Giảng viên trường Sư phạm Mầm non chọn đường đi khó để giáo dục sinh viên

22/04/2021 06:50
Minh Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Phương chấp nhận đường đi khó, vất vả để truyền cảm hứng cho sinh viên - những giáo viên mầm non tương lai yêu nghề, sẵn sàng đổi mới để phù hợp với công việc.

Đại sứ E-learning 2019

Cô Nguyễn Thị Phương ( sinh năm 1983), chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft, đồng thời là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội) được biết đến là một trong những giảng viên có nhiều đóng góp trong quá trình dạy và học tại trường.

Trong quá trình dạy học, cô luôn tìm tòi và nghiên cứu những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới để có thể lồng ghép nội dung thiết thực vào bài giảng tin học của mình, làm cho bài giảng trở nên mới lạ và thú vị hơn.

Với lòng đam mê và sự nhiệt huyết của mình, năm 2019 cô Phương đã xuất sắc vượt qua hơn 2000 tác phẩm để giành giải nhất trong cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ E-Learning Việt Nam” cùng dự án “Xây dựng Bài giảng E-Learning dành cho học sinh khiếm thính của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương”.

Thành công đó đã giúp cô trở thành đại sứ E- learning năm 2019.

Do dạy học tại môi trường có cả học sinh khiếm thính, hiểu được khó khăn, vất vả của các bạn nên cô luôn có mong ước đóng góp tạo nên những tư liệu, bài giảng để giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập.

Cô Nguyễn Thị Phương cùng dự án “Tăng cường năng lực giảng dạy kĩ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Phương cùng dự án “Tăng cường năng lực giảng dạy kĩ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”. Ảnh: NVCC

“Tôi cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận ngôn ngữ kí hiệu, chỉ biết về ngôn ngữ kí hiệu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, còn ngôn ngữ đời thường phải học tập từ chính các bạn học sinh.

Bình thường tôi sẽ lên lớp khiếm thính, học cách giao tiếp của các bạn, xem các bạn nói chuyện và nhờ các bạn dạy lại một số kí hiệu cho mình.

Ngoài ra, tôi cũng tìm đến sự giúp đỡ của thầy Đỗ Thanh Sơn, thầy là người dạy ngôn ngữ điếc cho học sinh và giáo viên của trường. Nhờ thầy mà mình cũng học hỏi nhiều hơn về ngôn ngữ và cách giao tiếp của các bạn”, cô Phương tâm sự

Tuy gặp khó khăn nhưng cô Phương cảm thấy rất vui khi dự án của mình được nhiều bạn học sinh đón nhận, các bạn hoàn toàn cảm thấy mới lạ và thích thú khi được tiếp cận với bài giảng. Hiệu quả tiết học cũng được tăng lên đáng kể khi dự án của cô được đưa vào giảng dạy.

Không chỉ vậy, cũng với dự án đấy, cô Nguyễn Thị Phương đã đạt giải Nhì tại cuộc thi của trường kết hợp với trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập (RCI) - Cuộc thi sáng kiến "Đồng hành cùng trẻ khuyết tật đến trường".

Hành trình giới thiệu dự án sáng tạo đến với quốc tế

Khoảng đầu tháng 8/2019, khi đọc hàng loạt bài báo với nội dung giáo viên mầm non dạy cho trẻ kĩ năng phòng tránh bỏng, thoát hiểm nhưng lại làm trẻ bị bỏng, điều này đã gây chấn động trong suy nghĩ của Phương.

Cô nhận ra rằng giáo viên mầm non vẫn chưa thực sự tìm hiểu sâu về lĩnh vực này, mặc dù đây là điều vô cùng cần thiết đối với trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, thay vì bài giảng về công nghệ thông tin đơn thuần, cô muốn gắn nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ vào việc dạy học, bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và dễ gặp rủi ro thương tích về thể chất lẫn tinh thần.

Hơn nữa, việc đưa nội dung này vào lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ giúp cho giáo viên mầm non tích lũy được kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với suy nghĩ như vậy, cô bắt đầu lên kế hoạch thực hiện dự án “Tăng cường năng lực giảng dạy kĩ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”.

Dự án bao gồm những bộ giáo án, bài giảng, video...về giáo dục kĩ năng sống cho trẻ được nhóm sinh viên và giáo viên trong trường cùng nhau lên ý tưởng và thực hiện.

Do không phải giáo viên chuyên sâu về mầm non, cô Phương đã đến tìm giáo viên khoa mầm non để biết thêm về tư liệu, bài giảng về kỹ năng sống, do vậy cô mới lên lớp được.

Từ những tư liệu và kiến thức chuyên ngành của mình, cô đã tạo ra được gần 30 video để cho các bạn sinh viên có thể tự học tại nhà khi không có tiết.

Giảng viên Nguyễn Thị Phương trong ngày nhận giải nhất trong cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ E-Learning Việt nam” năm 2019

Giảng viên Nguyễn Thị Phương trong ngày nhận giải nhất trong cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ E-Learning Việt nam” năm 2019

Dự án có sự tham gia đóng góp của các giảng viên khoa giáo dục mầm non và khoa công nghệ thông tin của trường, ngoài ra những bài giảng của dự án được lên ý tưởng bởi chính các bạn sinh viên.

Trong quá trình dạy, cô Phương sẽ chia sinh viên thành nhiều nhóm và mỗi nhóm sẽ có một nhiệm vụ khác nhau: phỏng vấn, thiết kế, nhóm chuyên gia...

Quá trình đấy cũng tạo nên rất nhiều tình huống dở khóc dở cười, cô Phương chia sẻ: “Khi phân công để các sinh viên đi phỏng vấn, do tôi muốn phỏng vấn đối tượng thật đa dạng nên sinh viên đã phỏng vấn rất nhiều các bạn học sinh, học sinh trong trường, ngoài trường, học sinh của chính các bạn sinh viên và học sinh các cấp nữa.

Có một lần các bạn đã phỏng vấn nhầm cho một học sinh điếc, sau một hồi mà cả hai bên vẫn không hiểu nhau cho đến khi bạn ý sử dụng ngôn ngữ kí hiệu.

Các bạn sinh viên lúc đấy mới hoảng lên do đã quay video lại hết rồi, sau đó mới gọi mình để xin giúp đỡ. Mà tôi thì không quá am hiểu nên đã lại gọi cho một cô giáo dạy ngôn ngữ điếc xuống để hoàn thành cuộc phỏng vấn.

Tuy mất thời gian khá lâu nhưng may mắn là cuộc phỏng vấn đã thành công. Bên cạnh đó, bạn học sinh điếc sau khi nghe về dự án cũng tỏ ra rất thích thú và mong được tìm hiểu thêm về kĩ năng sống, đây cũng là cách đưa dự án đến nhiều đối tượng, bản thân tôi cũng rất vui khi có thể giúp đỡ được các bạn”

Vào thời gian bắt đầu làm kế hoạch “Tăng cường năng lực giảng dạy kĩ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”, cùng lúc cô cũng dần hoàn thiện dự án E-learning.

Thời điểm đó cô Phương đã phải song song thực hiện 2 dự án cùng một lúc, bên cạnh là những bài giảng, chấm coi thi trên lớp nên công việc trở nên rất bận rộn.

Cô Nguyễn Thị Phương cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án:

“Để được như hiện nay, tôi đã hi sinh khá nhiều về tinh thần, về thời gian cho chính bản thân, đặc biệt là thời gian cho gia đình.

Cũng may chồng là một người tâm lý, hiểu được rằng mình thực sự có đam mê với dự án này nên giúp đỡ mình rất nhiều, riêng mẹ tôi khi nghe tin đã lập tức lên Hà Nội để có thể chăm sóc, bồi bổ ròng rã 1 tháng”.

Cuối năm 2019, được sự ủng hộ của nhà trường và gia đình, cô đã mang dự án tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” và đã thành công khi lọt top 50 quốc gia, hiện tại dự án này đang được phát triển và đã được đăng kí để thi quốc tế với cuộc thi “Giáo viên sáng tạo toàn cầu” và đang chờ kết quả.

Sau 15 tháng thực hiện dự án với hơn 150 thành viên tham gia, cô Nguyễn Thị Phương cùng các giáo viên và sinh viên đã thành lập 1 website với 2 phiên bản: Tiếng Anh và Tiếng Việt nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng tại nhiều quốc gia khác nhau.

Hiện tại kho học liệu bao gồm 12 bộ tư liệu, mỗi bộ gồm có giáo án, bài giảng, tranh ảnh, bài thơ, bài hát, poster, tạp chí ,các bức tranh, bài hát, bài thơ, vè, video, vở kịch, các sản phẩm như quyển lịch, thiệp tết, móc khóa ảnh về kĩ năng sống đã được đưa lên. Người xem có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, kho học liệu này đã được chia sẻ rộng rãi tới 3 trường Mầm non thực hành của trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, hội nhóm cộng đồng giáo viên, tổ chức kết nối lớp học mầm non tại Yên Bái, Đà Lạt, Lào Cai, Đà Nẵng và các nước Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka.

Cô Phương cũng đưa những tài liệu dạy học lên trang Youtube cá nhân của mình, hiện đã có gần 2000 lượt đăng ký, trên kênh có khoảng 100 video đã được chia sẻ, có những video đã nhận được hơn 22000 lượt xem.

Việc áp dụng công nghệ khoa học trong dạy học hiện nay rất thiết thực, giúp cho bài giảng hiệu quả và sinh động hơn.

Phương thức đổi mới trong việc dạy học của cô Nguyễn Thị Phương đang ngày được nhiều giáo viên, học sinh đón nhận và tạo được thành công lớn. Giống như câu nói của Robert Frost: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”.

Minh Thu