Giáo viên đang đặt nhiều kỳ vọng làm khó Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

18/04/2021 07:00
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một mình thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ rất khó có thể tạo ra những thay đổi nếu không có sự chuyển biến của nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn ngành giáo dục.

Ngay sau khi thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài viết, ý kiến của dư luận gửi gắm tâm tư đến vị lãnh đạo đầu ngành.

Có người mong giáo viên sẽ được cải thiện về tiền lương, giáo viên sống được bằng lương; có người mong nâng cao chất lượng giáo dục; có người mong thay đổi cách bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các nhà trường; có người mong Bộ trưởng hướng tới chất lượng giáo dục thật, không còn bệnh chỉ tiêu thành tích…

Những ý kiến của đội ngũ nhà giáo, của các cử tri, các tầng lớp nhân dân đều rất chính đáng bởi ai cũng mong ngành giáo dục sẽ khởi sắc, không còn những thị phi, những hạn chế, bất cập.

Nhưng…một mình thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ rất khó có thể tạo ra những thay đổi nếu không có sự chuyển biến của nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn ngành giáo dục bởi thực tế ngành giáo dục có quá nhiều nhân lực và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phải có sự cố gắng, chung tay của nhiều người thì giáo dục nước nhà mới khởi sắc được (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Phải có sự cố gắng, chung tay của nhiều người thì giáo dục nước nhà mới khởi sắc được

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Liệu những kỳ vọng có làm khó tân Bộ trưởng?

Đọc một số bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, chúng tôi thấy có những bài viết mong Bộ trưởng cải thiện chính sách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên.

Nhưng, có lẽ sự kỳ vọng này xem ra là quá sức đối với tân Bộ trưởng. Tiền lương của giáo viên phải nằm trong lộ trình cải cách tiền lương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi có sự cân đối được ngân sách từ Bộ Tài chính…chứ mình Bộ Giáo dục là không thể.

Ngay cả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì Bộ Giáo dục cũng không thể nào giữ lại cho riêng đội ngũ nhà giáo thì chế độ tiền lương làm sao Bộ Giáo dục có thể tự quyết cho giáo viên được? Nên những kỳ vọng này gần như phi thực tế.

Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung vẫn đang phải gác lại thì giáo viên làm sao có một chính sách tiền lương riêng?

Việc hy vọng vào Bộ trưởng có những chính sách bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các nhà trường có đủ tâm- tài là một hy vọng thiết thực của đội ngũ giáo viên khi thấy một số lãnh đạo nhà trường chưa làm tốt vai trò quản lý nhà trường. Có những hiệu trưởng còn tham lam, hách dịch, còn trù dập giáo viên…

Nhưng các thầy cô cũng nên nhìn lại cơ chế phân cấp quản lý nhà nước hiện nay, đừng nói đến hiệu trưởng các trường phổ thông, ngay cả giám đốc, phó giám đốc các sở giáo dục và đào tạo các địa phương, việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.

Đối với khối trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là sự tham mưu của cán bộ tổ chức phòng giáo dục, phòng nội vụ và cơ quan ra quyết định cuối cùng khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo nhà trường là ủy ban nhân dân huyện (thị, thành phố).

Đối với khối trường trung học phổ thông là sở giáo dục, sở nội vụ tham mưu, cơ quan ra quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).

Vì thế, có những địa phương cho thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng cũng nhiều địa phương chưa thể thực hiện được việc thi tuyển lãnh đạo các nhà trường. Bởi, công việc này thuộc vào đề án của các sở nội vụ, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) trên cả nước.

Chúng ta chỉ thấy được vai trò của Bộ Giáo dục là đưa ra tiêu chí về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, năm công tác để bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường trong Điều lệ trường học còn bổ nhiệm ai, bổ nhiệm như thế nào là trách nhiệm của các ủy ban nhân dân tỉnh, huyện ở các địa phương thực hiện.

Khi giáo dục chưa thực sự được chú trọng đúng mức…

Thực ra, vị trí người thầy, vai trò người thầy luôn được đề cao trong cách nói, trong ngày khai giảng năm học, trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)…nhưng thực tế có thể chưa hẳn là như vậy.

Từ hàng chục năm qua, chỉ nhìn vào điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm hàng năm chúng ta cũng thấy có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Khi chính sách miễn tiền học phí cho sinh viên sư phạm được triển khai thì lúc bấy giờ có một bộ phận học sinh giỏi lớp 12 thi vào sư phạm. Nhưng chỉ được vài năm đầu, khi mà sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm thì ngành sư phạm đã có những năm phải “vơ bèo, vạt tép”.

