Giáo viên dạy Văn, Giáo dục công dân mà "dập cho chết" đồng nghiệp, có nên giữ?

29/05/2021 06:49
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đọc những tin nhắn như thế này, không ai nghĩ đó lại là những tin nhắn của giáo viên đang cùng biên chế với “nạn nhân” trong một tổ chuyên môn.

Ngày 27/5/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Cô giáo Bình Thuận trầm cảm nhập viện vì tin nhắn "dập cho chết" của đồng nghiệp của tác giả Trần Phương, bài báo đã khiến nhiều người bất bình về hành vi ứng xử của một số giáo viên ở tổ Ngữ Văn- Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận).

Dù vẫn biết, việc mất đoàn kết nội bộ ở một số tổ chuyên môn trong trường học bây giờ không phải là hiếm nhưng với những lời lẽ, ngôn từ bỉ ổi, sống sượng như một số giáo viên ở ở tổ Ngữ Văn- Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên phản ánh trên báo chí.

Là giáo viên dạy Ngữ văn và Giáo dục công dân thì những giáo viên này hàng ngày dạy dỗ và hướng cho học sinh cái đẹp, cái đúng để tránh xa cái xấu, cái ác, cái chưa đúng nhưng bản thân người thầy đã hoen ố về nhân cách như vậy thì họ có xứng đáng đứng trên bục giảng để rao giảng đạo đức, lẽ phải cho học trò nữa hay không?

Tin nhắn của một số giáo viên tổ Ngữ văn- Giáo dục công dân Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tin nhắn của một số giáo viên tổ Ngữ văn- Giáo dục công dân

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hù dọa, trù dập đồng nghiệp trước tiết dạy thao giảng

Hiện nay, ở cấp Trung học phổ thông có hơn chục môn học, mỗi môn học có một vai trò, nhiệm vụ khác nhau nhằm bổ trợ cho học sinh những kiến thức phổ thông. Trong số các môn học này thì môn Ngữ văn và môn Giáo dục công dân luôn có một vai trò rất đặc biệt.

Đối với môn Ngữ văn thì các bài học đều hướng tới việc bồi dưỡng cho học sinh một tâm hồn cao đẹp, sống cao thượng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Những bài học luôn hướng tới Chân- Thiện- Mĩ…

Vì thế, dù tha hóa về nhân cách như nhân vật Chí Phèo, suốt ngày triền miên trong men rượu, lấy ăn vạ, rạch mặt làm niềm vui thì cuối cùng nhân vật này cũng hướng tới cái thiện, biết yêu thương và đi đòi lương thiện, công bằng cho mình- cho dù phải trả giá bằng cái chết.

Môn Giáo dục công dân dạy cho học trò về kiến thức pháp luật, những bài học đạo đức, hướng học sinh biết giải quyết và ứng xử các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Chính vì sự gần gũi nhau về vai trò như vậy nên các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hay ghép giáo viên 2 môn học này vào chung một tổ chuyên môn với nhau.

Thế mà, khi đọc bài phản ánh Cô giáo Bình Thuận trầm cảm nhập viện vì tin nhắn "dập cho chết" của đồng nghiệp thì chúng ta không thấy như vậy. Ngay cả những đồng nghiệp mà họ không có sự tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau trong công tác, lại tìm cách “dập cho nó chết”.

Theo đơn thư của bạn đọc, bài viết của tác giả Trần Phương thông tin đến bạn đọc như sau: “Ngày 4/4/2021, cô T.T.T.H. (Tổ trưởng tổ chuyên môn Văn – Giáo dục công dân) thông báo lịch thao giảng của cô N.T.P.Tr. trên nhóm zalo của tổ Văn – Giáo dục công dân để các thầy cô giáo trong tổ nắm kế hoạch, sắp xếp thời gian dự giờ góp ý.

Sau tin nhắn thông báo của cô Tổ trưởng tổ chuyên môn, cô giáo L.T.M. (giáo viên bộ môn Văn) và cô Đ.T.K.H (giáo viên bộ môn Văn) đã nhắn tin tiếp theo tin nhắn của cô Tổ trưởng tổ chuyên môn với những lời lẽ vô văn hóa đặc biệt là có những nội dung không phù hợp với vị trí giáo viên”.

Nội dung tin nhắn sặc mùi bè phái, ganh ghét, đố kỵ, đó là:

- “Tiết đó có cẩn, huệ, hà, oanh” (tên gọi đồng nghiệp cũng không viết hoa - người viết chú thích)

- Đù phe mình không

- Dập cho nó chết bà nhà đó đi, chứ thấy bệnh quá

- Cho chết không kịp ngáp”.

Đọc những tin nhắn như thế này, không ai nghĩ đó lại là những tin nhắn của giáo viên dạy Ngữ văn và Giáo dục công dân đang cùng biên chế với “nạn nhân” trong một tổ chuyên môn ở một trường Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, khi sự việc đưa ra xử lý thì cô giáo L.T.M. và cô giáo Đ.T.K.H đã giải trình thêm rằng con cô L.T.M đi qua nhà cô Đ.T.K.H. bị chó cắn vào chân nên mới nhắn qua zalo qua lại nhưng nhắn nhầm vào zalo nhóm chứ không có ý khác.

Nhưng, khi nhà trường yêu cầu cung cấp minh chứng thì cả 2 không cung cấp được. Rõ ràng đây là sự tráo trở, một các biện minh trơ trẽn của những người đang được gọi là…cô giáo. Bởi, nếu “nhắn nhầm” thì thu lại tin nhắn có khó khăn gì mà nhắn nhầm thì nhắn 1 tin chứ làm gì có nhiều tin nhắn qua lại như vậy.

Giáo viên mà bè phái, đe dọa đồng nghiệp có xứng đáng đứng trên bục giảng?

Thời điểm này đã bước vào những ngày cuối năm học, cũng là lúc các trường thực hiện việc xếp loại viên chức cho giáo viên.

Xét về hành vi của một số giáo viên có tin nhắn hù dọa đồng nghiệp, họ đã thừa nhận tin nhắn đó là của mình nhưng vẫn quanh co biện minh như vậy thì nhà trường nên xếp ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” là xứng đáng.

Bởi, theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 15 của Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì những viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền”.

Còn theo điểm a, khoản 1, Điều 31 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp”.

Nếu những giáo viên này là đảng viên thì đây là biểu hiện về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của người đảng viên, họ xứng đáng nhận mức kỷ luật nặng để làm gương cho đơn vị.

Một nhà giáo đang dạy cho học trò về đạo đức, lý tưởng mà có tư tưởng bè phái, làm mất đoàn kết nội bộ, có thái độ vô cảm với đồng nghiệp như vậy liệu có còn xứng đáng đứng trên bục giảng nữa hay không?

Nếu không kỷ luật nghiêm minh thì những giáo viên (số đông) của Ngữ Văn- Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ sẽ tìm cách triệt hạ cô giáo N.T.P.Tr trong những năm tới đây là điều chắc chắn.

Bởi, một khi không ưa nhau, ghét nhau thì họ tìm cách hãm hại nhau bằng cách đánh vào chuyên môn của đồng nghiệp khi dự giờ lẫn nhau. Việc cùng “đánh tập thể” trong một tiết thao giảng là hữu hiệu nhất.

Mong rằng lãnh đạo trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận nhanh chóng vào cuộc để đưa sự việc này ra ánh sáng và trả lại sự trong sáng cho môi trường giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-binh-thuan-tram-cam-nhap-vien-vi-tin-nhan-dap-cho-chet-cua-dong-nghiep-post218100.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH