Giáo viên hoang mang và áp lực khi Hà Nội yêu cầu thi rà soát tiếng Anh

14/06/2020 06:08
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 29/5, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được công văn của Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu giáo viên Tiếng Anh thi rà soát tiếng Anh.

Khi quay trở lại trường sau đại dịch Covid-19, giáo viên và học sinh trên cả nước đang phải gồng mình để ôn tập, củng cố lại kiến thức, chuẩn bị cho thi học kỳ 2, ôn thi vào 10 hay ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì:

Các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên Tiếng Anh thi rà soát tiếng Anh theo chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu phân lớp tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.

Điều này đã khiến rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở các trường cảm thấy áp lực và hoang mang. Bởi lẽ các trường đang “túi bụi” lo hoàn tất chương trình năm học 2019-2020.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi các trường phổ thông toàn thành phố

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi các trường phổ thông toàn thành phố

Hơn nữa, nhìn lại khoá học bồi dưỡng và kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo theo đề án ngoại ngữ 2020 cách đây vài năm, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, trưởng bộ môn Tiếng Anh của một trường liên cấp (đề nghị không nêu tên) nhận thấy có nhiều bất cập.

Theo đó, nhiều giáo viên đã có bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, mà điều kiện để được vào học thạc sĩ ngoài bằng tốt nghiệp đại học ra thì:

Bắt buộc phải có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên không kỹ năng nào dưới 6, nhưng vẫn phải tham gia thi rà soát để xếp lớp học bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam (B2 nếu là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và C1 nếu đang dạy trung học phổ thông).

Năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tổ chức các khoá học về phương pháp giảng dạy mời giáo viên từ các trung tâm tiếng Anh đến dạy, giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, và chính bản thân giáo viên dạy còn chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp mà họ đang trình bày. 


Mục đích của việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên là rất cần thiết để giáo viên có đủ năng lực chuyên môn, tự tin đứng lớp nhất là trong thời đại 4.0 khi mà học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học và thực hành Tiếng Anh ngày càng thành thạo.


“Tôi băn khoăn liệu những khoá học tiếp theo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sẽ như thế nào. Nếu vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên như đề án 2020 thì thật lãng phí thời gian của giáo viên và tiền bạc của nhà nước. 


Tôi không biết giáo viên các trường khác như thế nào nhưng với giáo viên trường tôi, tất cả đều ý thức được rằng nếu không tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn của mình thì sẽ bị đào thải khỏi trường”, vị này đánh giá.

Trưởng bộ môn tiếng Anh kiến nghị, Sở nên tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên về phương pháp giảng dạy các kỹ năng nghe nói đọc viết.

Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, mời những người có trình độ chuyên môn cao chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh sao cho có hiệu quả.

Thanh Sơn