Giáo sư Nguyễn Văn Minh: 80% sinh viên sư phạm Hà Nội có việc làm sau 1 năm

24/05/2018 06:33
Thùy Linh (thực hiện)
(GDVN) - Việc định hình các giá trị cơ bản cho thầy cô tương lai hết sức quan trọng, đồng thời với nó là trang bị các kỹ năng cơ bản về giáo dục và ứng xử.

LTS: Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những bất cập lớn trong đào tạo giáo viên hiện nay là nội dung dạy nghề chưa sát với thực tiễn hành nghề của giáo viên tại các nhà trường và thời lượng dành cho việc thực hành kỹ năng nghề chưa đủ. 

Do đó, một trong những thay đổi lớn trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu điểm đầu vào cao đối với ngành này. 

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, muốn nâng cao chất lượng đối với ngành sư phạm thì trước tiên bản thân các trường sư phạm phải thay đổi cách thức đào tạo. 

Về vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Minh– Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội xem nhà trường đã từng bước chuyển dịch xu hướng đào tạo như thế nào?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Phóng viên: Ngành sư phạm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, đáng bàn về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm, đạo đức nghề nghiệp…

Thực tế đào tạo ngành sư phạm thời gian qua của nhà trường như thế nào và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ra sao, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Văn Minh: Trước hết cần nhấn mạnh rằng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục đào tạo nói chung và các trường sư phạm nói riêng đã có những đóng góp tích cực trong việc giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. 

Đại học sư phạm Hà nội là trường đào tạo sư phạm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đây là cơ sở, là tiền đề để xây dựng hệ thống sư phạm trong toàn miền Bắc và sau ngày đất nước thống nhất, đội ngũ cán bộ của Nhà trường đã được tăng cường để xây dựng, phát triển các trường sư phạm trong cả nước.

Điều đó nói lên rằng, Đại học sư phạm Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống đào tạo sư phạm của Việt Nam. 

Theo thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tình hình có việc làm của sinh viên khá tốt, tỉ lệ này đạt cỡ 80% sau 1 năm ra trường; có những ngành như Toán tiếng Anh, Mần Non, Tiểu học đạt trên 90%. (Ảnh: VTC)
Theo thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tình hình có việc làm của sinh viên khá tốt, tỉ lệ này đạt cỡ 80% sau 1 năm ra trường; có những ngành như Toán tiếng Anh, Mần Non, Tiểu học đạt trên 90%. (Ảnh: VTC)

Cụ thể, đối với Đại học sư phạm Hà Nội, có thể theo dõi 2 thập kỷ gần đây, việc tuyển sinh vẫn nằm trong nhóm các trường có điểm đầu vào cao; có những ngành rất cao như các bạn đã biết. 

Tuy nhiên đó là một tham số cần nhưng chưa đủ. Vấn đề quan trọng hơn là chương trình đào tạo, quá trình đào tạo và đào tạo gắn với sử dụng.

Thứ nhất, đối với điều kiện đảm bảo chất lượng so với các cơ sở đào tạo sư phạm thì Đại học sư phạm Hà Nội có nhiều ưu thế. Tuy vậy, chúng tôi luôn hạn chế chỉ tiêu. 

Có thể thấy rõ điều này qua tuyển sinh những năm gần đây, từ 1.700 giảm xuống dưới 1.500. Nhìn con số này để thấy rằng, chúng tôi quan tâm ngay từ chất lượng đầu vào.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh: 80% sinh viên sư phạm Hà Nội có việc làm sau 1 năm ảnh 2“Sư phạm không phải là một lối ra quá chật chội”

Thứ hai, mặc dù còn không ít hạn chế, nhưng chương trình đào tạo của Nhà trường, kể cả chuyên môn và nghiệp vụ luôn được cập nhật, cải tiến, đáp ứng tốt với chương trình phổ thông.

Gần đây nhất là năm 2014 đã có một sự thay đổi tích cực trong chương trình đào tạo, tạo sự cân đối giữa chuyên môn và nghề nghiệp với thực tiễn phổ thông.

Với đầu vào, với quá trình như vậy, nhưng chúng tôi luôn siết chặt đầu ra, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu nên cũng phải chịu rất nhiều áp lực.

Người học cũng có lúc phàn nàn, kết quả đánh giá tốt nghiệp chặt khiến khi nộp hồ sơ xét tuyển điểm ưu tiên thấp, nhưng có lẽ cái “may mắn” do kiên trì chất lượng nên các cơ sở sử dụng giáo viên luôn đón nhận sinh viên tốt nghiệp rất tích cực. 

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tình hình có việc làm của sinh viên khá tốt, tỉ lệ này đạt cỡ 80% sau 1 năm ra trường; có những ngành như Toán tiếng Anh, Mần Non, Tiểu học đạt trên 90%.

Rõ ràng, dự báo đầu ra, kiên định trong chất lượng là nhân tố quyết định đối với vấn đề đào tạo sư phạm của Nhà trường.

Thưa thầy, giáo dục trong thời đại mới đòi hỏi người giáo viên rất nhiều kỹ năng, vậy trường Đại học sư phạm Hà Nội đã có những thay đổi như thế nào để tránh tình trạng thất nghiệp?

Thầy Nguyễn Văn Minh: Chúng ta biết rằng, giáo dục hiện đại là giáo dục mở.

Trong đó, vai trò của người thầy đã có những phát triển đáng kể về chất. Tạo môi trường và động lực để mỗi cá nhân phát triển theo đúng thiên hướng của họ là trọng trách người thầy. 

Việc chuyển đổi dạy học từ áp đặt sang hướng dẫn, đồng hành cùng người học là sự thay đổi bản chất của dạy học hiện đại. 

Giáo sư Nguyễn Văn Minh: 80% sinh viên sư phạm Hà Nội có việc làm sau 1 năm ảnh 3Chương trình đào tạo sư phạm đã thay đổi theo xu hướng tích hợp

Vì vậy thay đổi phương pháp, cách thức tiếp cận trong dạy học hiện đại đặt ra nhiều đòi hỏi đối với quá trình đào tạo giáo viên. 

Rõ ràng, năng lực nghề nghiệp của người giáo viên gồm hai yếu tố hữu cơ với nhau là năng lực khoa học chuyên ngành và năng lực sư phạm.

Điểm mấu chốt ở đây là tính tương tác, phù hợp giữa hai yếu tố này; thiếu một trong hai thì khó trở thành thầy cô giỏi được. 

Chính vì vậy, chương trình đào tạo của Nhà trường hiện hành phân định rất rõ, phần nào là kiến thức cốt lõi để có nền tảng hình thành các năng lực; phản ánh công việc này thông qua phương pháp giảng day như thế nào (nghiệp vụ) để đạt được mục tiêu dạy học và giáo dục. 

Tỉ lệ giữa chuyên môn và nghiệp vụ cũng đã thay đổi nhằm cân đối giữa tri thức và khả năng nghề nghiệp là 75:25. 

Một điểm đáng chú ý ở đây là trước khi sinh viên tham gia thực tập, các em đã được rèn luyện một cách cơ bản tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm của Nhà trường. 

Đây là mô hình mới, nhằm chuẩn bị về mặt kỹ thuật dạy học và giáo dục cho sinh viên, họ không chỉ làm chủ về phương tiện, phương pháp mà còn cả các kỹ năng ứng phó khác nhau đối với các tình huống dạy học và giáo dục.

Theo thầy, điều tạo nên thương hiệu và thu hút nhân tài của Đại học sư phạm Hà Nội là gì?

Thầy Nguyễn Văn Minh: Như đã nói ở trên, kiên định trong chất lượng và tìm hiểu kỹ càng yêu cầu thực tiễn của công việc là vấn đề Nhà trường đặt lên hàng đầu.

Trước những biểu hiện lệch lạc của giáo viên hiện nay trong việc giáo dục học trò, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những điều chỉnh như thế nào để các cô thầy giáo trong tương lai không vi phạm đạo đức, chuẩn mực nhà giáo?

Thầy Nguyễn Văn Minh: Trong mấy tháng vừa qua, tôi có đi công tác và đến một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; chứng kiến điều kiện của thầy cô ở đó, càng thấm thía những hi sinh và tận tụy của họ. 

Chúng ta có thể thấy rằng, hàng triệu thầy cô đang cố gắng làm tốt trọng trách của mình đối với thế hệ tương lai. Một bộ phận nhỏ vì nhiều lý do khác nhau đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo, thậm chí là vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trong nhiều năng lực đòi hỏi đối với thầy cô, năng lực làm chủ bản thân rất cần thiết.

Mặt khác, nghề giáo có đối tượng giáo dục trực tiếp là con người, mỗi con người là một thế giới, trong mối quan hệ đan xen; tâm sinh lý của từng lứa tuổi; các đối tượng phụ huynh khác nhau; các điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau…

Giáo sư Nguyễn Văn Minh: 80% sinh viên sư phạm Hà Nội có việc làm sau 1 năm ảnh 4"Chúng tôi tìm được cách để thầy cô có việc làm đúng chuyên ngành"

Vai trò, vị trí của nhà giáo cũng đã có những thay đổi, không còn là người độc tôn truyền bá tri thức mà là người tổ chức, đồng hành đối với học sinh; người tư vấn cho cả học sinh và phụ huynh…  

Vì vậy, định hình các giá trị cơ bản cho thầy cô tương lai hết sức quan trọng, đồng thời với nó là trang bị các kỹ năng cơ bản về giáo dục và ứng xử. 

Từ đó, họ vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Không có một biện pháp giáo dục vạn năng mà chỉ có những vấn đề cốt lõi và vì vậy đòi hỏi sự linh hoạt của thầy cô đối với từng đối tượng, trường hợp cụ thể. Giáo dục là cảm hóa và đòi hỏi lòng kiên trì. 

Vì vậy, ngoài phương pháp, năng lực làm chủ bản thâncủa thầy cô trước các hiện tượng rất cần thiết. Những vấn đề này đòi hỏi thầy cô phải có đam mê nghề nghiệp thực sự.

Tuy vậy, bản thân nhà trường, trong đó chủ yếu là thầy cô chỉ là điều kiện cận để giáo dục học sinh, nhưng chưa đủ. Gia đình và xã hội là môi trường kiểm chứng và bồi đắp những giá trị, chuẩn mực cho trẻ. Thiếu sự phối hợp, đồng hành này thì giáo dục rất khó thành công.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tư cách, đạo đức nhà giáo; vì vậy ngoài chú trọng chuyên môn, Đại học sư phạm Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao đạo đức cho sinh viên. 

Trước hết, đó là sự mẫu mực của thầy cô. Các hoạt động đoàn thể của Nhà trường luôn coi trọng nhiệm vụ này. Chúng tôi coi sự nêu gương và hành động thiết thực là bài học giá trị đối với sinh viên.

Thứ hai, ngay từ khi vào trường, trong tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên, những bài học thiết thực về nhà giáo và phẩm chất nhà giáo đã được đề cập.

Trong chương trình, những nền tảng về tâm lý học, giáo dục học được trang bị một cách căn bản và trong chương trình kiến tập, thực tập; chương trình nghiệp vụ; các chủ đề khác đều được chú trọng.

Chẳng hạn, công tác chủ nhiệm trong đó có cách giáo dục học sinh cá biệt, tư vấn học sinh, cách tiếp xúc với phụ huynh…

Xâu chuỗi các hình thức hoạt động nhằm giúp sinh viên đạt được các năng lực cơ bản đó là: năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực định hướng phát triển của học sinh, năng lực phát triển cộng đồng, năng lực làm chủ và phát triển bản thân.

Tuy nhiên, đây là những yêu cầu cơ bản, nhà trường cũng đã tạo ra môi trường trải nghiệm qua thực tập, kiến tập; nhưng để làm tốt mỗi một sinh viên khi ra trường phải không ngừng trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ thì hi vọng mới thỏa mãn yêu cầu thực tiễn.

Tôi cũng hi vọng các phương tiện truyền thông cũng có định hướng dư luận sao cho cái tốt được nhân lên và dần dần đẩy lùi cái xấu trong môi trường giáo dục. 

Trân trọng cảm ơn Thầy. 

Thùy Linh (thực hiện)