Giáo viên chủ nhiệm nhiều lúc phải như người chị, người mẹ của học sinh!

03/02/2020 06:19
Trinh Phúc
(GDVN) - Phụ huynh ở nông thôn ít có điều kiện để quan tâm tới học sinh, ngay cả nhận thức tầm quan trọng của việc học cũng chưa tốt như phụ huynh ở thành phố.

Cô giáo Vũ Thị Nhung là giáo viên dạy Toán, làm công tác chủ nhiệm được 18 năm.

Hiện cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Hiền Đa (Phú Thọ) - đây là lớp thiên hướng học khoa học tự nhiên của trường.

Trong suốt 18 năm học qua, cô Nhung thấu hiểu được những khó khăn và thử thách đối với một giáo viên đảm đương công tác chủ nhiệm.

Theo cô Nhung thì mỗi thế hệ học trò lại có những khó khăn và thuận lợi khác nhau, từng đối tượng học sinh lại có những đặc thù riêng.

Cô Vũ Thị Nhung là giáo viên có kinh nghiệm chủ nhiệm đã 18 năm nay (ảnh Trinh Phúc).
Cô Vũ Thị Nhung là giáo viên có kinh nghiệm chủ nhiệm đã 18 năm nay (ảnh Trinh Phúc).

Hiện nay, cô chủ nhiệm lớp có ý thức học tập vào loại tốt nhất của trường nên các em ngoan, phụ huynh ủng hộ, tạo điều kiện và hợp tác với các thầy cô.

Nhưng theo cô Nhung thì các đồng nghiệp của cô khi chủ nhiệm những lớp học mà ở đó các em chỉ mục đích học để thi tốt nghiệp thôi thì gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là việc phối hợp với phụ huynh vì nhiều em bố mẹ đi vắng, ở với ông bà. Hoặc, có những em ở nhà tự chăm sóc nhau.

Việc có nhiều học sinh quan niệm học được thì chơi được, thậm chí thích chơi hơn học, cô Nhung chia sẻ rằng với những trường hợp như vậy giáo viên như cô phải có cách nói chuyện với các em để chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng ẩn giấu đằng sau bản thân mình.

Học sinh trường Hiền Đa tìm hiểu về chủ quyền, lợi ích Việt Nam trên Biển Đông
Học sinh trường Hiền Đa tìm hiểu về chủ quyền, lợi ích Việt Nam trên Biển Đông

Cô Nhung bày tỏ: “Chúng tôi làm sao như người chị, người mẹ để học trò chia sẻ hết tất cả, phải cố gắng làm sao để các em tâm sự, chia sẻ với mình”.

Suốt 18 năm làm chủ nhiệm với đầy ắp những kỷ niệm buồn vui về các thế hệ học trò.

Cô Nhung còn nhớ như in về cặp anh em song sinh bố mẹ đi làm xa, hai anh em ở cùng với nhau.

Bố mẹ giao tiền bạc cho người  anh chi tiêu trong gia đình nhưng người anh lại mang đi chơi, đến lớp là bày trò phá, rồi ngủ. Cuối cùng tiền bố mẹ cho hai anh em đều tiêu hết.

Để giáo dục em, cô Nhung phải lên gia đình xem các em ăn ở thế nào, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của hai em. Từ đó, cô đã có những  tác động khuyên bảo, động viên, chia sẻ, giúp đỡ.

Chính sự ân cần, quan tâm nên sau đấy em có tiến bộ hơn. Nhiều năm sau, khi lấy vợ, đích thân em mời cô giáo đến dự đám cưới, gặp cô em đã tâm sự và bày tỏ giá như nghe lời cô nhiều hơn nữa thì em đã tiến bộ nhiều hơn nữa.

Người em trai song sinh giờ cũng đã trở thành ông chủ có cơ ngơi thành đạt.

Khi kể về câu chuyện cặp học trò song sinh này, ánh mắt cô giáo Nhung hiện lên niềm hạnh phúc.

Có lẽ không chỉ cô Nhung mà hầu hết giáo viên khi biết được thông tin về các học trò cũ của mình thành đạt thì đều như vậy.

Chia sẻ thêm về công tác chủ nhiệm thời kỳ mà internet phát triển, có sổ liên lạc điện tử, cô Nhung cho rằng, công việc có bớt mệt nhọc hơn khi sợi giấy kết nối giữa phụ huynh và nhà trường dễ dàng và thuận tiện hơn.

Dạy văn theo phương pháp mới học sinh gặp khó để hiểu sâu sắc vấn đề!
Dạy văn theo phương pháp mới học sinh gặp khó để hiểu sâu sắc vấn đề!

Nhưng với những trường hợp đặc biệt thì giáo viên cũng phải mời phụ huynh đến trường để trao đổi, trong trường hợp nào đó cũng đến nhà phụ huynh.

So với phụ huynh ở thành phố, phụ huynh ở vùng nông thôn ít có điều kiện để quan tâm tới học sinh.

Ngay cả ý thức quan tâm đến việc học của học sinh cũng kém hơn.

Có những trường hợp các thầy cô mời phụ huynh lên trường để trao đổi về việc học tập của con em mình nhưng 10 lần mời thì họ mới đồng ý lên.

Chính vì thế, theo cô Nhung để làm công tác chủ nhiệm tốt, đặc biệt là những lớp mà đối tượng học sinh là những em không xác định học lên Đại học, Cao đẳng thì để các em nghiêm túc trong học tập và duy trì kỷ luật nhà trường cũng khiến giáo viên hao tổn nhiều tâm sức.

Tâm sự của cô Nhung là tâm sự chung của những giáo viên hằng ngày làm công tác chủ nhiệm. Các thầy cô luôn chịu nhiều áp lực để dạy học sinh nên người, không để các em phải sa ngã, lùi lại phía sau.

Mỗi lứa học trò ra trường đều có công rất lớn của những thầy cô giáo như cô Nhung nhưng có một điều rất lạ, những học trò nhớ thầy cô nhiều nhất lại chính là những học sinh cá biệt.

Chắc có lẽ, với những học sinh này thì để thành người trưởng thành, những sự quan tâm, động viên của các thầy cô chính là nguồn ánh sáng soi rọi cho cuộc đời của chính các em.

Trinh Phúc