Giáo dục Đại học bây giờ phải giúp sinh viên trả lời bốn câu hỏi

17/03/2019 07:55
TẤN TÀI
(GDVN) - Phụ huynh không nên áp dụng những chính sách, định hướng giáo dục của mình có được cách đây 20 năm để làm định hướng cho con trong thời đại cách mạng 4.0.

Đó là chia sẻ các các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tại hội thảo: “Tương lai nào cho con” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức ngày 16/3.

Buổi hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ông Lê Đình Hiếu - Giám đốc chương trình Tài năng Talent Generation của UNESCO với hơn 10 năm phát triển giáo dục;

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại hội thảo, ảnh: Tấn Tài.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại hội thảo, ảnh: Tấn Tài.

Ông Nguyễn Văn Cần - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng cùng nhiều phụ huynh, sinh viên, học sinh cấp 3.

Không nên ép con theo lộ trình vạch sẵn

Mở đầu câu chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, thầy đã cùng với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều cuộc trò chuyện với học sinh tại nhiều trường học trên cả nước.

Các em học sinh đã rất hào hứng, lắng nghe và rút ra được nhiều bài học về cuộc sống, học tập và lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

Từ thực tế của cuộc sống gia đình mình, Giáo sư Dũng đã kể lại những câu chuyện mộc mạc nhưng đầy tính nhân văn, giáo dục về cách dạy con cái cách làm người, cách rèn luyện sức khỏe, cách ứng xử văn hóa…

Theo Giáo sư thì kỹ năng sống rất quan trọng. Việc rèn luyện kỹ năng sống là công việc thường xuyên của giáo viên, tạo ra đạo đức cho học sinh.

Giáo dục Đại học bây giờ phải giúp sinh viên trả lời bốn câu hỏi ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (58) - Ở lại thành phố hay về quê?

Nhưng trong quá trình rèn luyện đó, bố mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi thầy cô giáo chỉ có số ít thời gian ở trường với con.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái thành đạt và để đạt được điều đó thì phải định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ nhỏ.

Nhưng không nên áp đặt ép con đi theo lộ trình vạch sẵn hay thực hiện ước mơ còn dang dở của người lớn. Trước hết nên xem năng khiếu của con là gì, nguyện vọng gì để từ đó cùng con phát triển”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhắc lại câu chuyện về một cô nữ sinh đại học đã từ bỏ ngành ngân hàng của bố mẹ để đi theo con đường kinh doanh.

Bạn đã lập ra cửa hàng tàu hủ đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh và sau đó lập chuỗi tàu hủ Hương Sầu Riêng ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác.

“Các em phải biết rằng, mỗi đời người chỉ có khoảng 4.000 tuần lễ nên đừng để thời gian trôi qua một cách mù mờ, nhạt nhẽo. Nếu các em tự giác, tự xác định cuộc đời mình thì các em sẽ được hạnh phúc.

Trong nhiều buổi nói chuyện ở các trường, tôi luôn đặt ra một câu hỏi lớn là: học để làm gì? Các em trả lời học để vào đại học, học để bố mẹ bớt khổ...

Còn nước ngoài học sinh họ lại trả lời: học để làm con người tự do. Đó là tự do kiến tạo, tự do trong tư tưởng, tinh thần… Điều đó rất đáng suy nghĩ.

Trẻ em phải trưởng thành bằng con người của chính mình chứ không phải là bản sao của bố mẹ”.

Theo Giáo sư thì có tám loại hình trí thông minh và nhiệm vụ của cha mẹ là phát hiện trí thông minh của trẻ, nuôi dưỡng năng khiếu để con từ tin phát triển đúng hướng.

Có em có năng khiếu về ngôn ngữ, giao tiếp, có em lại thích vận động thể hình... Giáo sư cũng đưa ra những lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi định hướng tương lai cho con cái.

4 câu hỏi lớn cho sinh viên

Ông Lê Đình Hiếu - Giám đốc chương trình Tài năng Talent Generation của UNESCO với hơn 10 năm phát triển giáo dục là người từng được vinh danh là 1 trong 30 nhà lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam theo tạp chí Forbes Vietnam bình chọn năm 2016 cũng đã có những chia sẻ với phụ huynh, học sinh.

Giáo dục Đại học bây giờ phải giúp sinh viên trả lời bốn câu hỏi ảnh 3

Để có những đại học quốc tế dành cho người Việt

Chọn trường cho con, chọn ngành cho con, định hướng tương lai cho con... vẫn luôn là trăn trở lớn nhất trong mỗi gia đình.

Ông Hiếu đặt vấn đề:

“Với sự phát triển như vũ bảo của cuộc cách mạng 4.0, riêng với nhóm ngành y khoa thì trung bình 2 tháng lượng kiến thức y khoa tăng gấp đôi. Vậy nên không có trường nào có thể dạy đủ kiến thức cho sinh viên?

Cái đầu tiên tôi khuyên là những gì phụ huynh biết về giáo dục cách đây 20 năm thì hãy gác sang một bên. Chúng ta không thể áp dụng chính sách giáo dục từ 20 năm trước để định hướng cho con ngày hôm nay”.

Anh Hiếu tiếp tục câu chuyện, vậy cái gì cần thiết cho giáo dục đại học? Vô học đại học thì học cái gì là cần thiết? Đây là câu hỏi mà ngay đến nhiều trường đại học lớn vẫn đang trăn trở.

“Nếu như cách đây 50-100 năm thì giáo dục đại học ra đời là để chuẩn bị cho bạn cái nghề. Còn giáo dục đại học bây giờ phải giúp sinh viên trả lời cho được 4 câu hỏi sau đây.

Thứ nhất, để cho các em quyết định những gì cần biết. Dạy các em sự tự do, sự phán quyết để các em tự biết là mình cần cái gì. Giữa hằng hà sa số kiến thức thì cần biết cái gì?

Thứ hai là giữa những thứ em đã biết rồi thì cái gì là các em nên làm?

Thứ ba là trong số những thứ mình nên làm thì đâu là thứ có ích cho xã hội?

Và cuối cùng là trả lời cho được câu hỏi, đâu là những thứ làm cho mình cảm thấy hạnh phúc?”.

Ông Lê Đình Hiếu cho rằng, Trường Đại học phải giúp các em trả lời những câu hỏi này.

TẤN TÀI