Giáo viên cốt cán chương trình mới trải lòng về chế độ bồi dưỡng

20/01/2022 06:58
Đỗ Huân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có không ít trường hợp để hoàn thành trách nhiệm, giáo viên cốt cán đã tự học và hoàn thành hộ các module cho đồng nghiệp.

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngay từ năm 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch bồi dưỡng các module cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông cốt cán.

Phần lớn những giáo viên phổ thông cốt cán đều là những nhà giáo có uy tín với đồng nghiệp cùng cấp học, năng lực chuyên môn tốt, được lựa chọn từ cơ sở và do Sở Giáo dục và Đào tạo cử tham gia tập huấn.

Đây được xem là lực lượng tiêu biểu góp phần tích cực vào việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 (đối với lớp 1).

Kinh phí của việc bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán đều do Ban Quản lý Chương trình ETEP chi trả.

Qua 03 năm thực hiện việc bồi dưỡng, nhiều giáo viên cốt cán không khỏi ngậm ngùi khi được hỏi về chế độ làm việc trong thời gian tập huấn và thực hiện nhiệm vụ.

Một lớp tập huấn giáo viên cốt cán. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: etep.moet.gov.vn)

Một lớp tập huấn giáo viên cốt cán. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn:

etep.moet.gov.vn)

Nhiệm vụ của giáo viên cốt cán

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, nhiệm vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được quy định như sau:

a) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;

b) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn các vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên, học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý;

c) Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành (cấp phòng, sở, Bộ);

d) Tham mưu, tư vấn cho cấp quản lí trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn;

e) Thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục (đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng).

Từ năm học 2019-2020 đến nay, giáo viên phổ thông cốt cán đã tham gia tập huấn và triển khai cho giáo viên đại trà được 6 module bắt buộc. Công thức bồi dưỡng các module là 5-3-7 hoặc 7-2-7 (thời gian tự học trước, trong và hoàn thành các yêu cầu của module sau tập huấn).

Không như các chương trình tập huấn cho giáo viên trong những năm trước đây, Ban Quản lý Chương trình ETEP thực hiện rất nghiêm ngặt thời gian tập huấn chính thức. Buổi sáng bắt đầu lúc 7h30-11h, chiều từ 14h-17h30.

Ngoài thời gian trên, giáo viên phải tranh thủ buổi trưa và tối để hoàn thành các bài tập do báo cáo viên giao.

Nếu giáo viên hoặc nhóm giáo viên không hoàn thành tốt các bài tập sẽ bị đánh giá chưa đạt và tham gia học lại vào các đợt tập huấn khác.

Chế độ dành cho giáo viên cốt cán

Trước khi được triệu tập tham gia tập huấn trực tiếp, giáo viên cốt cán có một khoảng 1 tuần tự học và không được tính hưởng chế độ công tác. Nghĩa là họ phải vừa thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu tài liệu, hoàn thành trước các yêu cầu của module.

Trong thời gian tập huấn trực tiếp, giáo viên cốt cán được dự án chi trả tiền ăn là 150.000 đồng/người/ngày và công tác phí theo quy định nhà nước. Những giáo viên ở xa nơi tập huấn trên 20 km còn được lo chỗ ở.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên trong năm 2021, giáo viên cốt cán phải tham gia tập huấn trực tuyến (module 5,9). Việc tập huấn trực tuyến khá vất vả, nhất là việc tương tác nhưng không được dự án chi trả chế độ bồi dưỡng.

Sau khi hoàn thành xong module, giáo viên cốt cán được ngành giáo dục địa phương phân công tổ chức tập huấn và chấm bài cho giáo viên đại trà. Thời gian tổ chức tập huấn cho giáo viên đại trà thường từ 2-3 ngày.

Với vai trò là báo cáo viên, lẽ ra họ sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bồi dưỡng của người báo cáo. Tuy nhiên, hiện nay ở mỗi địa phương có mỗi cách chi trả bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán khác nhau.

Nhiều nơi xem việc triển khai tập huấn đại trà là trách nhiệm của giáo viên cốt cán nên nhiều phòng giáo dục không có chế độ bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán khi báo cáo. Có nơi thì chi mỗi ngày báo cáo là 200.000 đồng/người, nơi thì cao hơn.

Chế độ hướng dẫn, chấm bài cho giáo viên đại trà hầu như không có. Nhiều giáo viên cho rằng để chấm bài cho giáo viên đại trà, họ phải đọc, nghiên cứu, sửa bài và thường xuyên liên hệ, tư vấn, hỗ trợ để giúp đồng nghiệp hoàn thành các bài tập cuối khóa nhưng không nhận được khoản bồi dưỡng nào là điều rất vô lý. Bởi lẽ việc ra đề, chấm thi học sinh giỏi các cấp còn có chế độ, huống hồ đây là việc chấm bài cho giáo viên.

Ít ai biết được rằng để hoàn thành kế hoạch hỗ trợ cho đồng nghiệp sau mỗi module, giáo viên cốt cán phải tự dùng điện thoại cá nhân để gọi điện, đôn đốc các giáo viên bộ môn làm bài.

Nếu đồng nghiệp không hoàn thành xong module, giáo viên cốt cán sẽ bị ngành giáo dục địa phương phê bình.

Vì vậy có không ít trường hợp để hoàn thành trách nhiệm, giáo viên cốt cán đã tự học và hoàn thành hộ các module cho đồng nghiệp.

Cho đến thời điểm này, giáo viên phổ thông cốt cán trên cả nước đã hoàn thành xong việc tập huấn 6 module để hỗ trợ đồng nghiệp trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Người viết bài này có may mắn được tham gia vào nhiệm vụ trên nên hiểu rõ những vất vả, tâm tư của đồng nghiệp khi thực hiện công việc của đơn vị và ngành giáo dục địa phương giao phó.

Chúng tôi cũng mong muốn đồng nghiệp có cái nhìn toàn diện, chính xác và luôn chung tay, hợp tác để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời mong Ban Quản lý Chương trình ETEP và ngành giáo dục của các địa phương có sự quan tâm về chế độ báo cáo, chấm bài, hỗ trợ đồng nghiệp... cho giáo viên cốt cán.

Khi tôi đang viết những dòng này, một đồng nghiệp của tôi ở Bình Định báo tin vui là Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã thực hiện chế độ chi trả cho cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông cốt cán của tỉnh với số tiền khá cao.

Chia vui với bạn, tôi cũng chỉ mong: Ước gì tỉnh mình cũng như thế!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Huân