Giáo án điện tử tiết kiệm 175 tỷ đồng/năm, Bộ cần chỉ đạo mạnh các sở thực hiện

16/12/2020 06:26
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi thì mỗi năm nhà nước không phải chi hàng trăm tỉ đồng tiền giấy bút soạn bài và giải phóng được biết bao công sức cho giáo viên.

Bài viết Duyệt giáo án trên internet, giáo viên đỡ bao nhiêu công sức lẫn tiền bạc của tác giả Nguyễn Nguyên được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/12 vừa qua đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Chỉ sau 1 ngày đăng tải thì bài báo này đã có 23 nghìn lượt đọc trực tiếp trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngoài ra, còn rất nhiều trang dẫn nguồn, chia sẻ ở những diễn đàn giáo viên các cấp học.

Ảnh minh họa, chụp màn hình phóng sự trên VTV.vn.

Ảnh minh họa, chụp màn hình phóng sự trên VTV.vn.

Lãng phí- đó là điều mà ai cũng thấy từ nhiều năm qua nhưng đa phần các địa phương vẫn chưa dám thay đổi cho dù Bộ đã ban hành thông tư cho phép việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

Nhiều trường học vẫn máy móc kiểm tra, duyệt giáo án định kỳ hàng tháng, giáo viên vẫn phải in đều đều. Thế nhưng, trong thực tế giảng dạy trên lớp thì phần lớn giáo viên không sử dụng giáo án làm gì vì chương trình hiện nay đã thực hiện được gần 20 năm qua.

Duyệt giáo án trên mạng internet mỗi năm tiết kiệm bao nhiêu tiền?

Thực ra, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong ngành giáo dục thì mỗi năm cũng có thể tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng và chuyện giáo án của giáo viên là một ví dụ cụ thể.

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 1,3 triệu giáo viên đang công tác ở ngành giáo dục và thông thường giáo viên cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và các môn chuyên ở tiểu học thì luôn được phân công giảng dạy từ 2 khối lớp trở lên.

Vì thế, đa phần giáo viên sẽ có 2 giáo án chuyên môn, ngoài ra còn thêm giáo án ngoài giờ, hướng nghiệp (nếu chủ nhiệm) và vô vàn những kế hoạch khác.

Điều này cho thấy số lượng in ấn hàng tháng của giáo viên rất nhiều. Nhất là giáo viên những môn nhiều tiết như: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh... thì mỗi ngày dạy phải in hàng chục trang giáo án cho 2 khối lớp.

Những giáo viên có máy tính, máy in thì chi phí bớt đi một chút, còn những giáo viên không có máy in thì mỗi năm cũng mất vài trăm nghìn đồng cho chuyện in giáo án vì mỗi tờ giấy in hiện nay ở ngoài thị trường có giá trung bình khoảng 300-400 đồng.

Nếu ta lấy con số tròn là 1,3 triệu giáo viên thì số tiền hàng tháng nhà nước phải chi và tiền giáo viên bỏ ra chi phí cho chuyện giáo án là một con số không hề nhỏ chút nào.

Bởi, theo quy định hiện nay thì mỗi tháng, giáo viên được trả tiền tiền giấy bút soạn bài dao động từ 10-20 nghìn đồng (tùy từng trường, địa phương).

Vì thế, nếu lấy con số trung bình là mỗi tháng nhà nước chi tiền giấy bút soạn bài 15.000 đồng/ 1 giáo viên, đem nhân với 1,3 triệu giáo viên thì chúng ta sẽ có số tiền là 19.500.000.000 (mười chín tỉ, năm trăm triệu đồng).

Từ số tiền tạm tính hàng tháng mà nhà nước phải chi là 19.500.000.000 đồng x 9 tháng học sẽ ra số tiền là 175.500.000.000 đồng (một trăm bảy lăm tỉ năm trăm triệu đồng).

Và, đây chỉ là số tiền nhà nước phải chi hàng năm cho tiền giấy bút soạn bài nhưng trên thực tế nhiều môn học giáo viên phải in ấn số tiền hàng tháng nhiều hơn nữa.

Vì thế, giáo viên còn phải chi thêm tiền để in ấn nên con số 175.500.000.000 đồng chưa phải là con số cuối cùng cho chuyện chi tiền in giáo án.

Cho dù là số tiền hàng tháng giáo viên nhận được là 15 nghìn đồng thực ra không phải là lớn, nó chỉ tương đương với 1 ly cà phê hiện nay nhưng nếu cộng tổng số tiền giấy bút soạn bài phải chi từ ngân sách nhà nước cho giáo viên trên cả nước sẽ là một số tiền tương đối lớn.

Số tiền ấy nếu duyệt giáo án điện tử sẽ không bị mất đi một cách lãng phí và có thể sử dụng vào nhiều mục đích giáo dục khác thiết thực hơn.

Cái được của việc duyệt giáo án trên mạng internet

Trên cơ sở pháp lý là trong năm học này thì Bộ Giáo dục đã ban hành 2 thông tư, đó là: Thông tư Số 28/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường tiểu học; Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2020.

Từ những hướng dẫn này, các địa phương, các trường học có kế hoạch duyệt giáo án trên mạng internet cho giáo viên sẽ đem lại những thuận lợi cả việc quản lý và giải phóng cho giáo viên một phần công việc.

Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn không phải ngồi lật từng trang giáo án để đếm số tiết, đếm hoạt động trong từng bài dạy mà chỉ cần những lúc rảnh rỗi ở nhà mở máy tính ra đọc và duyệt cho giáo viên một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Giáo viên không phải in ấn, không phải lưu giữ, cất giữ cẩn thận suốt cả năm học để khi có kế hoạch là mang vào trường nộp. Mỗi năm không mất mấy trăm ngàn đồng để rồi cuối năm bán được vài ngàn đồng phế liệu.

Thời gian mà cán bộ quản lý ngồi lật dở từng trang giáo án, giáo viên thì ngồi in ấn, kẹp vào sổ giáo án ấy có thể tận dụng để làm những việc khác có ý nghĩa hơn cho lớp, cho trường.

Việc nộp giáo án qua mạng internet sẽ được lưu giữ hàng năm. Nếu cần chỉnh sửa, bổ sung giáo án thì nhà trường chỉ cần cài đặt vài chức năng cần thiết là giáo viên có thể bổ sung vào những cái mới, bỏ đi những hoạt động, những chi tiết không còn phù hợp.

Chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi thì mỗi năm nhà nước không phải chi hàng trăm tỉ đồng tiền giấy bút soạn bài và giải phóng được biết bao công sức cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các nhà trường.

Chỉ tiếc, đa phần giáo viên, cán bộ quản lý ở các nhà trường đều có thể sử dụng được máy tính, mạng internet và nhiều phần mềm khác nhau nhưng lại chưa thể tận dụng lợi thế này vào những công việc hàng ngày của mình!

NGUYỄN NGUYÊN