Giáo dục khai phóng là ước mơ của bất cứ dân tộc nào

11/05/2017 08:52
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, ở ta mô hình này còn chưa phổ biến nhưng bản chất của giáo dục đại học là khai phóng, sáng tạo tri thức dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED) thông tin, các nước phương Tây họ đã xác định việc thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ như triết lý giáo dục, như mục tiêu nhắm tới của nền giáo dục từ lâu, có lẽ là từ thế kỉ Ánh sáng (thế kỉ 18) đến nay. 

Đó là tư tưởng của các triết gia lớn như Rousseau, Kant, Condorcet và sau này là các nhà tư tưởng, các nhà thực hành giáo dục lớn chẳng hạn như Montessori, Piaget, Dewey, Freinet,...  

Tuy mỗi nhân vật có một đường hướng, nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt khác nhau, nhưng dường như người sau thừa hưởng những thành tựu của người trước và ai cũng nhấn mạnh đến tinh thần giáo dục khai phóng (Liberal Arts), hướng đến đào tạo mẫu người tự chủ, tự trị và phát triển toàn diện và tối ưu nhất. Nó phá vỡ cởi bỏ mọi khuôn mẫu của người học để họ đạt sự sáng tạo đỉnh cao. 

Có thể nói, giáo dục khai phóng là giấc mơ của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới, không riêng gì châu Âu. Thế nhưng mô hình này còn chưa phổ biến ở Việt Nam. 

Nhìn nhận điều này, Giáo sư Furuta Motoo – Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật đã khẳng định:

Phát triển xu hướng giáo dục khai phóng ở Việt Nam là một công việc không dễ dàng gì. Thế nhưng nếu nói Liberal Arts là khái niệm của phương Tây - xa lạ với các nước châu Á thì tôi tin không đúng. Trường đại học khai phóng thực chất là trường nâng cao dân trí một cách tổng cục”.

Giáo sư Furuta Motoo (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Furuta Motoo (Ảnh: Thùy Linh)

Và thực tế cho thấy, hiện nay khái niệm “giáo dục khai phóng” đã xuất hiện trong khẩu hiệu, triết lý giáo dục của một số trường đại học cả miền Bắc và miền Nam ở Việt Nam. 

Bàn về câu chuyện giáo dục khai phóng, Giáo sư Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở Việt Nam mô hình này còn chưa phổ biến nhưng bản chất của giáo dục đại học chính là khai phóng, sáng tạo tri thức dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Theo ông Giang, giáo dục đã có sự phân chia tương đối ra nhiều cấp bậc nhưng cơ bản vẫn là Tiểu học và Trung học cơ sở để trang bị kiến thức nền cho một công dân, Trung học phổ thông là trang bị nghề nghiệp, đối với sinh viên bước vào đại học và sau đại học thì họ tham gia vào quá trình nghiên cứu. 

Một trường đại học sẽ không thực sự là đại học nếu không có hoạt động nghiên cứu. Nếu trường đại học mà vẫn duy trì hình thức thầy đọc – trò chép thì vô cùng quan ngại.

Giáo sư Vũ Minh Giang (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Vũ Minh Giang (Ảnh: Thùy Linh)

Bên cạnh đó, ông Giang cũng khẳng định, tinh thần khai phóng không chỉ ở bậc đại học mà đâu đó trong nền giáo dục Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện. 

Cụ thể, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi căn bản từ việc tiếp cận kiến thức - để học sinh thụ động ghi chép, nghe thầy giảng sách giáo khoa sang nền giáo dục tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng và có trang bị kiến thức tối thiểu để làm người. 

Làm sao để Việt Nam có được giáo dục khai phóng?

Đánh giá về đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Giáo sư Furuta Motoo cho rằng, Việt Nam coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp mà tiêu biểu là các trường đại học đơn ngành tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, xã hội hiện nay thay đổi rất nhanh đặc biệt khi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc xây dựng kiến thức cốt lõi vững chắc là một yêu cầu rất quan trọng trong việc đào tạo của các trường đại học.

Giáo dục khai phóng là ước mơ của bất cứ dân tộc nào ảnh 3

Giáo dục là cuộc sống - Triết lý của John Dewey

Trong khi đó, Giáo sư Vũ Minh Giang thẳng thắn nhìn nhận, “việc phân luồng theo ban/khối ngay từ cấp 3 ở Việt Nam hiện nay đã làm "què quặt" cả hệ thống giáo dục”.

Và tai hại của việc phân luồng theo ban khối này là nếu học sinh thi trượt đại học thì trở thành công dân “què quặt” kiến thức cơ bản. Ví dụ, nếu một thí sinh chỉ học khối C để thi đại học thì có khi không hề biết gì Toán, Lý, Hóa và ngược lại.

Do vậy, theo ông Giang, muốn có được giáo dục khai phóng thì cần phá bỏ lối tư duy lối mòn học cấp 3 để thi vào đại học. 

Còn vị giáo sư Furuta Motoo thì cho rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống ham học. Đây là thế mạnh cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay nghiên cứu và đào tạo đôi khi tách biệt với nhau (nghiên cứu chủ yếu là công việc của các viện, đào tạo là của các trường) nhưng rõ ràng các trường nên kết hợp nghiên cứu và giáo dục - đào tạo nhất là khi chúng ta đang muốn xây dựng môi trường giáo dục mang tầm quốc tế.

Và vị giáo sư người Nhật này cũng cho rằng sinh viên hiện đại cũng cần thay đổi thói quen xin việc. Ở Việt Nam, sinh viên thường sẽ xin việc sau khi đã hoàn thành chương trình học.

Nhưng tại Nhật Bản, sinh viên sẽ tìm tới các nhà tuyển dụng 1 năm trước khi tốt nghiệp. Và họ thường được nhận vào làm ngay trước khi tốt nghiệp. Đây cũng là hướng đổi mới và cần thiết.

Thùy Linh