Giao kỳ thi về địa phương nhưng không được lơ là, buông lỏng

30/05/2020 06:10
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoan nghênh việc giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương nhưng để làm việc này thì không đơn giản bởi kỳ thi đòi hỏi an toàn, công bằng, minh bạch.

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 20/5 thì một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là các khâu coi thi, chấm thi sẽ không có sự tham gia của giảng viên đại học như những năm trước.

Công tác này được giao về cho các địa phương phụ trách.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay Bộ sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có sự giam gia của thanh tra các cấp. Cán bộ, giảng viên đại học không tham gia chấm thi, coi thi, nhưng Bộ cũng sẽ huy động những giảng viên có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác chấm thi tham gia thanh tra, kiểm tra tại địa phương.

Tuy nhiên, sau những vụ gian lận thi cử chấn động đã xảy ra, dư luận vẫn băn khoăn việc giao kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương tổ chức liệu có an toàn?

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam hoan nghênh việc giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương tuy nhiên để làm việc này đối với địa phương thì không đơn giản bởi kỳ thi đòi hỏi an toàn, công bằng và minh bạch.

Chính vì vậy, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có hướng dẫn chi tiết để địa phương thực hiện, không để xảy ra sai sót ở bất cứ khâu nào”.

Giáo sư Phạm Tất Dong (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Tất Dong (Ảnh: Thùy Linh)

Ngoài ra, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Chủ tỉnh ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cũng như lãnh đạo cốt cán của tỉnh/thành phố cần chỉ đạo để kỳ thi diễn ra tốt đẹp, không có sai sót. Địa phương nào làm sai thì rất tai tiếng và lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Bởi ai ai cũng mong sự công bằng trong thi cử, nhà nước cũng đòi hỏi kết quả kỳ thi chính xác để đánh giá được tài năng rồi đào tạo”.

Hơn nữa, thầy Dong cũng hi vọng dù năm nay các khâu coi thi, chấm thi sẽ không có sự tham gia của giảng viên đại học như những năm trước nhưng những cán bộ đi coi thi, chấm thi đừng mắc phải sai lầm như một số cán bộ ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang trong mùa thi quốc gia năm 2018.

Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các địa phương là hợp lý.

Đặc biệt, theo thầy Ngọc, vừa qua các địa phương trên cả nước đều theo dõi những phiên xét xử vụ án gian lận thi cử xảy ra vào năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La những ngày gần đây cho thấy pháp luật đã răn đe tuy nhiên ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 chúng ta không thể buông lỏng vì địa phương có rút ra bài học hay lại “giả câm, giả điếc”.

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc cho rằng, đã đến lúc người đứng đầu các địa phương phải đứng ra chịu trách nhiệm về kỳ thi này còn Bộ chỉ chịu trách nhiệm về phần quy chế, ra đề thi và thanh tra.

Những năm trước việc quy trách nhiệm này không rõ ràng nên cứ bên nọ nghĩ trách nhiệm của bên kia nên tiêu cực có chỗ hoành hành.

Thùy Linh