Giáo viên chỉ còn một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là hợp lý dù muộn màng

21/05/2022 06:08
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên dưới cơ sở đã từng bất an, lo lắng vì nếu không có chứng chỉ tương ứng cũng đồng nghĩa là mình sẽ bị chuyển sang hạng thấp hơn hạng mình đang giữ.

Ngày 20/5/2022, trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chúng ta thấy có 5 điểm mới đáng chú ý.

Đó là: bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp; không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ;

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Trong các điểm mới này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến việc “bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng” vì đây là điều phù hợp với thực tế mà bớt đi những ai oán cho đội ngũ nhà giáo từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Nhiều hình thức học tập đã được mở ra để mở lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều hình thức học tập đã được mở ra để mở lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn

chức danh nghề nghiệp (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hơn một năm sóng gió của chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT

Kể từ ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và từ đó đến nay đã khiến cho đội ngũ nhà giáo lo lắng về việc chuyển hạng, xếp lương và cả chuyện học các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp- kể cả những giáo viên đã có chứng chỉ này.

Bởi lẽ, Thông tư 01,02,03,04/TT-BGDĐT đã hướng dẫn rất cụ thể về việc giáo viên phải có chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng hạng khác nhau.

Cụ thể: Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non là hạng III, hạng II và hạng I; trong đó: Giáo viên mầm non hạng III phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III (đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên mầm non hạng II phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng II; Giáo viên mầm non hạng I phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng I.

Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó: Giáo viên tiểu học hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên tiểu học hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng II; Giáo viên tiểu học hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng I.

Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó: Giáo viên trung học cơ sở hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên trung học cơ sở hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng II; Giáo viên trung học cơ sở hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó: Giáo viên trung học phổ thông hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên trung học phổ thông hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng II; Giáo viên trung học phổ thông hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Đặc biệt, sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì đến ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Trong Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD đã hướng dẫn: “Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này.

Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới”.

Chính vì Thông tư, Công văn của Bộ hướng dẫn như vậy nên các trường đại học sư phạm đã thông báo chiêu sinh tại trường, gửi thông báo chiêu sinh đến nhiều địa phương để lớp lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng. Điều trớ trêu là các công văn này được gửi đến email của các nhà trường và chuyển đến giáo viên.

Thông báo chiêu sinh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và một số Ban giám hiệu nhà trường cũng thường quán triệt, nhắc nhở giáo viên đi học chứng chỉ này.

Giáo viên thì nghe lãnh đạo, thông báo chiêu sinh, Thông tư, Công văn của Bộ nói vậy nên đa phần giáo viên lo lắng để học chứng chỉ tương đương với hạng của mình. Một số giáo viên đã có chứng chỉ hạng tương ứng với hạng mình đang giữ nhưng so sánh với chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì không đáp ứng được nên phải đi học chứng chỉ hạng thấp hơn.

Người không đi học thì bất an, lo lắng vì nếu không có chứng chỉ tương ứng cũng đồng nghĩa là mình sẽ bị chuyển sang hạng thấp hơn hạng mình đang giữ. Suốt hơn một năm qua, không biết bao nhiêu sóng gió, không biết bao nhiều muộn phiền đã được nhà giáo gửi gắm sau mỗi bài báo nói về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là phù hợp

Trước những ý kiến đóng góp của đội ngũ nhà giáo và sự thay đổi của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/10/2021 thì Bộ đã có những điều chỉnh về số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là phù hợp.

Theo đó, dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT chỉ quy định 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên.

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Và, việc giáo viên các hạng chỉ còn yêu cầu 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là hoàn toàn phù hợp và cũng tránh được những lãng phí, tiêu cực trong công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hiện nay.

Chỉ tiếc, giá như ngay sau khi ban hành chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD mà Bộ lắng nghe tâm tư của đội ngũ nhà giáo thì có lẽ đỡ được nhiều tiền bạc, công sức cho đội ngũ nhà giáo và giáo viên không phải lo lắng, oán trách như thời gian qua.

Tuy nhiên, muộn có lẽ cũng còn hơn không. Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT chỉ quy định 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng là tín hiệu tích cực, đáng mừng đối với hơn một triệu giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước.

Tài liệu tham khảo:

-https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-01-2021-TT-BGDDT-ma-so-va-bo-nhiem-xep-luong-vien-chuc-giang-day-giao-duc-mam-non-464396.aspx

-https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-02-2021-TT-BGDDT-ma-so-tieu-chuan-chuc-danh-vien-chuc-trong-truong-tieu-hoc-cong-lap-464397.aspx

-https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-03-2021-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-thcs-cong-lap-198082-d1.html

-https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html

-https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-971-bgddt-ngcbqlgd-trien-khai-thuc-hien-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-199677-d6.html

-https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1585

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN