Giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó tức tưởi vì xuống hạng sau chùm thông tư mới

31/10/2021 06:44
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi thấy chưa có văn bản nào tạo ra nhiều “sóng gió” như chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngay từ lúc Bộ mới ban hành.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập và cũng từ đó đến nay vẫn có quá nhiều ý kiến từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Việc giáo viên lên tiếng, phản ánh về những bất cập từ chùm Thông tư là điều dễ hiểu bởi các văn bản này khiến cho nhiều nhà giáo bị xuống hạng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Không chỉ giáo viên lên tiếng mà ngay cả nhiều nhà giáo đang là quản lý ở các nhà trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học, trung học cơ sở cũng rơi vào hoàn cảnh tréo ngoe khi bản thân chủ trì việc rà soát, đề nghị chuyển hạng cho giáo viên trong trường mà bản thân mình cũng phải…xuống hạng.

Hàng chục năm trong nghề, bản thân chúng tôi thấy chưa có văn bản nào tạo ra nhiều “sóng gió” như chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngay từ lúc mới ban hành, cho dù cơ quan soạn thảo đã giải thích, trả lời trên báo chí, qua văn bản nhiều lần nhưng vẫn có nhiều điểm khiến cho giáo viên chưa đồng tình.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Thanh Tùng / TTXVN.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Thanh Tùng / TTXVN.

Còn nhiều bất cập từ chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đối với giáo viên đứng lớp

Nếu như trước đây, khi mà giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông thực hiện xếp hạng theo chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT thì đa phần những giáo viên đạt trình độ đại học lúc bấy giờ được xếp là giáo viên hạng II ở các cấp học.

Một số nhà giáo cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông còn được xếp ở hạng I và họ được xếp ở mức lương tương ứng với hạng của mình.

Nhiều giáo viên căn cứ vào hạng mà mình đã được bổ nhiệm để học thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Mỗi chứng chỉ như vậy, trung bình giáo viên phải đóng từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng cho các cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, nhiều người còn bổ sung các chứng chỉ theo quy định ở các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT như: chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho người Việt Nam và tất nhiên là tốn kém rất nhiều tiền học tập.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều nhà giáo thì Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục đã quy định như vậy thì trước sau cũng phải học nên họ cũng đành cố gắng thu xếp tiền bạc, thời gian để đi học cho xong và hoàn thiện về văn bằng, chứng chỉ.

Thế nhưng, tháng 02/2021 thì Bộ Giáo dục ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập khiến cho nhiều giáo viên hẫng hụt tột cùng.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn tại các Thông tư này thì chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn bắt buộc phải có khi xếp hạng giáo viên và đến nay đã bỏ 2 loại chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Nhiều giáo viên trước đây đã được xếp là giáo viên hạng II, hạng I, đã học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với hạng giáo viên nhưng bây giờ phải xuống hạng thì Bộ vẫn yêu cầu học thêm chứng chỉ thấp hơn, còn chứng chỉ trước đây được “bảo lưu” để sau này lên lại hạng không phải học nữa.

Bất cập còn thể hiện ở chỗ nhiều giáo viên đứng lớp, không đảm nhận chức vụ thì không có cơ hội được tham gia các công việc mà chỉ có lãnh đạo nhà trường, ít nhất cũng phải là tổ trưởng chuyên môn mới được cơ cấu vào một số công việc quan trọng của trường, của ngành.

Vậy nhưng, phần lớn các tiêu chuẩn giáo viên hạng II ở các cấp học yêu cầu giáo viên phải đạt được sau:

Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán;

Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có)”.

Vì thế, nhiều giáo viên phải xuống hạng vì không đủ tiêu chuẩn theo quy định nên trong lòng họ ấm ức, hụt hẫng và nhiều người phải lên tiếng.

Những tiếng lòng của giáo viên từ đầu tháng 02/2021 cho đến nay được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy nhiều điểm không phù hợp từ chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ. Cũng chính vì vậy mà trong thời gian qua, cơ quan soạn thảo cũng đã lên tiếng, giải đáp những thắc mắc về chùm Thông tư này nhưng vẫn không gỡ hết rối.

Lãnh đạo nhà trường cũng phải lên tiếng

Mấy ngày nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết, phản ánh về tình trạng một số lãnh đạo nhà trường như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng vẫn phải xuống hạng III.

Bởi lẽ, trước khi Luật Giáo dục năm 2019 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì chuẩn trình độ giáo viên tiểu học là trung cấp sư phạm, giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục năm 2019 ra đời thì yêu cầu chuẩn trình độ của giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông là đại học.

Vì thế, nhiều nhà giáo làm công tác quản lý ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trước đây đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và có bằng cử nhân Quản lý giáo dục đã nhiều năm được xem là vượt chuẩn thì bây giờ lại không đủ chuẩn vì bằng cử nhân Quản lý giáo dục không được xem là “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”.

Trong khi, nhiệm vụ, chức năng chính của những Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường là quản lý.

Rõ ràng, chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đang thể hiện nhiều bất cập và gây ra những bất lợi cho rất nhiều nhà giáo đang công tác trên mọi miền đất nước.

Có thể thấy, việc cụ thể hóa Luật Giáo dục năm 2019 sang chuẩn trình độ của nhà giáo có phần cứng nhắc, máy móc khi không quy đổi cử nhân Quản lý giáo dục sang chuẩn trình độ với nhiều nhà giáo đang làm quản lý ở các nhà trường.

Đối với giáo viên dạy lớp thì lại yêu cầu quá nhiều tiêu chuẩn quá tầm với của họ.

Thông thường, khi ban hành một văn bản mới thì ít nhất quyền lợi của những người lao động chịu tác động của văn bản ấy ít nhất phải bằng với những gì mà họ đang có nhưng xem chừng chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì một bộ phận lớn giáo viên lại giảm đi quyền lợi của họ.

Vì vậy, nếu như chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT không được Bộ chỉnh sửa, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế thì những thắc mắc, ý kiến, kiến nghị từ cơ sở sẽ còn kéo dài trong thời gian tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO