Giáo viên bị cắt hợp đồng được mời thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/tiết

24/12/2019 06:48
Vũ Ninh
(GDVN) - Sau khi bị cắt hợp đồng đầu năm học 2019-2020, gần 90% giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây được nhà trường mời thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/ tiết.

Nguy cơ trắng tay của 94 giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây

Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây là nhân vật trong bài viết: “Đắng ngắt! giáo viên nhận trợ cấp thất nghiệp đúng vào ngày khai giảng”, đăng tải ngày 6/9/2019 trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sau hơn 3 tháng kể từ ngày bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, công việc của người giáo viên có 17 năm công tác này vẫn rất long đong, lận đận.

Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?
Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?

Cụ thể, theo thầy Tiến chia sẻ: Sau khi thị xã Sơn Tây đơn phương chấm dứt hợp đồng với toàn bộ giáo viên hợp đồng trong huyện, gần như 90% số giáo viên này được mời hợp đồng thỉnh giảng.

Bản thân thầy Nguyễn Viết Tiến đang thỉnh giảng tại trường 12 tiết/ tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm.

Để so sánh thì số tiền này chỉ bằng ¼ số tiền trả cho 1 công phụ hồ/ ngày (khoảng 200.000 đồng). 

Không chỉ có thầy Tiến mà gần như 90% giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây cũng đang thỉnh giảng với mức công bèo bọt như vậy. Đáng nói, trong khi các trường đều thiếu giáo viên để giảng dạy thì số giáo viên hợp đồng lại bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ đầu năm học. Điều này gây khó khăn rất lớn cho chính các trường và cho cuộc sống của nhiều thầy cô.

Nhìn lại bản chất câu chuyện này có thể đánh giá: Cuối cùng người thiệt đơn, thiệt kép lại chính là số giáo viên hợp đồng lâu năm tại thị xã Sơn Tây.

Thầy Nguyễn Viết Tiến bị cắt hợp đồng, nhận trợ cấp thất nghiệp vào đúng hôm khai giảng năm học mới (Ảnh:V.N)
Thầy Nguyễn Viết Tiến bị cắt hợp đồng, nhận trợ cấp thất nghiệp vào đúng hôm khai giảng năm học mới (Ảnh:V.N)

Thầy Nguyễn Viết Tiến tâm sự: “Cuối cùng người chịu khổ nhất vẫn là giáo viên. Trong 17 năm tôi công tác tôi không được tăng lương, không được phụ cấp hay chế độ gì. 

Mức lương giáo viên nhận được cũng chỉ bằng mức lương cơ bản. Trong khi tôi vẫn là giáo viên dạy giỏi và được nhà trường phân công ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Khi chúng tôi công tác đã chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp. Nay bị cắt hợp đồng trước khi có cơ hội được xét đặc cách. Nhà trường thiếu giáo viên lại thuê chúng tôi thỉnh giảng với mức công rẻ mạt như vậy. 

Như vậy đến thời điểm này chúng tôi chịu thiệt đơn, thiệt kép: Lương thấp, nguy cơ cao không được xét đặc cách, bị cắt hợp đồng, bị mời thỉnh giảng, danh không có, phận cũng không. Tôi tự hỏi đến bao giờ giáo viên hợp đồng mới hết khổ?”.

Số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn còn rất long đong, lận đận (Ảnh:V.N)
Số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn còn rất long đong, lận đận (Ảnh:V.N)

Tâm sự của thầy Nguyễn Viết Tiến cũng là tâm sự của 94 giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây và giáo viên của nhiều huyện khác.

Theo thông tin phóng viên có được: Hiện nay tại một số huyện, thị xã như Phúc Thọ, Hoài Đức, Sơn Tây…nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng. Trong khi đó giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn chưa được đóng bảo hiểm.

Nếu căn cứ theo công văn số 3037/SNV-XDCQ, số giáo viên này sẽ không được xét đặc cách mặc dù họ đã từng là ngọn cờ đầu đấu tranh cho quyền lợi chung của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội (và trên cả nước).

Trong công văn nêu rõ điều kiện xét đặc cách bao gồm tiêu chí: Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Như vậy đối với giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm và bị cắt hợp đồng sẽ không đủ điều kiện. 

Trong khi đó trên danh nghĩa số giáo viên này vẫn hàng ngày miệt mài công tác như một giáo viên bình thường nhưng điều đáng buồn là họ không được công nhận.

Điều này đặt ra vấn đề: Liệu cách đối xử với giáo viên như vậy có phải là vắt chanh bỏ vỏ?

