Giảng viên 9X từ cử nhân được học thẳng lên Tiến sĩ

17/03/2022 06:48
Hoàng Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước khi nhận học bổng Tiến sĩ, Giang từng đạt giải nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019.

Với những thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc, Trần Thị Châu Giang - giảng viên trợ giảng Khoa Thống kê Tin học (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đã giành được học bổng Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Trường Đại học Chung-Ang (Seoul, Hàn Quốc).

Ước mơ làm nghề giáo

Là cựu sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS) thuộc Khoa Thống kê - Tin học của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Giang đã ấp ủ mong muốn được trở thành giảng viên.

Nữ giảng viên trẻ của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng luôn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Nữ giảng viên trẻ của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng luôn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Bên cạnh việc học tập, Giang dành nhiều thời gian đến thư viện, tìm hiểu các công trình nghiên cứu khoa học của những thầy cô, các chuyên gia.

Năm 2019, Châu Giang chính thức tham gia nghiên cứu khoa học và bước đầu gặt hái được những kết quả ngoài mong đợi.

Đó là giải nhất cấp Khoa, giải nhất cấp Trường, giải Ba cấp thành phố Đà Nẵng, giải Khuyến khích cấp Bộ, và giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019…

Những tấm bằng khen, những tấm huy chương ấy đã góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh năm cuối.

Sau khi tốt nghiệp, Giang được nhà trường giữ lại để tiếp tục đào tạo, làm công tác giảng dạy. “Ngày được nhận ở lại trường công tác mình rất vui và hạnh phúc. Để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng, mình quyết định học tiếp để hàm thụ kiến thức chuyên ngành.

Do đó, mình chọn học chương trình cử nhân lên thẳng Tiến sĩ để có nhiều thời gian làm quen cũng như bổ sung một số môn chuyên ngành sao cho thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu”.

Giang cho biết thêm, thông thường sau khi tốt nghiệp Cử nhân, người học sẽ trải qua bậc Thạc sĩ rồi mới học lên Tiến sĩ. Nhưng nhiều đại học trên thế giới cho phép người học được học thẳng lên Tiến sĩ nếu có đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà trường.

Chia sẻ về suất học bổng Tiến sĩ danh giá tại Trường Đại học Chung-Ang, Giang nói mình đã may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ với các giáo sư đầu ngành về khoa học máy tính tại một buổi hội thảo hồi năm 2019.

Sau buổi gặp gỡ ấy, Giang bắt đầu chuẩn bị hồ sơ để xét học bổng và vận may đã mỉm cười với nữ giảng viên 9X khi Trường Đại học Chung-Ang gửi thư mời nhập học.

Từ ngày tốt nghiệp Đại học thì mình đã chuẩn bị cho nghiên cứu sinh và nhận được học bổng rất nhanh chóng, điều này khiến mình thật bất ngờ, hạnh phúc và quá đỗi vui mừng”, Giang vui vẻ nói.

25 tuổi học Tiến sĩ không là quá sớm

Giang cũng chia sẻ thêm rằng, học bổng này có ý nghĩa rấ lớn đối với bản thân, bởi nó đã chắp cánh cho ước mơ được bay xa hơn để học tập và mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Với Giang, đây là bước ngoặt lớn đầy thú vị và thách thức.

“Cũng có những chông gai, thách thức nhưng bố mẹ Giang luôn là người đứng sau ủng hộ tinh thần cho mình, đó là động lực rất lớn lao”, Giang nói.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, ở tuổi 25 học Tiến sĩ là quá sớm, nhưng theo Giang thì tùy từng trường hợp và mục đích học của các bạn.

"Học Tiến sĩ sớm hay muộn nó đều có cái hay riêng. Nếu làm nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp Đại học thì việc học sẽ được liền mạch hơn. Tuổi đời còn trẻ, mình có nhiều thời gian để trải nghiệm hơn.

Tuy nhiên, bù lại mình sẽ thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế hơn so với các anh chị đã ra trường công tác. Về kinh nghiệm giành các suất học bổng thì các bạn cần chuẩn bị cho mình một profile thật tốt, đặc biệt là ngoại ngữ”, Giang cho biết.

Trong hành trình đến với khoa học cũng như giành được học bổng, Giang luôn muốn gửi lời cảm ơn đến Phó Giáo sư Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là người tạo cầu nối, giới thiệu cho Giang được gặp gỡ với các Giáo sư.

Từ đó, tiếp thêm động lực và niềm đam mê cho nữ giảng viên trẻ trên con đường chinh phục những thử thách trong khoa học.

Hiện tại, Giang tập trung sức lực để vào hoàn thành đề tài nghiên cứu, sau đó, Giang sẽ quay trở lại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng để làm công tác giảng dạy. Mục tiêu xa hơn, Giang sẽ nghiên cứu nhiều vấn đề khác rộng hơn, mới mẻ hơn để góp phần vào nền học thuật nước nhà.

Hoàng Phương