Giáo sư Trần Hồng Quân: Nên chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học- Công nghệ

27/02/2020 06:16
Thùy Linh
(GDVN) - Việc đề xuất chuyển nhiệm vụ đào tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học, Công nghệ là hoàn toàn hợp lý trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Mới đây, tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ Nội Vụ diễn ra ngày 19/2, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.

Vì lẽ đó, Tiến sĩ Tuấn đề xuất chuyển nhiệm vụ đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo. 

Trước đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đề xuất chuyển nhiệm vụ đào tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học, Công nghệ là hoàn toàn hợp lý trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay. 

Bởi bên cạnh việc giảng dạy cử nhân có trình độ tay nghề cao thì cơ sở giáo dục đại học cũng có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn cuộc sống còn viện khoa học cũng cần tham gia vào quá trình đào tạo.

Do đó, khoa học và đại học phải gắn liền với nhau chứ nếu để như hiện nay 2 hệ thống quản lý là không hợp lý. 

Giáo sư Trần Hồng Quân: Nên chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học- Công nghệ (Ảnh: Ngọc Quang)
Giáo sư Trần Hồng Quân: Nên chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học- Công nghệ (Ảnh: Ngọc Quang)

Giáo sư Quân chia sẻ thêm, ở nước ngoài, lực lượng nghiên cứu khoa học chủ yếu là ở các cơ sở giáo dục đại học do đó việc chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học, Công nghệ là đúng. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khuyến cáo, việc điều chuyển mảng đào tạo đại học này không phải sáp nhập cơ học mà lúc đó khoa học và đào tạo phải hòa lại với nhau chứ không phải 2 thành phần riêng biệt nằm trong một Bộ. 

“Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo phải có chức năng vừa đào tạo vừa nghiên cứu và nhiệm vụ quản lý phần lớn dành cho công nghệ của bậc đại học chứ không phải đào tạo đại học là một nhánh phụ của Bộ này”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh. 

Quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục
Quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, và việc vắng mặt các trường đại học đa lĩnh vực là hai tàn tích của mô hình Liên Xô cũ.

Đây chính là hai cản trở lớn làm cho khối các nước kinh tế chuyển đổi có rất ít trường đại học đẳng cấp thế giới. 

Về sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn thì Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, ở Việt Nam, cho đến năm 1992 hệ thống nghiên cứu quan trọng vẫn tồn tại theo mô hình Liên Xô: Cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu là Ủy ban Khoa học Nhà nước, hai cơ quan nghiên cứu lớn bao trùm (theo kiểu Viện hàn lâm Khoa học ở Liên Xô) là Viện Khoa học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhận thức được sự cần thiết phải hợp nhất lực lượng nghiên cứu và các trường đại học. 

Giáo sư Thiệp thông tin, năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ( tương đương với Thủ tướng Chính phủ bây giờ) đã chỉ đạo về việc “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, với ý đồ nêu ra là: 

“Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo: coi các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ là một hệ thống thống nhất, cần có sự sắp xếp, phân công hợp lý và kết hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa năng lực của lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Trên cơ sở đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo: 

“1) Thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia (về khoa học tự nhiên và công nghệ, về khoa học xã hội và nhân văn) và một số trường đại học trọng điểm quốc gia, trên cơ sở sắp xếp lại các viện nghiên cứu quốc gia và một số trường đại học hiện có. 

2) Tổ chức lại các bộ môn, khoa, viện trong các trường đại học với sự phân công hợp lý giữa các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ khác”. 

Tuy nhiên, ý đồ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó muốn hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu đã không thành.

Sáp nhập trường, lợi thì có lợi nhưng…

 
Hai cơ sở nghiên cứu lớn nói trên được đổi tên nhiều lần, nhưng thực chất vẫn như cũ. 

Đến năm 2012, chúng lại được đổi tên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

Như vậy là ý tưởng hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu trước đây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1992 không được kế thừa, mà sự tách biệt còn trở nên nặng nề hơn, đúng theo mô hình của Liên Xô trước đây. 

Từ đó, Giáo sư Lâm Quang Thiệp khẳng định: “Sự tách rời giữa hệ thống giáo dục đại học nước ta với hệ thống các tổ chức nghiên cứu quan trọng nhất đất nước đã và đang làm yếu các trường đại học, đặc biệt là các đại học hàng đầu nước ta, gây cản trở lớn đối với quá trình phấn đấu thành đại học đẳng cấp thế giới”. 

Thùy Linh