Giáo viên được hưởng nguyên lương và không mất phí đào tạo khi học nâng chuẩn

09/06/2020 06:32
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời gian giáo viên học tập nâng chuẩn thì vẫn được hưởng 100% lương, các chế độ phụ cấp và kinh phí học tập do ngân sách địa phương chi trả.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa (1/7) là Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, điều mà một số giáo viên còn băn khoăn là những thầy cô chưa đạt chuẩn trình độ sẽ được Bộ giải quyết như thế nào?

Theo dõi những văn bản đã ban hành, những văn bản dự thảo mới công bố trong thời gian qua thì chúng ta thấy Chính phủ và Bộ Giáo dục đã có những lộ trình khá cụ thể.

Đó là những giáo viên chưa đạt chuẩn được đơn vị, địa phương bố trí cho đi học tập để nâng chuẩn trình độ.

Trong thời gian giáo viên học tập nâng chuẩn thì vẫn được hưởng 100% lương, các chế độ phụ cấp và kinh phí học tập do ngân sách địa phương chi trả.

Giáo viên sẽ được hưởng nguyên lương và không phải đóng tiền khi đi học để nâng chuẩn (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Giáo viên sẽ được hưởng nguyên lương và không phải đóng tiền khi đi học để nâng chuẩn

(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Giáo viên sẽ được tạo điều kiện để đi học nâng chuẩn trình độ

Một số giáo viên còn băn khoăn, lo lắng là hiện nay ngành Giáo dục đã dừng việc đào tạo hệ không chính quy đối với khối ngành sư phạm nên họ sẽ học ở đâu và kinh phí có được nhà nước hỗ trợ khi học tập hay không?

Tuy nhiên, các thầy cô chưa đủ chuẩn trình độ không cần phải lo lắng nhiều vì hiện đã có những hướng dẫn cụ thể.

Tại Điều 73: Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo của Luật Giáo dục 2019 quy định:

1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật”. [1]

Như vậy, những thầy cô chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 nếu nằm trong diện phải nâng chuẩn (còn nhiều hơn 7-8 năm công tác) thì sẽ được đi học tập để nâng chuẩn trong những năm tới đây.

Điều này đã được thể hiện rõ trong dự thảo Thông tư quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo vừa được Bộ công bố ngày 22/5.

Giáo viên được hưởng nguyên lương và được trả phí đào tạo nâng chuẩn trình độ

Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên sẽ được các trường, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương tập hợp danh sách và phối hợp với các trường đại học để mở lớp giảng dạy.

Kinh phí đào tạo cũng được ngân sách địa phương chi trả cho giáo viên khi đi học nâng chuẩn.

Điều đặc biệt là khi giáo viên đi học vẫn được đảm bảo hưởng 100% lương và các chế độ phụ cấp bình thường, các chế độ, quyền lợi gần như không bị ảnh hưởng.

Điều này không chỉ được thể hiện trong Luật Giáo dục năm 2019 mà trong dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng nói rất rõ:

Điều 9. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

1. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh thanh toán kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ, đặt hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quyền và trách nhiệm của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn

1. Đối với giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn:

a) Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định;

b) Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục;

c) Giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Điều 2 Nghị định này được miễn học phí.

d) Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;

e) Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.

2. Trách nhiệm của giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn:

a) Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo;

b) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

c) Trong suốt thời gian khóa học, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo”.[2]

Chính vì thế, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 cũng không nên quá lo lắng về việc nâng chuẩn của mình sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 tới đây.

Các thầy cô sẽ được đơn vị, địa phương bố trí đi đào tạo nâng chuẩn và các hướng dẫn hiện nay đều đã đang được lấy ý kiến và có những văn bản đã được thông qua trong thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]//luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html&usg

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Du-thao-Nghi-dinh-lo-trinh-thuc-hien-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx&usg

[3]//moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1483

NHẬT DUY