Giáo viên gần về hưu đừng học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, phí tiền

12/12/2021 06:32
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phải mất 2.500.000 đồng. Bỏ tiền triệu để lấy về một tháng vài chục ngàn đồng thì mấy năm mới bù lại số tiền đó?

Sau khá nhiều phản ánh của giáo viên, đặc biệt là sự đồng hành của nhiều cơ quan báo chí điển hình nhất là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với hàng trăm bài viết về những bất cập, sự vô lý trong chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT khi yêu cầu mỗi hạng giáo viên phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Giáo viên gần về hưu cần biết từ chối những lời mời học chứng chỉ (Ảnh minh họa: Thông tấn xã Việt Nam)

Giáo viên gần về hưu cần biết từ chối những lời mời học chứng chỉ (Ảnh minh họa: Thông tấn xã Việt Nam)

Nghị định sửa đổi lần này có nhiều thay đổi về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức. Tuy thế, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên vẫn không được xóa bỏ như sự mong đợi, kỳ vọng của bao người mà mỗi thầy cô giáo vẫn phải có 1 chứng chỉ.

Từ việc học của mình (dù học hành khá nghiêm túc) nhưng người viết thấy rằng, việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên mà chỉ đơn giản là có được tấm giấy chứng chỉ đóng dấu đỏ để hoàn tất thủ tục hồ sơ để thi (xét) hoặc trụ hạng.

Việc thăng hạng, trụ hạng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đồng lương mà với giáo viên lương là nguồn thu nhập chính, thu nhập duy nhất.

Việc học chứng chỉ phải tốn một khoản tiền từ 2.500.000đ đến 3.000.000 (tùy trường học quy định) nên một số giáo viên cũng cần tính toán có nên đi học chứng chỉ hay không?

Mất một khoản tiền bằng nửa tháng lương để đổi lấy vài chục ngàn lương tăng mỗi tháng liệu có đáng không?

Muốn trụ hạng, muốn thăng hạng mới, bắt buộc phải có chứng chỉ

Người viết liên tục nhận được câu hỏi từ một số đồng nghiệp ở nhiều nơi về việc nên hay không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì có bị sao không?...

Cho đến bây giờ, chưa có một thông tư, một văn bản nào quy định rằng, giáo viên không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ bị sa thải hay ảnh hưởng đến việc xếp loại cuối năm.

Và hiện nay, khi thực hiện các chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT nếu giáo viên đảm bảo đủ các yêu cầu mà không có chứng chỉ cũng chỉ xuống hạng cho đến khi bổ sung được chứng chỉ sẽ được bổ nhiệm sang hạng mới không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Vì thế, nếu giáo viên không muốn xuống hạng, muốn tham dự kỳ thi xét hoặc thi thăng hạng thì bắt buộc phải học chứng chỉ. Tuy nhiên, với những thầy cô giáo còn dưới 5 năm công tác thì không nên đi học để lấy chứng chỉ chức danh làm gì.

Vì sao những giáo viên còn dưới 5 năm công tác không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Thứ nhất, học chứng chỉ mất khoảng 2.500.000 đồng nhưng lương không tăng là bao.

Ví dụ, giáo viên A. đang ở hạng II ăn hệ số lương cuối cùng 4.98 do không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nên chuyển xuống hạng III vẫn giữ hệ số lương 4.98. Đến kỳ tăng lương kế tiếp, giáo viên sẽ được ăn phần trăm lương vượt khung, và mỗi năm đều được ăn 1% lương vượt khung cho đến khi về hưu.

Nhưng nếu được chuyển sang hạng II mới sẽ ở bậc 4 với hệ số lương hiện hưởng là 5.02. Số tiền lương chênh lệch giữa 2 hạng chỉ vài chục ngàn đồng.

Trong khi đó, nếu đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phải bỏ ra 2.500.000 đồng. Bỏ tiền triệu để lấy về một tháng vài chục ngàn đồng thì mấy năm mới bù lại số tiền đã mất?

Thậm chí với những giáo viên hạng II cũ đang ở lương bậc 8 hệ số lương 4.65 nếu được chuyển sang hạng II mới cũng chỉ ở bậc 3 hệ số 4.68 cho đến khi về hưu (còn khoảng 7 năm công tác) cũng mới đạt bậc 5 hệ số 5.36 nếu so với hệ số 4.98 vượt khung khoảng 6% thì cũng chẳng tăng là bao. Nếu lấy số tiền mất đi do học lấy chứng chỉ trừ đi số tiền tăng một tháng vài chục ngàn đồng có lẻ cũng hòa.

Thứ hai, nếu giáo viên đang ở hạng III có nhu cầu được thăng hạng II nên đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì cần tìm hiểu thật kỹ vì việc thăng hạng hiện nay được quy định theo Thông tư 34 /2021/TT- BGDĐT giáo viên phải thi môn ngoại ngữ (vốn không là thế mạnh của những thầy cô giáo lớn tuổi) nên cơ hội được thăng hạng là vô cùng khó.

Vì những phân tích ở trên để thấy rằng, những giáo viên còn khoảng 5 năm công tác (thậm chí là 6, 7 năm) không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì dù có được giữ hạng hay thăng hạng thì mức lương được nhận chưa thể bù hoặc có tăng cũng không đáng kể so với số tiền mà các thầy cô giáo đã bỏ ra để đi học chứng chỉ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên