Giáo viên cắm bản và giấc mơ có thật

26/01/2020 06:11
Vũ Ninh
(GDVN) - Mấy năm trước, khi hỏi những đứa trẻ miền Tây Yên Bái: Con ăn cơm với gì? Các cháu hồn nhiên nói: “Con ăn cơm chan nước suối”.

Giáo dục vùng cao khởi sắc từ một đề án 

Những đêm co ro trong cái lạnh thấu xương giữa non cao, thầy Nguyễn Duy Tiến – Hiệu trưởng Trường bán trú xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) vẫn mơ về một ngày có những ngôi trường khang trang, có những bếp ăn đượm lửa hồng, học sinh được ăn no, mặc ấm.

Hơn 20 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Duy Tiến tốt nghiệp ngành sư phạm và được phân công làm giáo viên tại huyện Trạm Tấu (huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái).

Trong ký ức xa xăm những ngày đầu nhận công tác, thầy Tiến không thể quên được hình ảnh học sinh người H’Mông, người Dao, người Nùng… đùm từng nắm gạo, đắp bếp, nấu cơm.

Thương học sinh, thầy Tiến bàn với các thầy cô trong trường quyên góp tiền, mua thực phẩm và tổ chức những bếp ăn cho học sinh. Ý tưởng đó manh nha hình thành mô hình bếp ăn bán trú cho các trường vùng cao.

Mấy năm trước, khi hỏi những đứa trẻ miền Tây Yên Bái: “Con ăn cơm với gì”. Các cháu hồn nhiên nói: “Con ăn cơm chan nước suối”.

Nay, quay trở lại huyện Trạm Tấu, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì những ngôi trường xinh xắn trong nắng mai.

Ở đó có những luống rau được vun trồng đều tăm tắp, những phòng ăn, phòng ở kiên cố, ấm cúng. Và, thầy Tiến không còn phải mơ về những bếp ăn bán trú nữa mà nay đã trở thành hiện thực.

Từ ngày có mô hình dồn điểm lẻ và trường bán trú học sinh không còn vất vả đi học xa như trước nữa. Phụ huynh cũng yên tâm gửi con cho nhà trường (Ảnh: Vũ Ninh).
Từ ngày có mô hình dồn điểm lẻ và trường bán trú học sinh không còn vất vả đi học xa như trước nữa. Phụ huynh cũng yên tâm gửi con cho nhà trường (Ảnh: Vũ Ninh).

Thầy Tiến tâm sự: “Nếu mọi người có dịp quay lại, thăm những ngôi trường bán trú vùng cao mới thấy được sự khởi sắc của giáo dục nơi đây.

Học sinh đến trường được ăn uống đầy đủ, mặc ấm, mỗi tháng còn được Nhà nước chu cấp tiền học, tiền ăn.

Phụ huynh yên tâm gửi các con cho nhà trường và chúng tôi cũng được Nhà nước tạo mọi điều kiện để yên tâm công tác.

Mấy năm trước giáo viên còn phải đốt đuốc đến từng thôn bản, nóc nhà vận động học sinh. Hiện nay không còn tình trạng như vậy nữa mà phụ huynh đã chủ động cho các con đi học, tỷ lệ chuyên cần vì thế luôn đạt xấp xỉ 100%”.

Khi nhắc đến những khởi sắc của giáo dục tỉnh Yên Bái không thể không nhắc đến thành công của 2 đề án: Xây dựng trường bán trú và Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016 – 2020.

Cô Nguyễn Thị Hà - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn phấn khởi chia sẻ: “Để có được kết quả đó, huyện đã thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ đặc thù cho học sinh bán trú và các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đặc biệt là hiệu quả từ các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú và Đề án nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, quy định một số chế độ hỗ trợ cho nhân viên nuôi dưỡng ở các trường phổ thông Dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Các chế độ, chính sách đó đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú của huyện Văn Chấn cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục”. 

Học sinh học tập và sinh hoạt ngoại khóa tại thư viện ngoài trời do nhà nước đầu tư (Ảnh: Vũ Ninh).
Học sinh học tập và sinh hoạt ngoại khóa tại thư viện ngoài trời do nhà nước đầu tư (Ảnh: Vũ Ninh).

Chăm học sinh như con cháu trong nhà 

Một tuần nay, con thầy giáo Nguyễn Văn Thành bị ốm. Nếu về thì không có ai quản lý, chăm sóc học sinh. Không về thì nóng ruột, thương con. Cuối cùng, thầy Thành (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Nậm Búng, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đành phải chọn giải pháp gửi con nhờ ông bà chăm, hai vợ chồng tiếp tục cắm bản lo cho học sinh.

Thầy Thành tâm sự: “Những chuyện như thế này chúng tôi cũng quen rồi nên phải khắc phục để vượt qua khó khăn.

Ở trường Nậm Búng có hơn 1000 học sinh. Các em còn nhỏ dại, nếu mình về thì rất lo học sinh có an toàn không?

Những giáo viên cắm bản như chúng tôi đành phải gửi con cái cho người thân chăm sóc. Ngày thứ hai đi, đến Chủ nhật mới về. Nhiều khi nóng ruột lắm nhưng không biết làm sao được”.

Thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú xã An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, năm 2018, khi cơn lũ bao vây địa bàn xã, nhiều thầy cô phải gùi từng cân gạo, rau, củi lên trường…

Quãng đường từ nhà thầy Diện đến trường chỉ ba chục cây số thôi nhưng rất nhiều điểm đường trơn trượt mà vẫn phải cố gắng vượt qua mỗi tuần.

Thầy Diện khiêm tốn nói: “Những gì mình làm được còn rất nhỏ bé so với thành tích chung của giáo dục tỉnh và cả nước. Đối với người làm công tác giáo dục, ngoài năng lực, chuyên môn thì tình yêu thương học sinh, trách nhiệm với công việc vô cùng quan trọng. Giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng của sự yêu thương, tận tụy”.

Ở trường bán trú, thầy cô phải làm việc gấp 2-3 lần so với dưới xuôi. Thầy cô bằng tình yêu thương con trẻ đã vượt qua tất cả những khó khăn đấy (Ảnh: Vũ Ninh).
Ở trường bán trú, thầy cô phải làm việc gấp 2-3 lần so với dưới xuôi. Thầy cô bằng tình yêu thương con trẻ đã vượt qua tất cả những khó khăn đấy (Ảnh: Vũ Ninh).

Thầy Đồng Thành Chung (Trường Tiểu học bán trú xã An Lương) cũng phải cố gắng vượt lũ để đến trường. Có lần băng qua suối phải bám vào dây thừng (vì cầu đã bị lũ cuốn trôi), dây thừng bị tuột, thầy suýt bỏ mạng trên dòng nước xiết.

Khi được hỏi: Động lực nào khiến các thầy cô liều mình băng lũ đến trường? Thầy Diện cười vô tư: “Động lực lớn nhất của chúng tôi đó chính là các em học sinh. Ở trường thầy cô thay cha mẹ chăm sóc các em. Do đó chúng tôi luôn tâm niệm phải làm sao các em được ăn no, mặc ấm, không để các em thiệt thòi”.

Trong nếp nhà của người H’Mông còn thơm mùi khói, ông Giàng A Lở không giấu được niềm vui: “Từ ngày bọn trẻ được tỉnh quan tâm, được nhà nước hỗ trợ, nhìn bữa ăn ở trường của các con mà chúng tôi thấy ấm bụng.

Cơm bố mẹ nuôi không có thịt cá đủ đầy như ở trường. Ở nhà, chúng tôi mải lo kiếm sống nên không biết dạy dỗ các con. Thế mà sau một tháng ở trường, đứa nào cũng biết đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, tự lo cho mình.

Những ngày đầu tiên các con từ trường về nhà, chúng tôi cứ tròn mắt nhìn bọn trẻ tự chăm sóc bản thân, biết dọn dẹp, sắp xếp, vệ sinh nhà cửa giúp bố mẹ.

Ở trường, bọn trẻ còn có vườn rau rộng lắm, các thầy cô hướng dẫn trồng, chăm sóc, mùa nào thức nấy.

Con bé nhà tôi khoe rau thu hoạch đến đâu là các lớp mang bán cho nhà bếp của trường đến đó, tiền bán rau để làm quỹ lớp, tổ chức sinh nhật, văn nghệ.

Thành ra chúng nó thích đến trường hơn ở nhà, thích ngủ với các bạn hơn ngủ với bố mẹ. Đứa nào cũng bạo dạn hẳn lên, chứ không nhút nhát như hồi ở nhà”. 

Vũ Ninh