Những năm sau đó chỉ lấy ở mức điểm sàn…vẫn thiếu chỉ tiêu.

Đầu vào sư phạm không cao bởi nhiều lý do, trong đó- vấn đề cốt yếu nhất là sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều. Nhiều giáo sinh phải chạy vạy, nhờ cậy mới có thể được đứng trên bục giảng.

Vào nghề, áp lực nhiều, một bộ phận học sinh ngày nay quá hỗn láo khiến cho người thầy giảm dần tâm huyết. Người này truyền cho người kia…khiến cho học sinh giỏi không còn thiết tha với nghề sư phạm.

Công tác bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường có nơi chưa thực sự chú trọng bồi dưỡng, cất nhắc những người thầy tài giỏi, tâm huyết với ngành.

Nhiều chính sách, chủ trương rất nhân văn, mục đích cao cả nhưng khi thực hiện thì chưa trung thực như tỉ lệ trường chuẩn quốc gia, phổ cập các cấp, chất lượng đào tạo, các phong trào thi đua…

Chất lượng giáo dục thường phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chuyên viên phụ trách chuyên môn, của hội đồng bộ môn tỉnh, huyện.

Nhưng, thông thường những chuyên viên phụ trách chuyên môn lại không thuộc đối tượng bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, nhiều người ngồi quá lâu ở vị trí đó. Dẫn đến việc người giỏi thì chuyên môn đi lên, người nào chưa giỏi, bảo thủ thì chất lượng thật đi ngang, thậm chí đi xuống.

Cách quản lý, thanh tra, kiểm tra, triển khai chuyên môn còn máy móc, cứng nhắc, mệnh lệnh. Chưa chú trọng đến ý kiến phản biện, trái chiều của giáo viên, khiến cho những buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn một chiều.

Chỉ khi nào giáo dục phải được cả xã hội chung tay mới có thể khởi sắc

Thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng trong bối cảnh ngành giáo dục còn ngổn ngang công việc. Tất nhiên, dư luận xã hội mà nhất là đội ngũ nhà giáo đang rất trông chờ vào tài năng và sự khéo léo của tân Bộ trưởng trong thời gian tới đây.

Song, một mình thầy Nguyễn Kim Sơn thì chưa đủ mà cần sự chia sẻ, đồng hành và sự chung sức của hệ thống chính trị nói riêng, toàn xã hội nói chung, trong đó Bộ trưởng đóng vai trò nhận rõ vấn đề, đề xuất các giải pháp cơ chế - chính sách và thuyết phục các cơ quan liên quan, thuyết phục xã hội.

Trước tiên, việc tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng sư phạm phải hướng tới chất lượng trước đã. Con người tốt mới có thể làm tốt công việc. Muốn có con người tốt phải có cơ chế tốt.

Việc bồi dưỡng, bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường cần tiến tới thi tuyển công khai, minh bạch để chọn người tài năng, tâm huyết với nhà trường. Sau một nhiệm kỳ nếu làm tốt, được tín nhiệm thì bổ nhiệm lại.

Tránh tình trạng như hiện nay, hiệu trưởng trường này chưa tốt, sai phạm lại chuyển đến trường khác bởi một khi họ đã là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì mãi mãi là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…

Các chuyên viên ở Sở, Phòng Giáo dục phụ trách công tác tổ chức, chuyên môn cũng cần được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, luân chuyển thường xuyên, tránh tình trạng ngồi mãi một vị trí dẫn đến sức ỳ lớn, rất khó tạo đột phá cho ngành.

Trong trường học, cần giảm áp lực hành chính, tập trung cho chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng con người là cốt yếu. Hạn chế tối đa việc giáo viên, học sinh phải tham gia những cuộc thi, hội thi vô thưởng vô phạt của nhiều ban ngành, công ty bên ngoài phát động.

Bên cạnh đó, Bộ cần phát động phong trào dạy thật, học thật, thi thật ở toàn ngành. Ngành giáo dục mà giả dối thì là cội nguồn cho sự giả dối sau này.

Và, tất nhiên, những điều này rất cần lãnh đạo Bộ có những văn bản chỉ đạo phù hợp. Trong đó, vai trò chỉ đạo, kiến tạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là rất lớn.

NGUYỄN NGUYÊN