Giáo sư Nguyễn Đình Hương góp ý, chương trình phổ thông chỉ cần 10 năm

27/12/2017 07:45
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng: giáo dục bậc tiểu học của nước ta cần được thực hiện trong sáu năm học, từ lớp 1 đến lớp 6.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và đã có nhiều đóng góp mang tư tưởng đột phá từ các chuyên gia nhằm đưa giáo dục nước ta tiệm cần hơn với xu thế giáo dục của thế giới.

Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) gửi đến Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (15/12) là một điển hình cho tinh thần đổi mới mạnh mẽ.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Hương thì bậc trung học phổ thông nên rút xuống còn 2 năm (ảnh minh họa - Trinh Phúc).
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Hương thì bậc trung học phổ thông nên rút xuống còn 2 năm (ảnh minh họa - Trinh Phúc).

Giáo sư Nguyễn Đình Hương cho rằng, Luật Giáo dục năm 2009 đến nay cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế trong điều kiện hội nhập.

Theo vị này, xu hướng trên thế giới thời gian đào tạo giáo dục đại học rút ngắn từ 3 đến 3,5 năm. Do vậy giáo dục phổ thông cũng cần điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, theo ý kiến của vị chuyên gia này, giáo dục bậc tiểu học của nước ta cần được thực hiện trong sáu năm học, từ lớp 1 đến lớp 6. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi.

Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong bốn năm, từ lớp 7 đến lớp 10.

Học sinh vào học lớp 7 phải hoàn thành chương trình tiểu học, có tuổi là 12 tuổi.

Trong khi đó, giáo dục trung học phổ thôngđược thực hiện trong hai năm, từ lớp 11 đến lớp 12.

Học sinh vào học lớp 11 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, có tuổi là 16 tuổi.

Giáo sư Nguyễn Đình Hương góp ý, chương trình phổ thông chỉ cần 10 năm ảnh 2Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời

Lý giải về ý kiến đóng góp của mình ông Nguyễn Đình Hương phân tích: “Việc điều chỉnh thời gian học các cấp là để phù hợp với lứa tuổi và chương trình phổ cập phổ thông.

Về cơ bản chương trình phổ cập 10 năm là hợp lý. Trong 10 năm các kiến thức cơ bản của phổ thông đã được trang bị đủ và học sinh vào tuổi 16, có thể chuyển sang học nghề và có thể học tiếp chương trình phổ thông để vào đại học.

Giáo dục phổ thông thực hiện trong hai năm chủ yếu để phân ban và học dự bị đại học.

Các môn học đại cương của đại học sẽ chuyển một số môn xuống học ở phổ thông.

Đây là điều kiện để rút thời gian đào tạo ở đại học như nhiều nước đã thực hiện”.

Ngoài ra Giáo sư Nguyễn Đình Hương còn góp ý: “Ngôn ngữ dùng trong nhà trường ngoài tiếng việt, tiếng dân tộc thiểu số cần khuyến khích, mở rộng dạy ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, đặc biệt là tiếng Anh, chương trình giảng dạy nên mở rộng học song ngữ.

Hệ thống giáo dục nước nhà có thể hội nhập thành công khi có chương trình dạy ngoại ngữ tốt. Cần đầu tư học ngoại ngữ tiếng Anh ngay từ giáo dục mầm non, tiểu học.

Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nên hướng tới chương trình sách giáo khoa quốc tế để học sinh có thể học song ngữ.

Đây là điều kiện để hệ thống giáo dục Việt Nam hội nhập khi chúng ta sử dụng các chương trình, sách giáo khoa phổ thông các nước tiên tiến”.

Giáo sư Nguyễn Đình Hương góp ý, chương trình phổ thông chỉ cần 10 năm ảnh 3Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật về giáo dục

Liên quan đến phân luồng học sinh, vị chuyên gia này có ý kiến: “Cần có chính sách phù hợp để thực hiện phân luồng học sinh sau khi học xong trung học cơ sở mười năm.

Sở dĩ thời gian qua chúng ta không phân luồng học sinh được vì trung học cơ sở 9 năm chưa được trang bị đủ kiến thức phổ thông và học sinh mới 15 tuổi chưa phải vị thành niên.

Do đó cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian và chương trình giáo dục phổ thông để thực hiện phân luồng sang giáo dục nghề nghiệp và rút ngắn thời gian giáo dục đại học”.

Một vấn đề thu hút ý kiến của nhiều chuyên gia đó là chất lượng đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng: “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cần có trình độ đại học hoặc cao hơn và có chế độ tiền lương theo trình độ đào tạo để khuyến khích giáo viên có trình độ giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học.

Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng cần có trình độ tối thiểu là đại học.

Giáo viên đại học cần có trình độ thạc sĩ trở lên và phần lớn được đào tạo nước ngoài thành thạo ngoại ngữ”.

Trinh Phúc