Giáo dục phổ thông Bộ chưa tập trung đánh giá người học mà đi xếp loại các tỉnh

20/08/2021 06:55
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở Việt Nam rất là sợ không phải đánh giá người học mà là để đánh giá các tập thể, tỉnh nào tốt, tỉnh nào kém.

Trong bài viết: “Xây dựng một ngân hàng đề thi chung, tại sao không", Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất xây dựng một kho đề thi chung cho cả nước. Từ ngân hàng đề thi này, các địa phương sẽ lấy từ đó để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá học sinh.

Đồng thời từ đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thống kê biểu đồ chất lượng của học sinh từng vùng miền và có những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Chia sẻ xung quanh vấn đề trên, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc đảm bảo chất lượng, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cho biết, bà hoàn toàn đồng ý việc ra một ngân hàng đề thi chung trên toàn quốc. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên là phải đào tạo được những người có kĩ thuật viết được những câu đúng chuyên môn, ước lượng được đề khó, dễ. Sau đó, chúng ta dùng kĩ thuật để lấy số liệu và thử nghiệm.

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh. (Ảnh: NVCC)

Trước quan điểm cho rằng, Bộ có thể làm ngân hàng đề thi từ giáo viên các tỉnh thành trên cả nước, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cho rằng, cách này là tập hợp ban đầu thì nhanh, nhưng việc ước lượng đánh giá tính khó dễ của đề lại sẽ vênh nhau.

“Cuối cùng, vẫn cần có ai đó phân loại, thử nghiệm, những bước sau này mới khó”, Tiến sĩ Phương Anh nói.

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cũng nhấn mạnh cần vai trò của nhà quản lý công tâm đứng ra chỉ đạo việc làm ngân hàng đề thi chung.

Nếu mà Bộ làm được việc này bằng tiền ngân sách tập hợp các trường, dùng ngân hàng đề thi đó mở cho bất cứ ai sử dụng và càng nhiều đơn vị sử dụng thì càng chính xác.

“Ví dụ nếu chỉ có Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thì sẽ có độ lệch về số liệu, nhưng nếu nhiều các tỉnh sử dụng thì số liệu càng chính xác. Số liệu cứ để công khai và không giấu.

Nhiều năm nay, việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì tôi chỉ nhìn thấy số liệu của Bộ công bố ra điểm chung toàn quốc, còn rất nhiều số liệu chưa cho biết... Tại sao vậy? Những cái đó có gì bí mật đâu? Nên cho mọi người nhìn thấy để tự phán đoán, nó sẽ giảm bớt cái mà bàn tán không chính xác”, Tiến sỹ Phương Anh nói.

Điều mà Tiến sỹ Phương Anh tỏ ra lo lắng khi thực hiện ngân hàng đề thi chung trên, là khi Bộ lại có đánh giá tỉnh này tốt hơn tỉnh kia, thì các tỉnh không thích, họ sẽ tìm cách để nâng thành tích.

“Ở Việt Nam rất là sợ không phải đánh giá người học mà là để đánh giá các tập thể, tỉnh nào tốt, tỉnh nào kém. Cứ cho kĩ thuật làm tốt hết thì các nơi nó sẽ không ai muốn bị mình thấp cả. Đề sẽ bị lộ ra không bằng cách này hay cách khác. Thế nào cũng có chuyện đó, thế làm sao không cho bị lộ, tôi nghĩ cái này khó hơn.

Nói chung có ý định làm ngân hàng đề thi chung là tốt, còn trong khi làm có bộc lộ ra cái gì thì mình sửa tiếp”, Tiến sỹ Phương Anh chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Phương Anh, ở nước Mỹ, có bộ phận chuyên môn trong Bộ Giáo dục tập hợp đề thi làm rất chuyên nghiệp và công khai. Sau đó, các trường lấy đề thi về sử dụng cho trường mình và không đem so sánh độ khó, dễ với nhau.

Tiếp đó, cơ quan quản lý nhà nước trả lại quyền cải thiện chất lượng cho các trường, khi trường này thấy điểm thi kém hơn trường kia thì họ sẽ cố gắng thay đổi.

Cùng quan điểm về vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay, bản thân ông cũng hoàn toàn đồng tình với việc thành lập ngân hàng đề thi chung.

Theo Tiến sỹ Chức, để làm được điều trên thì đội ngũ chuyên gia của Bộ phải có trình độ chất lượng chuyên môn cao.

“Vai trò quản lí của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục thì chất lượng phải cao, lương có thể cao, lương ăn lương hành chính nhà nước và đồng thời ăn lương trong công việc đó thì nó sẽ khác. Bên cạnh đó, đòi hỏi rất cao cả về phẩm chất và kiến thức sư phạm, kiến thức bộ môn”, Tiến sỹ Chức nói.

Tiến sỹ Chức lấy ví dụ để thành lập ngân hàng đề thi chung, mỗi địa phương làm khoảng 30 đề thi, sau đó Bộ duyệt xem có tính thống nhất hay không. Sau đó, đến kì thi thì Bộ tổ chức bốc thăm thì sẽ không "chệch choạc” được. Ngân hàng đề thi này khi đưa vào sử dụng thì sau 5 năm nên thay đổi để cho phù hợp".

Mạnh Đoàn