Giáo viên cần được biết chi tiết các khoản hoa hồng trong trường học công lập

05/02/2022 06:58
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa có chế tài và kiểm soát việc nhận hoa hồng ở trường học nên giáo viên rất khó biết, nên việc chi thu nhập tăng thêm từ hoa hồng gần như không có.

Hoa hồng” là số tiền thù lao mà người uỷ thác trả cho người trung gian (làm đại lí hay môi giới) về những dịch vụ đã làm tuỳ thuộc tính chất và khối lượng công việc.

Quà Tết của công đoàn và nhà trường không có giá trị nhiều về vật chất, chủ yếu động viên tinh thần thầy cô (Ảnh: Đỗ Quyên)

Quà Tết của công đoàn và nhà trường không có giá trị nhiều về vật chất, chủ yếu động viên tinh thần thầy cô (Ảnh: Đỗ Quyên)

Với sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước sau Đổi mới cùng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong trường học công lập ngày càng đa dạng, các nhà cung cấp dịch vụ như suất ăn bán trú, dạy ngoại ngữ tăng cường, đưa đón học sinh, đồng phục...cũng phải cạnh tranh khốc liệt mới có thể chen chân vào học đường.

Một năm có biết bao khoản được mua, có không ít hợp đồng được ký. Bởi thế, việc các đơn vị cung cấp dịch vụ chi một khoản hoa hồng cho "các trường" cũng không hề nhỏ. Trường càng đông học sinh, hoa hồng càng lớn. Điều đáng nói là những khoản hoa hồng này thông thường chỉ có hiệu trưởng mới biết, giáo viên không mấy khi được thực mục sở thị.

Đương nhiên, việc chi hoa hồng này chỉ mang tính chất giữ chân "khách hàng" trên cơ sở đảm bảo chất lượng và giá cả, người viết không bàn đến kiểu hoa hồng bẩn khi nâng khống giá trị hàng hóa như vụ nâng khống bộ xét nghiệm Covid bị phanh phui vừa qua, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường càng đông học sinh, hoa hồng càng lớn

Tại nhiều quận nội thành Hà Nội, một trường tiểu học công lập bình thường sĩ số cũng có thể lên đến khoảng 3.000 học sinh, tính cả trường mỗi tháng chỉ nộp tiền tin nhắn SMS lên đến 90 triệu đồng, cả năm lên đến cả tỷ đồng.

Nếu nhà trường đăng ký gọi dịch vụ ngày nào cũng nhắn tin cho phụ huynh sẽ được chiết khấu 20%.

Còn nếu một tuần giáo viên chỉ nhắn 3 buổi, nhà trường sẽ được chiết khấu cao hơn đến 25%”. [1]

Lấy 1 tỷ đồng x 20% thì số tiền hoa hồng một năm nhà trường thu về sẽ là 200 triệu đồng, số hoa hồng này còn lớn hơn ngân sách cấp hoạt động cho 1 trường học tại Bình Thuận.

Một trường học hợp đồng tổ chức cho học sinh đi Đà Lạt tham gia hoạt động trải nghiệm với gần 700 học sinh. Mỗi em đóng tiền cho chuyến đi 4 ngày là khoảng 2.500.000 đồng.

Nhân lên, số tiền thành gần 1,75 tỷ đồng. Tiền hoa hồng 10% chi cho hiệu trưởng là gần 170 triệu đồng. [2]

Mới chỉ 2 ví dụ nhỏ, đã thấy số tiền hoa hồng của các nhà cung cấp dịch vụ vào trường học lớn cỡ nào. Nếu tính cả tiền hoa hồng đồng phục, bán sách vở, mua sắm các vật dụng thiết yếu cho nhà trường, trang bị tủ sách, sửa chữa nhỏ hàng năm, đặc biệt là các trường bán trú có hoa hồng từ các suất ăn thì không biết tiền hoa hồng còn nhiều đến mức nào?

Trong thực tế, số tiền “hoa hồng” mà nhà cung cấp dịch vụ trả cho "nhà trường" thì ai được hưởng? Chắc chắn, người được hưởng không phải là giáo viên, nhân viên trường học hay học sinh.

Hiệu trưởng đàng hoàng sẽ minh bạch các khoản hoa hồng và sử dụng tốt nhất cho tập thể

Nếu đặt câu hỏi với bất kỳ giáo viên nào đang đứng lớp, rằng : "Trường bạn có công bố tiền hoa hồng không?", người viết chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời rằng "không", rằng "chưa bao giờ thấy"…

Tuy nhiên, không phải là không có ai biết nói không với hoa hồng.

Người viết được nghe một đại lý cung cấp đồ ăn cho một trường nội trú ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, trong khi nhiều trường học hiệu trưởng hét giá % hoa hồng cho mỗi suất ăn của học sinh là 15% thậm chí 20% thì có một hiệu trưởng không lấy hoa hồng.

Hiệu trưởng này buộc nhà cung cấp tăng chất lượng khẩu phần ăn cho các em và yêu cầu giữ kín danh tính.

Người viết bài cũng đã gặp ít nhất 3 hiệu trưởng luôn công bố số tiền phần trăm hoa hồng sau khi bên bán trích lại.

3 vị này đều đưa ra hỏi ý kiến tập thể về cách xử lý số tiền hoa hồng có được. Có số tiền hoa hồng được trả lại cho phụ huynh như tiền đóng học bơi, tiền học sinh đi du lịch.

Có số tiền hoa hồng được xung vào quỹ phúc lợi để chăm lo đời sống cho giáo viên, làm tiền mừng tuổi cho các thầy cô giáo khi dịp xuân về.

Cần chế tài minh bạch các khoản hoa hồng trường học

Có lẽ vì “hoa hồng” được hiểu là số tiền để “trả công” cho người đi mua, người đi ký được hợp đồng, cho nên rất ít hiệu trưởng công bố số tiền hoa hồng có được hàng năm trước tập thể chăng? Vì thế, họ luôn giữ tiền hoa hồng cho riêng mình và xem như số tiền này chưa hề có, chưa hề tồn tại.

Cũng là tiền hoa hồng, nhưng tiền hoa hồng ở trường học công lập khác xa với tiền hoa hồng của một hộ kinh doanh cá thể, một người mua hàng về cho gia đình mình, cho công ty tư nhân của mình.

Người mua hàng hay ký kết hợp đồng cho nhà trường đang đại diện cho một tập thể nên xét một cách công bằng, khoản tiền hoa hồng được trích lại cũng thuộc tiền tập thể mới đúng.

Việc hiệu trưởng nhà trường không công bố số tiền hoa hồng đã không minh bạch trong thu chi tài chính.

Đáng tiếc là người viết tìm hiểu nhiều nơi nhưng không thấy có chế tài kiểm soát việc nhận hoa hồng ở trường học công lập nên giáo viên rất khó biết, nên việc chi thu nhập tăng thêm từ hoa hồng gần như không có.

Đối với những khoản hoa hồng sạch, nếu được công khai trước tập thể sẽ làm được rất nhiều việc hữu ích như tu sửa trang thiết bị nhà trường, bổ sung tủ sách cho học sinh, tạo nguồn thưởng Tết cho giáo viên, cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-hoa-hong-trong-nha-truong-ai-thu-ai-chi-post206227.gd?

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/he-lo-muc-hoa-hong-hau-hinh-tu-don-vi-cung-cap-so-lien-lac-dien-tu-cho-truong-post212379.gd?

Đỗ Quyên