Giáo viên cố tình không học chứng chỉ chức danh có phải ra khỏi ngành?

02/12/2021 06:46
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục muốn thay đổi chế độ cho giáo viên thì trước mắt nên tính chuyện quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ngày 30/11/2021, trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay tinh thần của Bộ Giáo dục là cố gắng sửa thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo hướng có lợi nhất cho giáo viên.

Vị này cho hay, Bộ Giáo dục sẽ cắt giảm các chứng chỉ. Cụ thể, mỗi một chức danh nghề nghiệp sẽ có một chứng chỉ duy nhất.

“Ví dụ, trong chức danh nghề nghiệp giáo viên có 3 hạng, thì trước đây, để vào mỗi một hạng cần có một chứng chỉ. Nhưng tới đây cả 3 hạng sẽ dùng chung một chứng chỉ. Như vậy, giáo viên sẽ chỉ cần có 1 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp duy nhất trong đời.

Khi giáo viên được tuyển dụng vào sẽ phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp; còn sau này khi thăng hạng thì không cần thêm chứng chỉ nào nữa mà chỉ cần đáp ứng trình độ đào tạo, kinh nghiệm và các điều kiện khác.

Riêng những người đã trong ngành mà chưa có chứng chỉ thì sẽ được cho một khoảng thời gian để hoàn thiện, chứ không bắt buộc phải ra khỏi ngành”, đại diện Cục Nhà giáo chia sẻ với VietNamNet.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên sẽ lại bị dồn đi học chứng chỉ chức danh?

Tôi cho rằng, nhiều giáo viên đọc thông tin trên chắc chắn sẽ không tránh khỏi hoang mang. Bởi lẽ, đại diện Cục Nhà giáo cho biết, “riêng những người đã trong ngành mà chưa có chứng chỉ thì sẽ được cho một khoảng thời gian để hoàn thiện, chứ không bắt buộc phải ra khỏi ngành”.

Giả sử “những người đã trong ngành mà chưa có chứng chỉ” nhưng không chịu học để bổ sung chứng chỉ thì bắt buộc phải ra khỏi ngành, liệu có đúng? Theo tôi, quy định này vừa không khả thi vừa trái Luật Giáo dục vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, tôi lấy ví dụ, điểm b Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 20/03/2021) có quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15:

Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Ngoài ra Khoản 5 Điều 9 Thông tư này cũng có quy định: Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này áp dụng đối với giáo viên trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Theo quy định này, chỉ có giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng khi Thông tư này đã có hiệu lực thì phải có chứng chỉ chức danh trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Hiện tại, chỉ giáo viên nào có nhu cầu thi/xét thăng hạng từ hạng III lên II, từ hạng II lên I mới yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh.

Thứ hai, Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 quy định chuẩn trình độ với giáo viên trung học phổ thông: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Ngoài ra, nếu quy định “riêng những người đã trong ngành mà chưa có chứng chỉ thì sẽ được cho một khoảng thời gian để hoàn thiện” được hiện thực hóa thì chắc chắn giáo viên sẽ bị dồn đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Trong khi đó, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua đã có hàng loạt bài viết nêu ý kiến nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên. Lí do, giáo viên đã qua 4 năm đại học (nhiều người có học vị Thạc sĩ), đã đáp ứng về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Hàng năm giáo viên đều bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đã đánh giá, xếp loại. Hơn nữa, chứng chỉ chức danh không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian, tiền của giáo viên.

Nên quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thành chứng chỉ chức danh

Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng, Bộ Giáo dục chưa thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì vướng các quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).

Điểm a Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

Cũng theo VietNamNet, Bộ Giáo dục đang tính tới việc bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Theo tôi, Bộ Giáo dục nên quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thành chứng chỉ chức danh là hợp tình hợp lí hơn cả.

Giáo viên phải học chứng chỉ chức danh chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc vô ích. Cứ nghĩ, khoảng 1 triệu giáo viên phải bỏ ra số tiền từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng để học chứng chỉ sẽ gây lãng phí số tiền rất lớn, đồng lương giáo viên còn eo hẹp lắm.

Ngày 13/11/2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Cụ thể tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 23/2021/QH15 quy định: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022”. Như vậy, thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2022, Quốc hội đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức.

Như thế, tiền lương của giáo viên vẫn chưa được tăng theo lộ trình khiến đời sống nhà giáo càng thêm khó khăn. Giáo viên sẽ khó khăn hơn khi phải bỏ tiền học chứng chỉ, rồi còn tốn kém thêm cho các khoản khác như chi phí ăn uống, đi lại.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục muốn thay đổi chế độ cho giáo viên thì trước mắt nên tính chuyện quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Việc này sẽ tránh được quy định không cần thiết - bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh (cho dù chỉ là 1).

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-gd-dt-noi-ve-huong-sua-thong-tu-01-02-03-04-ve-bo-nhiem-xep-hang-giao-vien-796836.html

https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html

https://tcnn.vn/news/detail/49894/Bo-Giao-duc-tra-loi-Chua-the-bo-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien.html

https://thukyluat.vn/news/can-bo-cong-chuc-vien-chuc/nghi-quyet-34-2021-qh15-chinh-thuc-lui-cai-cach-tien-luong-99089.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả

Cao Nguyên