Công bằng nào dành cho giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)
Công bằng nào dành cho giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N)

Cô giáo N.T.L.T, giáo viên hợp đồng cho biết: “Chúng ta cứ hô hào giáo dục phải công bằng, bình đẳng. Thế nhưng nhìn vào thực tế cách đối xử với giáo viên hợp đồng có được công bằng không. 

Chúng tôi đi làm đã hưởng lương thấp, cống hiến gần 20 năm thì bị cắt hợp đồng rồi lại bị thuê thỉnh giảng lại. Đến khi có cơ hội được xét đặc cách thì không đủ tiêu chuẩn”.

Nhiều giáo viên cho rằng: Với lỗi phần lớn nằm ở cơ quan sử dụng lao động, giáo viên hợp đồng ở vào thế bị động, thiệt thòi.

Thầy Nguyễn Viết Tiến đặt câu hỏi: “Nếu các trường thiếu giáo viên tại sao còn cắt hợp đồng của chúng tôi ngay trước năm học mới. Sau đó lại thuê chính chúng tôi về để dạy. 

Đến thời điểm này khi chỉ đạo xét đặc cách có thì chúng tôi lại không đủ tiêu chuẩn. Mà việc ký hay cắt hợp đồng không do giáo viên quyết định mà là một quyết định đơn phương”.

Giáo viên Hà Nội mong chờ được gỡ rối như giáo viên Hà Nam

Tình trạng hiện nay của 94 giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây (cùng nhiều Quận, huyện khác) tương tự như vụ việc 100 giáo viên hợp đồng huyện Duy Tiên (Hà Nam) kêu cứu vì bị loại khỏi danh sách đặc cách chỉ trong vài ngày bởi những lý do “trên trời”.

Tuy nhiên ngay sau khi báo chí có thông tin phản ánh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã lựa chọn cách phản ứng kịp thời, hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng.

Trong một ngày, Chủ tịch Hà Nội hai lần ra công văn khiến thầy cô hoảng hốt
Trong một ngày, Chủ tịch Hà Nội hai lần ra công văn khiến thầy cô hoảng hốt

Cách làm này khiến giáo viên hợp đồng tại thành phố Hà Nội mong mỏi cách xử lý của Thành phố theo hướng đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Như đã phân tích: Mặc dù đã có điều kiện cụ thể xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng nhưng hiện nay một số Quận, huyện bị vướng ở 2 điểm:

Thứ nhất: Trong điều kiện nêu rõ giáo viên được xét đặc cách phải đang làm hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, trung học công lập. Trong khi đó nhiều Quận, huyện giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng trước khi có quyết định xét đặc cách.

Thứ hai: Điều kiện cũng có nói giáo viên ký hợp đồng phải được đóng bảo hiểm trước ngày 31/5/2015. Nhưng tại một số huyện chẳng hạn như Mỹ Đức giáo viên không được đóng bảo hiểm. Nếu truy cứu điều này thì cơ quan sử dụng lao động đã vi phạm luật bảo hiểm xã hội và luật lao động.

Có thể thấy cả 2 điểm nghẽn này đều xuất phát từ cơ quan tuyển dụng lao động chứ không xuất phát từ người lao động (giáo viên hợp đồng). 

Mặc dù vậy người chịu thiệt thòi lớn nhất cuối cùng lại chính là những giáo viên đang nhận 50.000 đồng tiền công/ tiết thỉnh giảng.

Hàng trăm con người mong mỏi một quyết định của Thành phố gỡ rối vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)
Hàng trăm con người mong mỏi một quyết định của Thành phố gỡ rối vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N)

Ngoài ra, thầy Nguyễn Viết Tiến cũng nhắc lại lời hứa của Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Sẽ dành gần 3000 chỉ tiêu, biên chế giải quyết hết số giáo viên hợp đồng.

Thầy Tiến nói: “Khi Chủ tịch Thành phố nói như vậy chúng tôi cũng ngầm hiểu rằng gần 3000 giáo viên hợp đồng sẽ được xét đặc cách hết. Tuy nhiên hiện nay khó khăn chồng chất khó khăn. 

Thực sự chúng tôi vẫn chưa thấy lối ra cho vấn đề này. Kính mong Thành phố xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho anh em chúng tôi”.

Trong khi chờ đợi những điều chỉnh trong thời gian sắp tới, thầy Tiến và gần 100 giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây, Ba Vì…vẫn đi thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/ tiết. Chặng đường đến trường sao mà khó khăn đến thế!

Vũ Ninh