“Giảm tải" như Công văn 4040, kiến thức không còn liền mạch

13/10/2021 06:46
Tùng Dương (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuối năm nay hoặc sang năm sau hết dịch, Bộ có điều chỉnh lại không? Sự điều chỉnh đó có gây ra hiện tượng “no dồn đói góp” với học sinh khi các em lên lớp trên?

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4040 ngày 16/9/2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2021-2022. Tuy nhiên, khi thực hiện kế hoạch giảng dạy theo Công văn 4040, rất nhiều nhà trường và giáo viên đã có ý kiến trái chiều về cụm từ “Tự học” và “Tự đọc” được hướng dẫn trong công văn.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Túc nói: “Thứ nhất, thời điểm ra công văn không hợp lý bởi các trường đã vào học được 3 tuần, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp từ trước ngày khai giảng, cả nước lên kế hoạch dạy học xong rồi mới có công văn điều chỉnh đã gây quá nhiều vất vả tốn kém về thời gian, công sức của các giáo viên trong việc thay đổi kế hoạch dạy học. Điều này có thể gây ức chế, gây cảm giác bất lực, coi thường giáo viên và học sinh.

Thứ hai: Nội dung giảm tải thiếu khoa học, tùy tiện cắt xén và “xé nát” sách giáo khoa. Không thể để học sinh tự đọc, tự học những bài đầu của của mỗi phần bởi kiến thức ở mỗi phần học đều có sự logic, không nên giảm tải những bài quan trọng có liên quan và ảnh hưởng đến cả phần học trong chương trình chung, như vậy là coi thường nền giáo dục”.

Thầy Túc nhận định: “Những bài đầu mỗi phần, mỗi chương nếu để học sinh tự đọc, tự học có hướng dẫn thì đây là một sai lầm rất lớn về chuyên môn". Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Túc nhận định: “Những bài đầu mỗi phần, mỗi chương nếu để học sinh tự đọc, tự học có hướng dẫn thì đây là một sai lầm rất lớn về chuyên môn". Ảnh: Tùng Dương.

Học sinh rất cần kiến thức, tại sao lại giảm tải?

Theo thầy Túc: “Phần động học chất điểm của lớp 10, việc xác định thời gian và hệ quy chiếu là đặc biệt cần hiểu bản chất, cũng như cần trang bị để học tập và nghiên cứu cả phần. Học sinh rất cần kinh nghiệm, kiến thức và sự sáng tạo của giáo viên về nội dung này, tại sao lại giảm tải?

Đây là nội dung rất quan trọng, cần phải dạy kỹ để các em biết những lợi ích mà nó đem lại cho việc nghiên cứu lý thuyết, cũng như ứng dụng lớn lao của nó trong Khoa học kĩ thuật và đời sống.

Việc chọn hệ quy chiếu sao cho hợp lý là rất quan trọng, và nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiện tượng tự nhiên. Có rất nhiều bài toán thực tế đặt ra, nếu ta chọn hệ quy chiếu hợp lý thì kết quả ra rất nhanh mà hầu như không phải tính toán nhiều.

Ví dụ: Một ca nô đang ngược dòng sông thì gặp một chiếc bè đang trôi lúc 9h00. Một giờ sau khi gặp bè, ca nô quay lại với tốc độ như lúc ngược dòng (so với dòng chảy). Hỏi, ca nô gặp lại bè lúc mấy giờ? Không ít giáo viên và học sinh đã dùng công thức cộng vận tốc và tính toán dài dòng nhưng thực tế nếu chọn vật mốc là dòng nước thì bè đứng yên và từ lúc ca nô gặp bè lần 1 đến lúc quay đầu là bao lâu thì để gặp lại bè lần 2 cũng mất đúng bấy nhiêu thời gian.

Vậy, việc cần phân tích kỹ về hệ quy chiếu cho học sinh vừa chuyển từ cấp Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông là vô cùng cần thiết và không thể để học sinh tự học. Nếu điều này bị hiểu sai lệch, không những toàn bộ phần học sẽ không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng lâu dài đến cấp học cao hơn.

