Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, hãy học để thành người tự do

01/12/2017 06:09
Lại Cường
(GDVN) - Chọn công việc an toàn trong cơ quan nhà nước hay công việc theo sở thích và mơ ước được nhiều các bạn học sinh trăn trở và chia sẻ với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Ngày 29/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trường Trung học Phổ thông Nam Khoái Châu (Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hơn 1.000 học sinh Trường trung học phổ thông Nam Khoái Châu đã cùng Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nhiều ước mơ, trăn trở của học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Buổi hội thảo càng thêm ý nghĩa khi ngôi trường ở “miền đất nhãn” kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận huân chương lao động hạng ba.

Với các em học sinh trường Trung học phổ thông Nam Khoái Châu, được trò chuyện với thầy Nguyễn Lân Dũng giúp nhiều em nhận thấy hành trang của mình trước ngưỡng cửa cuộc đời mình (Ảnh: Lại Cường)
Với các em học sinh trường Trung học phổ thông Nam Khoái Châu, được trò chuyện với thầy Nguyễn Lân Dũng giúp nhiều em nhận thấy hành trang của mình trước ngưỡng cửa cuộc đời mình (Ảnh: Lại Cường)

Những năm gần đây, Trường trung học phổ thông Nam Khoái Châu là một trong những đơn vị có thành tích tốt trong phong trào học tập của tỉnh Hưng Yên.

Tại cuộc hội thảo, thày và trò học sinh trường Nam Khoái Châu đã cùng Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dành 3 giờ đồng hồ để thảo luận.

Dù tuổi cao, sức khỏe có hạn chế nhưng với lòng nhiệt huyết, thầy và trò trường Nam Khoái Châu đã có buổi hội thảo, giao lưu đầy bổ ích.

Những câu chuyện kinh nghiệm từ chính cuộc đời làm khoa học, những kiến thức được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã định hình cho các em học sinh trường Nam Khoái Châu tâm thế và cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn trong đời sống của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 (4.0) và đã chỉ ra những cơ hội, thách thức mà thế hệ trẻ Việt Nam phải đối mặt.

Những câu chuyện về tấm gương học tập, quá trình nghiên cứu khoa học, tự học của chính bản thân thầy.

Đặc biệt những tấm gương vận dụng kiến thức khoa học vào trong sản xuất mà thầy đã trực tiếp tư vấn giúp đỡ, tư vấn đã rất thu hút các em học sinh.

Dù tuổi cao, sức khỏe còn hạn chế nhưng giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn dành 3 giờ đồng hồ liên tục để nói chuyện với các em học sinh trường Nam Khoái Châu (Ảnh Lại Cường)
Dù tuổi cao, sức khỏe còn hạn chế nhưng giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn dành 3 giờ đồng hồ liên tục để nói chuyện với các em học sinh trường Nam Khoái Châu (Ảnh Lại Cường)

Trong phần giao lưu, nhiều học sinh đã đặt ra cho Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng những câu hỏi hay, thể hiện sự trăn trở của học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Trường trung học phổ thông Nam Khoái Châu tuy là một ngôi trường trẻ nhưng thành tích về học tập của học sinh rất đáng tự hào.

Theo số liệu thống kê mới nhất của nhà trường, tỷ lệ học sinh có giấy báo học đại học, cao đẳng lên đến gần 90%.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, hãy học để thành người tự do ảnh 3Học trò lo lắng hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, làm sao để cháu không thất nghiệp?

Với con số cử nhân cao đẳng đại học thất nghiệp như hiện nay, nhiều em học sinh còn trăn trở.

Tuy nhiên, sau khi nghe buổi chia sẻ của giáo sư, các em đã xác định được hướng đi và quyết tâm hơn với ngành nghề mình lựa chọn.

Bạn Đào Quang Huy, học sinh lớp 12A1 cho biết, sau khi nghe thầy Nguyễn Lân Dũng nói chuyện, chia sẻ, bản thân em đã quyết tâm vào lựa chọn của mình.

Biết hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, Quang Huy tự tìm cho mình cơ hội bằng học tập. Thế nhưng, việc chọn lựa học ngành nào và học như thế nào để đảm bảo công việc sau này khiến Huy và gia đình rất trăn trở.

Sau buổi chuyện với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Huy đã tin tưởng hơn vào lựa chọn của mình. Em cho biết em sẽ quyết tâm theo ngành công nghệ phần mềm để theo đuổi giấc mơ của mình.

Không chỉ Huy, nhiều bạn học sinh của mình cũng đã chia sẻ giấc mơ học tập với thầy Nguyễn Lân Dũng.

Trong phần giao lưu, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ước mơ và trăn trở của mình trước toàn trường (Ảnh: Lại Cường)
Trong phần giao lưu, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ước mơ và trăn trở của mình trước toàn trường (Ảnh: Lại Cường)

Nhiều bạn học sinh như bạn Lê Đức Thiện, Đào Ngọc Chính còn chia sẻ băn khoăn việc mình sẽ lựa chọn thế nào giữa một công việc “ổn định, an toàn” để an nhàn với một công việc yêu thích và đam mê nhưng sẽ vô cùng khó khăn.

Vậy câu hỏi đặt ra, học để làm gì đã được đưa ra trong cuộc trò chuyện giữa thầy Nguyễn Lân Dũng và các học trò trường Nam Khoái Châu.

Khi đặt ra câu hỏi, nhiều em đã  đưa ra những câu trả lời gần như dập khuôn: Học để làm người, học để phát triển bản thân, học để có công ăn việc làm, học để sau này đỡ khổ, học để thi v.v.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã cho những lời khuyên cho các bạn trẻ. Giới trẻ phương Tây chọn cách học tập để thành người tự do, trong đó có tự do lựa chọn, tự do trở thành, tự do kiến tạo.

Ban giám hiệu nhà trường tặng hoa cám ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau buổi hội thảo (Ảnh: Lại Cường)
Ban giám hiệu nhà trường tặng hoa cám ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau buổi hội thảo (Ảnh: Lại Cường)

Nhiều bạn học sinh đã mạnh dạn bày tỏ hoàn cảnh gia đình trước toàn trường, mạnh dạn thừa nhận hạn chế của bản thân mình là quá mê phim nên thành tích học tập kém…

Buổi hội thảo thực sự trở thành một diễn đàn mở để các em chia sẻ những dự định mình còn đang ấp ủ bấy lâu.

Cuối buổi buổi hội thảo chuyên đề khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0, nhiều bạn học sinh đã cho biết, buổi hội thảo đã giúp các em chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng đón nhận và thích ứng với những chuyển đổi đang diễn ra dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.

Từ đó giúp các em sẽ chủ động hơn trong việc chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường và hình thức phù hợp để trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vượt qua thách thức và tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Lại Cường