Giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 là bao nhiêu người?

10/06/2020 06:33
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cách nhau trong vòng khoảng nửa năm trời nhưng giữa Cục trưởng với Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đưa ra 2 số liệu hoàn toàn khác nhau.

Thời đại công nghệ số, việc có những con số chính xác về số lượng, trình độ giáo viên trong ngành Giáo dục có lẽ không phải là một việc làm khó khăn.

Có số liệu chính xác sẽ giúp cho Bộ Giáo dục và các địa phương có cái nhìn toàn cục và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên trong tương lai.

Nhưng, những con số về giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ sau ngày 1/7 vẫn đang rất khập khiễng từ những cung cấp số liệu của một số lãnh đạo ngành Giáo dục khiến cho nhiều người không biết tin vào con số nào là thực.

Số liệu giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đã có sự chênh lệch rất lớn (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Số liệu giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đã có sự chênh lệch rất lớn

(Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Con số thực chưa đạt chuẩn theo Luật giáo dục (sửa đổi) là bao nhiêu?

Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ với báo chí vào thời điểm cuối năm 2019 thì đội ngũ giáo viên hiện nay khoảng 1,3 triệu người.

Tuy nhiên, lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn của bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là khoảng 400.000- 500.000 người….

Ở bậc trung học cơ sở còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ đại học. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại.

Thế nhưng, ngày 29/5/2020 vừa qua, trên Báo Vietnamnet có bài phỏng vấn ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì có một số liệu hoàn toàn khác.

Ông Bình cho biết: “Tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là: 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).

Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người).

Giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người). Giáo viên trung học cơ sở: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người)”.

Như vậy, chỉ cách nhau trong vòng khoảng nửa năm trời nhưng giữa Cục trưởng với Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã đưa ra 2 số liệu hoàn toàn khác nhau.

Thực tế cho thấy số liệu mà ông Đặng Văn Bình cung cấp có lẽ đáng tin cậy hơn con số của ông cấp trưởng Hoàng Đức Minh đã cung cấp trước đây.

Vì không thể có chuyện 400.000- 500.000/ 1,3 triệu nhà giáo hiện nay chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục (sửa đổi) được.

Nhất là ở cấp trung học cơ sở “còn đến 40% giáo viên chưa đạt trình độ đại học” – như lời ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thì chắc chắn là không chính xác và khó thuyết phục.

Bởi có một thời việc đào tạo hệ không chính quy của các trường đại học được xem là “cần câu cơm” cho các nhà trường nên họ chủ động mở lớp ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Vì thế, sau nhiều khóa mở lớp nên gần như những giáo viên trung học cơ sơ mà được đào tạo hệ cao đẳng đã đăng ký học tập và họ đã hoàn thiện văn bằng từ trước khi Bộ “tuýt còi” dừng đào tạo hệ không chính quy đối với khối ngành sư phạm.

Thực tế ở các nhà trường bây giờ chỉ còn lại một số lượng rất ít giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng đại học và giáo viên tiểu học cũng gần như là vậy.

Hàng chục năm nay, giáo viên các cấp học chủ yếu là được đào tạo hệ đại học

Không phải bây giờ mà đã hơn chục năm qua thì tình trạng dư thừa giáo viên đã xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước.

Hàng loạt các trường đại học sư phạm địa phương được mở nên dẫn đến tình trạng đầu vào của nhiều trường đại học sư phạm thấp.

Nhiều trường đại học sư phạm chỉ tuyển ở mức điểm sàn, mà đào tạo sự phạm thì miễn phí nên thí sinh dại gì mà lại đi học cao đẳng sư phạm rồi lại phải học nâng cao.

Vì thế, khối trường cao đẳng sư phạm teo tóp dần, nhiều trường phải sáp nhập thành các khoa hoặc chuyển mục đích đào tạo. Những trường cao đẳng sư phạm đơn thuần thì không tuyển được thí sinh.

Vậy nên, những năm qua chúng ta vẫn thấy tình trạng đánh trượt thí sinh điểm cao để nhà trường không phải đào tạo vì tỉ lệ đầu vào quá ít.

Chính vì thế, số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm rất hiếm và thực tế thì nhiều năm qua đã không có người học.

Những giáo viên trước đây được đào tạo hệ cao đẳng sư phạm thì họ đã học liên thông vài mùa hè là có bằng đại học.

Vì vậy, con số 400- 500 ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn như lời ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có lẽ không phải là con số thực…!

Tài liệu tham khảo:

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html

NGUYỄN CAO