Giáo viên bậc phổ thông bơ phờ với nhận xét học sinh cuối kì

14/01/2021 07:51
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông còn bất cập.

Ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 6 như sau:

“b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10”.

Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 6 như sau:

“a) Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số: nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học”. [1]

Công bằng mà nói, đánh giá học sinh bằng điểm số kết hợp với nhận xét sẽ phản ánh được toàn diện năng lực và khích lệ học sinh tiến bộ.

Cùng với đó, đánh giá bằng nhận xét cũng giúp học sinh nhận ra giá trị của mỗi bài kiểm tra, bởi sau đó các em biết điều gì mình còn chưa đạt để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Thế nhưng, quy định này cũng còn những bất cập nhất định khiến giáo viên bậc phổ thông phải mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc nhận xét học sinh.

Việc giáo viên thực hiện nhận xét học sinh trung học còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Vtv.vn)

Việc giáo viên thực hiện nhận xét học sinh trung học còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Vtv.vn)

Có giáo viên phải nhận xét cho hàng ngàn học sinh!

Đơn vị tôi đang công tác là một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô khoảng 2000 học sinh.

Với giáo viên dạy môn Toán, Ngữ văn, nếu làm công tác chủ nhiệm thì phải dạy 3 lớp (12 tiết), khoảng 150 học sinh.

Để nhận xét hết toàn bộ số học sinh này cho một học kì thì cũng không mấy khó khăn nhưng điều đáng bàn là chẳng thấy tác dụng của cách làm này đến đâu.

Bởi, giáo viên dạy Toán thường yêu cầu học sinh làm bài trên bảng, ở giấy nháp, giấy kiểm tra và khi sửa bài, chấm bài thì thầy cô đã sửa chữa rất chu đáo, kĩ càng và rút kinh nghiệm chung cho cả lớp.

Còn giáo viên dạy Ngữ văn, khi chấm bài kiểm tra định kì, giữa kì, cuối kì đều sửa bài và có lời phê trực tiếp vào giấy làm bài của từng học sinh.

Vậy thì giáo viên phải làm thêm một thao tác nữa là “đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục” để làm gì?

Chưa kể, giáo viên nhận xét ở sổ điểm cá nhân thì học sinh đâu có đọc được? Thực tế, học sinh đã nhận được lời nhận xét về học lực và hạnh kiểm của giáo viên chủ nhiệm ghi ở sổ liên lạc hoặc phiếu điểm vào cuối kì, cuối năm rồi.

Với môn học có số tiết ít hơn như Công nghệ, Giáo dục công dân… (1 tiết/tuần) thì giáo viên quá vất vả vì phải nhận xét cho hàng trăm, thậm chí cả ngàn học sinh.

Ví như, ở đơn vị tôi có 3 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân nên mỗi người phải nhận xét gần 700 học sinh. Riêng môn Công nghệ, chỉ có 2 giáo viên nên mỗi người phải nhận xét khoảng 1000 học sinh.

Nếu những giáo viên này kiêm nhiệm thêm công tác chủ nhiệm thì cuối năm còn phải làm hàng loạt công việc liên quan như: ghi điểm vào sổ liên lạc (kèm nhận xét); vào điểm ở sổ gọi tên và ghi điểm; vào điểm học bạ (phê học bạ)…

Ngoài ra, những giáo viên dạy môn ít tiết, mỗi tuần chỉ gặp học sinh một lần, thậm chí không nhớ mặt nói gì đến nhớ tên, vậy thầy cô sẽ nhận xét các em thế nào cho đúng?

Như thế sẽ dẫn đến những kiểu nhận xét học sinh na ná nhau như: chăm, ngoan, có tiến bộ trong học tập, cần nỗ lực hơn về việc học…

Và chắc chắn cách nhận xét này cũng không giúp được gì nhiều để hiệu trưởng làm căn cứ trong việc điều chỉnh chuyên môn.

Nên nhận xét học sinh thế nào cho hiệu quả?

Theo cá nhân người viết, ở lớp học luôn có hai đối tượng học sinh cần phải nhận xét, đó là học sinh tiến bộ vượt bậc và học sinh yếu kém. Và việc nhận xét này cũng không nhất thiết phải ghi vào sổ điểm mà chỉ cần sử dụng lời nói (động viên, khích lệ, khuyên nhủ…) là được.

Với những học sinh nổi trội, giáo viên bộ môn cần công khai khen ở tiết học để khích lệ các em phát huy khả năng hơn nữa.

Riêng học sinh yếu kém, giáo viên bộ môn nên dành thêm thời gian quan tâm các em bằng cách nhắc nhở, chia sẻ.

Nhận xét học sinh yếu kém thật không dễ chút nào! Vậy nên giáo viên cũng cần lưu ý dùng lời lẽ sao cho hợp lí, tránh viết tùy tiện để các em không mất động lực và hứng thú trong học tập.

Cùng với đó, giáo viên bộ môn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm nhằm tìm ra những khó khăn mà các em gặp phải trong học tập để tháo gỡ dần.

Từ đó, giáo viên chủ nhiệm có thể phối hợp tích cực với cha mẹ học sinh nhằm giúp các em dần lấy lại sự cân bằng về lực học.

Nếu học sinh học quá yếu thì thầy cô cũng cần tư vấn thêm cho các em con đường lựa chọn nghề nghiệp sau này, cũng là một kiểu “nhận xét” khả thi và rất nhân văn ở môi trường học đường.

Tuy nhiên, để tránh mỗi trường nhận xét một kiểu, kể cả giáo viên mạnh ai nấy làm thì nhất thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc thực thi nhiệm vụ.

Qua thực tiễn nhiều năm dạy học, tôi nhận thấy, nếu người thầy giỏi, có khả năng sư phạm tốt cùng với lòng nhiệt huyết, chắc chắn sẽ đào tạo được nhiều học sinh tài giỏi, ít ra cũng giúp các em “thành nhân”.

Cùng với đó, việc dạy học, kiểm tra, thi cử phải được tổ chức thật nghiêm túc, trung thực thì sẽ lượng hóa được chất lượng học tập của học sinh một cách chính xác nhất.

Ngược lại, chừng nào còn bệnh thành tích trong giáo dục, rồi những chỉ đạo còn nặng về lí thuyết thì không dễ gì cải thiện được chất lượng giáo dục một sớm một chiều.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

[2] //tuoitre.vn/thi-thay-doi-day-va-hoc-doi-thay-ky-2-kho-voi-nhan-xet-hoc-sinh-20201225201753262.htm?

[3] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/giao-vien-san-sang-nhan-xet-hoc-sinh-nhung-lo-che-the-nao-cho-dung-642675.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ánh Dương