Giáo án mẫu 5512 Ngữ văn 6 tăng giá đột biến sau Công văn 2613 của Bộ Giáo dục

04/07/2021 06:31
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu…Vụ Giáo dục trung học chủ trương soạn mỗi môn, mỗi khối 1 bộ giáo án theo hướng dẫn của Công văn số 5512 có lẽ đa phần giáo viên trên cả nước sẽ mua liền.

Câu chuyện giáo án đang “nóng” lên từng ngày trên các trang mạng xã hội của giáo viên kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH yêu cầu các nhà trường chỉ làm các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 ở lớp 6 trong năm học tới.

Nhiều thầy cô giáo có thâm niên trong việc kinh doanh giáo án đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và tung ra thị trường giáo án theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều giáo viên trên cả nước.

Chúng tôi chợt nghĩ, nếu…Vụ Giáo dục trung học chủ trương soạn mỗi môn, mỗi khối 1 bộ giáo án theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH có lẽ đa phần giáo viên trên cả nước sẽ đăng ký mua liền.

Vì dù sao nó cũng yên tâm về chất lượng, có giáo án này các trường cũng không thể bắt bẻ được những sai sót mà biết đâu giá thành lại…“mềm” hơn giá thị trường đang bán.

Giáo án Ngữ văn 6 theo Công văn 5512 đang được chào bán với giá 800 ngàn đồng/năm, ảnh chụp từ màn hình

Giáo án Ngữ văn 6 theo Công văn 5512 đang được chào bán với giá 800 ngàn đồng/năm,

ảnh chụp từ màn hình

Bộ chủ trương không ban hành giáo án mẫu

Trước những phản ánh của giáo viên về Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4 được hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 quá dài dòng, rườm rà nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH và yêu cầu chỉ thực hiện ở lớp 6 trong năm học tới.

Trước câu hỏi Bộ có ban hành giáo án mẫu hay không thì ngày 25/6/202, Báo Thanh niên đã dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học trả lời vấn đề này như sau:

Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ trường học. Việc trình bày giáo án thế nào do giáo viên quyết định nhưng mỗi bài học phải rõ về mục tiêu bài dạy; thiết bị dạy học; học liệu được sử dụng; tiến trình tổ chức hoạt động dạy học.

Khung kế hoạch bài dạy tại phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản để giáo viên tham khảo khi soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Khung kế hoạch bài dạy này không phải là mẫu giáo án, mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện, từ đó ra những yêu cầu, mục tiêu đúng, trúng vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh”. [1]

Từ những chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thì chúng tôi thấy rằng việc soạn các Kế hoạch bài dạy (giáo án) là để giáo viên quyết định miễn sao đáp ứng được các yêu cầu hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là được.

Nhưng, cũng tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì Bộ lại yêu cầu: “các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học….”.

Vì thế, giáo viên dạy khối 6 trong năm học tới đây sẽ phải soạn giáo án theo hướng dẫn tại Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4 là điều chắc chắn, không có gì bàn cãi nữa.

Giáo án môn Ngữ văn lớp 6 đang được rao bán 800 ngàn đồng và tiến tới sẽ là 1 triệu đồng/khối/năm

Từ nhiều năm qua, việc bán mua giáo án đã diễn ra công khai trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên theo từng bộ môn nhưng thường giá chỉ dao động vài trăm ngàn đồng/ khối/ năm. Thế nhưng, kể từ học kỳ II của năm học 2021-2022 thì giá giáo án theo Công văn 5512 đã được đẩy dần lên cao.

Đặc biệt, ngày 23/6 vừa qua, sau khi mà Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH thì những người bán giáo án trên mạng xã hội đã tập trung vào giáo án lớp 6. Trong đó, môn Ngữ văn là một trong số ít những môn có số tiết nhiều nhất/tuần nên giáo án cũng cao hơn các môn học khác.

Vì thế, hiện nay có rất nhiều nhóm giáo viên Ngữ văn đã lập ra với mục đích chính là bán giáo án và những nhóm này luôn có rất nhiều giáo viên tham gia. Chẳng hạn như nhóm Ngữ văn THCS hiện có 71 ngàn thành viên nên việc bán mua cũng tấp nập hơn nhiều những nhóm lập sau.

Trong nhóm này, có một số thành viên trở thành những người bán giáo án chuyên nghiệp. Hiện có những thành viên ngày nào cũng đăng tin rao bán giáo án Ngữ văn cấp trung học cơ sở.

Nhưng, có lẽ giáo án Ngữ văn 6 cho năm học tới đang được nhiều giáo viên quan tâm nhất, cần nhất nên thành viên này đang rao bán giáo bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo” với giá mỗi bộ là 800 ngàn đồng và thành viên này đã cho biết lộ trình tới đây sẽ tăng lên đến 1 triệu đồng/khối/ năm.

Chúng tôi tin việc bán giáo án của nhiều giáo viên trong các trang mạng xã hội sẽ phát đạt bởi nhu cầu của giáo viên hiện nay rất nhiều. Việc soạn giáo án theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian nên việc giáo viên bỏ tiền ra mua cũng là điều dễ hiểu.

Nhất là đối với những giáo viên bán giáo án có “uy tín” trong nhiều năm qua. Xét đến cùng, có cầu thì ắt có cung và việc kinh doanh này cũng là việc làm thêm chân chính của nhiều thầy cô giáo nhanh nhạy với chủ trương của ngành.

Nếu Vụ Giáo dục Trung học quyết giữ Công văn 5512, nên chăng Vụ biên soạn mỗi môn 1 bộ giáo án để bán cho giáo viên

Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ra đời có tác động trực tiếp tới giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong thời gian tới đây. Có điều, giáo viên 2 cấp học này đều chịu quản lý trực tiếp từ Phòng Giáo dục Trung học của các Sở Giáo dục và Vụ Giáo dục trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo suy nghĩ cá nhân của người viết bài này, nếu như bây giờ mà Vụ Giáo dục trung học mà chủ trương biên soạn mỗi môn 1 bộ giáo án bán cho giáo viên giống như một số thành viên trên các trang mạng xã hội thì có lẽ giáo viên sẽ nhanh chóng đặt hàng với Vụ Giáo dục trung học.

Bởi lẽ, những giáo án đang được bán trên các trang mạng xã hội không được kiểm định chất lượng và rất dễ bị tổ trưởng, ban giám hiệu nhà trường hoặc hội đồng bộ môn bắt bẻ khi thanh, kiểm tra hay thi giáo viên giỏi.

Nhưng, nếu như Vụ Giáo dục Trung học đứng ra biên soạn giáo án thì đây là cơ quan có đủ uy tín, thẩm quyền thì việc bắt bẻ của nhà trường hay hội đồng bộ môn sẽ không xảy ra. Nhất là các thầy cô trong Vụ Giáo dục Trung học đều là những người có uy tín, có học vị, học hàm cao nên có thể chất lượng giáo án cũng cao theo.

Hơn nữa, ở Vụ Giáo dục Trung học thì môn học nào cũng có người phụ trách, đảm nhiệm mà được sự giúp sức thêm của các chuyên viên bộ môn ở các Phòng Giáo dục Trung học của 63 Sở Giáo dục thì sản phẩm đó cực tốt và giá trị.

Có lẽ khi áp dụng soạn giáo án theo Công văn 5512 thì đằng nào phần lớn giáo viên dưới cơ sở cũng phải mua giáo án chứ mấy người tự soạn được mà mua ở đâu chẳng phải mua.

Vì vậy, nếu Vụ Trung học mà gỡ bí cho giáo viên bài toán khó này thì giáo viên sẽ biết ơn nhiều lắm và có lẽ họ sẽ sẵn sàng đặt mua- cho dù là giá có cao hơn giá thị trường hiện nay thì giáo án của Bộ cũng là giáo án chất lượng chứ không phải là những sản phẩm trôi nổi như trên mạng xã hội đang bán.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-khong-ban-hanh-giao-an-mau-1403855.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH