Giáo viên cấp 3 có phải phải dạy xuyên hè nếu học sinh đổi môn lựa chọn?

28/04/2022 08:35
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2022-2023, thầy cô bậc trung học phổ thông có thể phải dạy cả thời gian nghỉ hè nếu học sinh đổi môn/tổ hợp môn học.

Ngày 25/3/2022, trả lời câu hỏi của Báo Tuổi trẻ "học sinh có được lựa chọn lại tổ hợp môn học sau mỗi năm học không? Nếu có thì cần các điều kiện gì?", ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết:

"Học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11". [1]

Từ năm học 2022-2023, giáo viên bậc trung học phổ thông phải dạy cả thời gian nghỉ hè nếu có học sinh đổi môn học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn)

Từ năm học 2022-2023, giáo viên bậc trung học phổ thông phải dạy cả thời gian nghỉ hè nếu có học sinh đổi môn học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn)

Học sinh chọn sai môn/tổ hợp môn - sai một li đi một dặm

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 10 vào năm học tới đã nảy sinh rất nhiều bất cập. Cá nhân tôi cho rằng, có những bất cập rất khó tìm ra phương án tháo gỡ, thậm chí bế tắc.

Thứ nhất, ông Thành thừa nhận, "việc thay đổi lựa chọn cũng tương tự như việc học sinh xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ, là một thực tế".

Dễ nhận thấy, học sinh thay đổi lựa chọn môn/tổ hợp môn sẽ xảy ra rất nhiều, do các nguyên nhân như: định hướng nghề nghiệp cảm tính; chưa định hình rõ đặc thù các môn học mới thế nào - ngoài Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh - vì bậc trung học cơ sở dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí; sự tác động của gia đình, bạn bè trong việc lựa chọn ngành nghề...

Ví dụ, học sinh A năm lớp 10 lựa chọn môn Sinh học để sau này xét tuyển vào ngành y. Nhưng học hết lớp 10, em A thấy mình học không tốt môn này và có nguyện vọng thay đổi môn học. Dĩ nhiên nhà trường phải đáp ứng yêu cầu của em A vì luật hiện hành không có điều khoản nào cấm học sinh thay đổi chọn môn/tổ hợp môn.

Tôi dạy một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rằng, có rất nhiều học sinh lớp 12 sau khi học xong kì 1 thì xin chuyển ban từ Khoa học tự nhiên sang Khoa học xã hội (học sinh lớp 12 hiện được nhiều trường phân theo ban thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ đầu năm) vì lực học yếu.

Không còn cách nào khác, lãnh đạo phải giải quyết theo nguyện vọng của các em nên việc sắp xếp lại thời khóa biểu, phân công giáo viên bộ môn giảng dạy rất rối.

Chẳng hạn, khối 12 có 15 lớp (10 lớp Khoa học tự nhiên, 5 lớp Khoa học xã hội), khi phát sinh thêm 1 lớp Khoa học xã hội thì phải thêm 13 giáo viên bộ môn, dẫn đến tăng ngân sách chi trả tiền lương.

Cùng với đó, khi học sinh xin chuyển đến trường mới nhưng không có tổ hợp môn ở trường cũ là rất thiệt thòi cho các em. Học sinh chuyển trường vì nhiều lí do, chẳng hạn do gia đình chuyển đến địa phương khác sinh sống, không lẽ các em phải bỏ học giữa chừng vì trường mới không có tổ hợp môn phù hợp?

Nếu học sinh chọn tổ hợp trái sở trường thì làm sao có thể phát huy hết 5 phẩm chất và 10 năng lực như Chương trình mới kì vọng?

Thứ hai, cũng theo ông Thành, "nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng Khoa học xã hội sang Khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn vì khi đó học sinh phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành.

Vì thế, tốt nhất là ngay từ đầu học sinh phải cân nhắc kỹ với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, các bậc phụ huynh".

Tôi cho rằng, nếu học sinh chuyển hẳn từ tổ hợp này sang tổ hợp khác thì nhà trường rất khó bố trí nhiều giáo viên cùng lúc dạy cho các em trong suốt mùa hè.

Giáo viên bậc trung học phổ thông hiện tại phải làm rất nhiều việc trong thời gian nghỉ hè như: dạy ôn, ra đề, chấm bài, vào học bạ cho học sinh kiểm tra lại cuối năm; coi, chấm thi tuyển sinh 9 lên 10; coi, chấm thi tốt nghiệp; học chính trị; bồi dưỡng chuyên môn...

Về phía học sinh, các em cũng không thể nào học nhồi nhét nhiều môn trong một thời gian ngắn như vậy. Bên cạnh việc học, các em phải làm bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì, nếu đạt yêu cầu mới được công nhận hoàn thành môn học.

Vấn đề hóc búa phát sinh ở chỗ, sau khi học sinh học xong lớp 11 thì có nguyện vọng thay đổi môn/tổ hợp môn. Vậy, bằng cách nào nhà trường có thể dạy cho các em hoàn thành chương trình lớp 10, lớp 11 đối với môn/tổ hợp môn mới? Ban biên soạn chương trình và Bộ Giáo dục có dự kiến được tình huống này hay không?

Còn về phía nhà trường và phụ huynh học sinh, dĩ nhiên ai cũng phải có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho các em trong việc chọn môn môn/tổ hợp môn học. Tuy nhiên, theo ghi nhận của tôi, hiện nay phụ huynh học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh hầu như chỉ quan tâm đến việc con em đăng ký nguyện vọng thế nào để trúng tuyển vào trường trung học phổ thông công lập, không mấy ai quan tâm đến tổ hợp môn.

Ngày 20/4/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào 114 trường công lập trên địa bàn Thành phố. Dự kiến gần 100.000 học sinh tại ở địa phương này sẽ tốt nghiệp trung học cơ sở, trong khi các trường trung học phổ thông công lập chỉ tuyển 70% trong số này vào lớp 10 - khiến nhiều phụ huynh học sinh lo lắng. [2]

Sau khi học sinh trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông thì nhà trường mới thành lập tổ tư vấn tuyển sinh giúp học sinh, phụ huynh học sinh lựa chọn tổ hợp môn. Tuy vậy, tôi cho rằng, rất ít phụ huynh học sinh hiểu rõ về các tổ hợp môn của Chương trình mới, ngay cả nhiều giáo viên (cấp 2, cấp 3) hiện nay cũng rất lơ mơ.

Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng, sự phối hợp giữa trường trung học cơ sở và trung học phổ thông (nhằm hỗ trợ học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn) là chưa chặt chẽ. Bậc trung học cơ sở do phòng giáo dục quản quản lí, còn bậc trung học phổ thông là sở giáo dục, vậy nên mỗi cấp học chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ riêng của mình mà thôi.

Chương trình mới "đẻ" ra 108 tổ hợp môn ở bậc trung học phổ thông như ván đã đóng thuyền, không còn cách nào khác, nhà trường phải xây dựng tổ hợp môn tối ưu tùy theo điều kiện của từng đơn vị để học sinh lựa chọn.

Có thể khẳng định, việc học sinh thay đổi môn/tổ hợp môn thì bất cứ trường nào cũng có thể xảy ra. Vậy nên, từ năm học 2022-2023, thầy cô bậc trung học phổ thông phải dạy cả thời gian nghỉ hè nếu có học sinh thay đổi môn học lựa chọn.

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/hon-100-to-hop-mon-hoc-lop-10-hoc-sinh-chon-nha-truong-tu-van-20220324212754757.htm

[2] //tienphong.vn/tphcm-cong-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-vao-lop-10-nam-hoc-2022-2023-post1432318.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương