Giáo viên giỏi kiến thức thôi chưa đủ!

30/11/2019 06:12
Trinh Phúc
(GDVN) - "Thầy giáo giỏi không phải là người dạy kiến thức, giáo dục là khoa học về con người. Nhà giáo phải là nhà tâm lý về giảng dạy".

Liên quan đến cuộc vận động xây dựng trường học hạnh phúc, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, cuộc vận động này không nên chỉ thay đổi ở cấp phổ thông mà phải thay đổi ngay trong cách dạy và học ở các trường đại học sư phạm.

Thầy Hòa cho rằng, để có được trường học hạnh phúc đáp ứng nhu cầu của thời đại đều phải điều chỉnh thay đổi lại mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Hiện nay, các nhà trường phổ thông đang chạy theo việc cung cấp kiến thức, điểm số nên coi trọng việc lặp lại sự ghi nhớ.

Trong khi mục tiêu đào tạo con người thì chú trọng đến phẩm chất, năng lực, chăm lo các giá trị, kỹ năng, khả năng thực hành. Thi cử cũng phải thay đổi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).

Thầy Hòa nhấn mạnh: “Tôi nghĩ sắp tới sẽ thay đổi thi cử vì thay đổi thi cử sẽ thay đổi được ngành giáo dục, giúp cho các nhà trường thay đổi mục tiêu học tập. Đó là vấn đề cốt lõi”.

Đối với các nhà trường sư phạm đào tạo hạn chế hiện nay là chỉ đi dạy kiến thức, giảng dạy cách dạy sách giáo trong khi trường sư phạm phải đào tạo những nhà giáo dục, trước hết đó là những nhà tâm lý, nhà giáo dục chứ không phải chỉ đi dạy kiến thức”.

Phân tích thêm về nhận định của mình, thầy Hòa minh họa: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, các trường sư phạm phải đào tạo ra những nhà giáo dục .

Tôi cho đó là sự thay đổi mục tiêu. Nếu thay đổi mục tiêu đào tạo từ các trường sư phạm thì sẽ có một đội ngũ giáo viên hàng vạn người đi vào thực tế các trường phổ thông sẽ là những nhà giáo dục. Họ sẽ thay đổi nền giáo dục nước nhà.

Trong khi thực tế, các trường sư phạm đang tiếp tục đào tạo ra những người dạy trong sách giáo khoa”.

Nghề giáo nay đã là một nghề nguy hiểm
Nghề giáo nay đã là một nghề nguy hiểm

Chia sẻ thêm, thầy Hòa cho rằng bản thân từng phát biểu một vài lần về vấn đề này trước các hội nghị lớn về giáo dục nhưng để chuyển biến thực sự là cả một vấn đề.

Trước băn khoăn về đầu vào các trường sư phạm chưa được như mong muốn, theo thầy Hòa, thầy làm giáo dục 40 năm và ghi nhận những giáo viên dạy giỏi nhất không phải là những người tốt nghiệp đạt điểm cao.

“Thầy giáo giỏi không phải là người dạy kiến thức, giáo dục là khoa học về con người. Nhà giáo phải là nhà tâm lý về giảng dạy, có tình yêu thương mà điều này không phụ thuộc về kiến thức.

Đầu vào các trường sư phạm nếu chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ mà phải là người có tình yêu thương, phẩm chất. Nhà giáo cần cái đó nhiều hơn là cần kiến thức” – thầy Hòa nhấn mạnh.

Thầy còn cho rằng, kiến thức dạy một thời gian là biết vì trình độ phổ thông không có gì là cao xa lắm. Xưa nay ta đào tạo theo kiểu bác học nên cần kiến thức rất cao nhưng bây giờ, mục tiêu nhà trường phổ thông là đào tạo ra những người yêu lao động.

Trong đó có những người lao động trí óc, nổi trội thành bác học nhưng đó chỉ chiếm 1% nghìn. Còn lại là những người lao động bình thường cần kiến thức là một phần nhưng phẩm chất, năng lực, kỹ năng mới quan trọng.

Do đó, đội ngũ giáo viên cần người biết thay đổi, có trái tim biết xúc động để trở thành nhà tâm lý, nhà giáo dục chứ không phải người đi truyền thụ kiến thức đơn thuần.

Cuối cùng thầy Hòa cho rằng, nếu như trường sư phạm thay đổi, trong nhiều năm với cách đào tạo mới ấy sẽ thu hút được nhiều học sinh giỏi theo học.

Rồi đây, nhiều người có trái tim sẽ đi lựa chọn các trường sư phạm. Lúc đó, trường sư phạm sẽ nâng cao được giá trị của mình.

Trinh Phúc