đều hiểu 3000 chỉ tiêu biên chế này vừa vặn với số giáo viên hợp đồng tại Thành phố Hà Nội. Như vậy đồng nghĩa với việc tất cả sẽ được đặc cách.

Tuy nhiên hiện nay kỳ thi viên chức về cơ bản đã xong xuôi, chúng tôi vẫn thắc mắc vì sao Thành phố không thực hiện lời cam kết ban đầu. Đến thời điểm này chúng tôi đã quá mệt mỏi vì những lời hứa rồi”.

Không vướng Nghị định 161, Hà Nội có lý do gì mà không xét đặc cách giáo viên?
Không vướng Nghị định 161, Hà Nội có lý do gì mà không xét đặc cách giáo viên?

Nhắc qua về kỳ thi viên chức giáo dục thành phố Hà Nội năm 2019 mới được tổ chức trong tháng 11, giáo viên hợp đồng phản ánh có nhiều thí sinh mặc dù đạt được 90/100 điểm nhưng vẫn trượt, trong khi đó, các trường khác, huyện khác điểm thấp hơn nhưng vẫn đỗ.

Đơn cử tại huyện Sóc Sơn có 2 thí sinh đạt thủ khoa bằng điểm nhau thế nhưng trường chỉ có 1 chỉ tiêu. Trong đó có một người là giáo viên hợp đồng trước ngày 31/12/2015.

Một số trường hợp như cô Khuất Thị Nga được 94 điểm, cô Đỗ Thị Như Quỳnh được 92 điểm mà vẫn trượt vị trí giáo viên Vật lý trường Trung học cơ sở Sơn Đông vì trường chỉ có 1 chỉ tiêu và người điểm cao nhất là 95.

Nhiều giáo viên đặt vấn đề: Để tránh tình trạng bất cập này, các thầy cô cho rằng nên tổ chức thi và lấy chỉ tiêu trong toàn Thành phố rồi xét điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. 

Như vậy mới tuyển chọn được hết người tài cho giáo dục thủ đô và không bỏ sót, bỏ phí nhân tài cho giáo dục và hơn hết, không làm cho những người điểm cao mà vẫn trượt gây bức xúc cho thí sinh dự thi và xã hội.

Không vướng Nghị định 161, liệu Thành phố Hà Nội có xét đặc cách cho giáo viên (Ảnh:V.N)
Không vướng Nghị định 161, liệu Thành phố Hà Nội có xét đặc cách cho giáo viên (Ảnh:V.N)

Cũng xin được nhắc lại, theo công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng và đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Điều kiện xét đặc cách theo công văn này quy định đã không còn vướng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP; được cho là rào cản lớn nhất khiến giáo viên hợp đồng không được đặc cách.

Những tiêu chí xét đặc cách với giáo viên: Đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Như vậy việc các Quận, huyện tại thành phố Hà Nội lấy lý do vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP để không xét đặc cách cho giáo viên là không thỏa đáng.

Hiện nay cơ chế để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đã có, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ Nội vụ cũng đã có, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đã cam kết chắc như đinh đóng cột. 

Do vậy việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội rất hợp tình, hợp lý. 

Quan trọng là Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện việc này khi nào? Và có thực hiện hay không?

Vũ Ninh