Đều có học thuyết mở đầu mỗi lĩnh vực, đó là sợi chỉ xuyên suốt cả một lĩnh vực mà hầu hết các hiện tượng được học trong lĩnh vực đó đều được lý giải bởi học thuyết đó, và nó không hẹp như một định luật.

Ví dụ: Học về điện thì cần thấu đáo thuyết điện tử trước khi học điện. Học về nhiệt thì cần thấu đáo thuyết động học phân tử … Có thể nói, nếu không có nhiều thời gian học cả lĩnh vực đó thì chỉ cần phân tích thấu đáo cho học sinh học thuyết về lĩnh vực đó rồi hướng dẫn các em tự đọc, tự học cũng đã rất hiệu quả.

Vì vậy, những bài đầu mỗi phần, mỗi chương nếu để học sinh tự đọc, tự học có hướng dẫn thì đây là một sai lầm rất lớn về chuyên môn, trong hướng dẫn giảm tải này, tôi thấy tất cả những bài quan trọng đầu mỗi phần, mỗi chương đều bị cắt giảm”.

Thầy Túc khẳng định: “ Chương trình vật lý cấp Trung học phổ thông là một chỉnh thể được chắp bút bởi nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà Vật lý có uy tín, lâu năm trong lĩnh vực trồng người.

Tuy có đôi chỗ còn thiếu sót về mặt khoa học nhưng về mặt chỉnh thể chương trình có tính cân đối và logic rất cao. Đặc biệt có nhiều nội dung kiến thức được xây dựng theo dạng móc xích, dùng kiến thức bài trước để làm tiền đề cho kiến thức bài sau. Nếu cắt bỏ tự đọc, tự học bài trước thì học sinh không hiểu thấu đáo kiến thức, dẫn đến kiến thức bài được giữ lại không thể nào được xây dựng logic và chuẩn mực nhất.

Trong chương trình Vật lí lớp 10, kiến thức về ba định luật Newton và các lực cơ học là cốt lõi của phần cơ, cần có sự hiểu biết thấu đáo để làm nền tảng học tập, nghiên cứu môn Vật lý ở các cấp học cao hơn, cũng như vận dụng rất quan trọng vào thực tiễn cuộc sống, vậy mà cả chương để tự học”.

Hướng dẫn thay thế thí nghiệm thực hành bằng thí nghiệm ảo

Thầy Túc cho biết: “Việc dạy “chay” đang diễn ra trên cả nước gây tổn thất vô hình mất mát hiền tài không thể tính được. Trên cả nước vẫn còn nhiều tỉnh thành học trực tiếp và hơn nữa rất nhiều trường giáo viên vẫn đến trường để dạy online thì việc hướng dẫn này thật sự vô lý.

Vấn đề thay thế thí nghiệm thật bằng thí nghiệm ảo đã cho thấy sự yếu kém về mặt lý luận dạy học của các chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả sinh viên năm cuối chuyên ngành “lý luận dạy học và phương pháp giảng dạy Vật lí” ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều được dạy rằng không thể dùng thí nghiệm ảo để thay thế hoàn toàn cho thí nghiệm thực được.

Thí nghiệm ảo có ưu điểm tiện dụng, nhanh chóng, đẹp nhưng có một thứ khiến nó không thể thay thế được cho thí nghiệm thật, đó là “sự thật chân lý”. Thông qua thí nghiệm ảo học sinh có thể nhanh chóng đưa ra các kết luận và kết quả mà giới khoa học phải mất hàng chục năm nghiên cứu.

Nhưng nếu học sinh hỏi giáo viên rằng liệu những kết quả “ảo” và “đẹp” đó có phải là do các lập trình viên viết ra, và trong thực tế hiện tượng không diễn ra như vậy. Giáo viên sẽ giải thích thế nào đối với học sinh? Nếu bài học đầu tiên học sinh đã không có niềm tin vào kiến thức và khoa học, thì liệu rằng sau này niềm tin của học sinh với khoa học ở các bài học, thí nghiệm ảo tiếp theo sẽ còn lại bao nhiêu?”.

Theo thầy Túc: "Tất cả sinh viên năm cuối chuyên ngành “lý luận dạy học và phương pháp giảng dạy Vật lí” ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều được dạy rằng không thể dùng thí nghiệm ảo để thay thế hoàn toàn cho thí nghiệm thực được". Ảnh: Tùng Dương.
Theo thầy Túc: "Tất cả sinh viên năm cuối chuyên ngành “lý luận dạy học và phương pháp giảng dạy Vật lí” ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều được dạy rằng không thể dùng thí nghiệm ảo để thay thế hoàn toàn cho thí nghiệm thực được". Ảnh: Tùng Dương.

Không kiểm tra, đánh giá định kì …

Thầy Túc chia sẻ: “Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.Theo tôi đây là vấn đề gây nhức nhối và bức xúc nhất.

Kiểm tra đánh giá là một quá trình tất yếu và cần thiết trong quá trình học tập hiện tại của nước ta. Những phần nào có kiểm tra đánh giá thì học sinh học rất nghiêm túc, đặc biệt những nội dung có trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học thì các em học chăm chỉ.

Việc không kiểm tra, đánh giá sẽ dẫn đến sự lười biếng của một bộ phận không nhỏ học sinh, bỏ qua kiến thức dẫn đến nhiều lỗ hổng phải bù đắp trong các năm học tiếp theo. Nếu không kiểm tra thì lấy gì đảm bảo việc kiểm soát chất lượng những phần học sinh tự học và tự đọc?

Bỏ những nội dung không dạy làm cho đề thi chỉ còn những câu hỏi nêu công thức, tính toán áp dụng thay số đơn giản. Những nội dung về lập luận và giải thích hiện tượng sẽ hầu như không thể thực hiện được. Như vậy tôi xin khẳng định Bộ đang ép giáo viên Vật lý dạy học “vẹt” mà không hiểu bản chất.

Loại bỏ một số nội dung trong chương trình học lớp 12 là một việc làm vô nghĩa và không cần thiết, bởi có nhiều nội dung học sinh vẫn phải học và làm trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Việc bỏ không kiểm tra ở nhà trường chẳng có nghĩa lý gì với những mục đấy.

Tôi chắc chắn phụ huynh và học sinh phải tìm đường “thoát” bằng cách đi học thêm. Như vậy càng gia tăng áp lực bên ngoài giờ học cho học sinh, khuyến khích ngành công nghiệp luyện “gà”.

Thầy Túc chia sẻ thêm: “Giảm tải bài sai số của phép đo các đại lượng Vật lí là sai lầm lớn nhất, cả phần Trung học phổ thông chỉ có một bài duy nhất để giáo viên và học sinh có được kiến thức vô cùng quan trọng cho việc học Vật lí, tại sao lại giảm tải? Việc để học sinh tự học có hướng dẫn và không kiểm tra thì coi như bỏ, như vậy việc học Vật lí của cả nước coi như học thuộc lòng, chỉ để đối phó với bài thi ”.

Thầy Túc nhận định: “Những điều nêu trên đều tác động tiêu cực đến năm học này, vậy còn những năm học sau thì sao? Rõ ràng là việc xây dựng kiến thức không “ngay ngắn” và thiếu logic sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tư duy và năng lực của học sinh trong môn học này.

Trong các năm học tiếp theo, việc phá hỏng tư duy này sẽ ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, khi tư duy và năng lực mới là thứ mà lý luận dạy học hiện đại muốn học sinh có được, chứ không phải học thuộc lòng kiến thức một cách vô hồn và không biết áp dụng vào thực tiễn.

Nếu như cuối năm nay hoặc sang năm sau hết dịch, liệu Bộ có điều chỉnh lại không? Và liệu rằng sự điều chỉnh có gây ra hiện tượng “no dồn đói góp”. Học sinh lớp 10 trong các năm tiếp theo khi lên lớp 11, 12 liệu có học tập bình thường được hay không?”.

Tùng Dương (ghi)