Giám đốc Sở GD Nam Định: phụ huynh rất cảm tính khi nói về chất lượng tiếng Anh

12/12/2021 06:57
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Nam Định có đến 450.000 học sinh với khoảng 900.000 phụ huynh thì cho dù có 1.000 phụ huynh có ý kiến thì tỉ lệ đó cũng vô cùng bé.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Phụ huynh THPT Xuân Trường B than tiếng Anh người nước ngoài dạy chất lượng kém”, bài viết thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của độc giả và phụ huynh.

Để có thêm các thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với thầy Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định trao đổi về sự việc này.

Về việc nhiều phụ huynh phản ánh rằng, chất lượng của các lớp học tiếng Anh với người nước ngoài không có hiệu quả, thầy Hùng cho rằng: “Cái đó là quan điểm cá nhân của người ta. Nếu thấy không ưng cho con học nữa thì họ có thể cho con họ nghỉ. Chủ trương này là chung của ngành giáo dục tỉnh Nam Định và chất lượng thực sự nó khác. Sau khi có thông tin của báo chí thì chúng tôi đã cho đoàn xuống đó kiểm tra ngay.

Thầy Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục Nam Định. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại
Thầy Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục Nam Định. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Sự việc xảy ra ở trường Xuân Trường B như phụ huynh phản ánh chỉ là ý kiến cá nhân hay gì đấy. Còn cái gì sai đâu thì sửa đó, chứ không thể vì chuyện như thế mà làm ảnh hưởng đến cả một chủ trương chung của tỉnh được.

Trên thực tế, chất lượng ngoại ngữ thì mọi người có thể thấy, trong những năm gần đây tại Nam Định thì so với các tỉnh miền Bắc, kể cả Hà Nội về phổ cập ngoại ngữ là cả một bước tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, không thể từ một trường mà đánh giá cho cả một cái chung toàn tỉnh được.

Để cho các phụ huynh khác hiểu hơn về bản chất của sự việc này thì chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua các nhà trường, qua báo chí. Vì từ khi xây dựng dự án này thì tôi cũng đã giải trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng đã lên cả truyền hình và làm cả một hệ thống để giải thích rõ là dự án đưa vào với mục đích gì. Thực tế, cũng đã rất nhiều trường thực hiện rất tốt việc này”.

Đề cập về việc phụ huynh cho rằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường B đã không nhận đơn xin ngừng học ở các lớp tiếng Anh với người nước ngoài của các học sinh (có chữ ký của phụ huynh), thầy Hùng cho biết: “Việc phụ huynh nói Hiệu trưởng không nhận đơn của con họ là không đúng. Thực tế, Hiệu trưởng sẽ hướng dẫn họ là nộp qua giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Xuân B xử lý như vậy là quá đúng. Hiệu trưởng làm sao mà đi nhận đơn của học sinh được.

Nếu phụ huynh nói chất lượng tiếng Anh khi con họ học tiếng Anh với người nước ngoài là kém, vậy cơ sở nào chứng minh cho điều đó. Phụ huynh đánh giá như vậy là vô cùng cảm tính.

Cứ cho là có vài chục phụ huynh gửi đơn, nhưng trong tỉnh Nam Định có đến 450.000 học sinh với khoảng 900.000 phụ huynh thì dù có 1.000 phụ huynh có ý kiến cho rằng chất lượng tiếng Anh kém, tỉ lệ đó cũng vô cùng bé.

Chỉ một số ít phụ huynh nói rằng chất lượng tiếng Anh kém nhưng nó cũng rất ảnh hưởng đến chủ trương chung. Chủ trương ở đây là hội nhập quốc tế, nó cần phải đứng trên một cái kiềng 3 chân gồm: Ngoại ngữ, chuyển đổi số và đội ngũ giáo viên dẫn dắt. Chúng tôi đang làm đồng thời cho 3 cái chân ấy vững chắc để đưa hội nhập tiến xa.

Cái gì phản ánh đúng thì chúng tôi thừa nhận, không trốn tránh cũng như không cần phải đi giải thích nhiều”.

Nhiều phụ huynh trường Trung học phổ thông Xuân Trường B (Nam Định) gửi đơn xin cho con ngừng học ở các lớp tiếng Anh với người nước ngoài. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Nhiều phụ huynh trường Trung học phổ thông Xuân Trường B (Nam Định) gửi đơn xin cho con ngừng học ở các lớp tiếng Anh với người nước ngoài. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, nhiều phụ huynh có con học tại trường Trung học phổ thông Xuân Trường B (Nam Định) gửi phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nêu, các lớp học tiếng Anh với người nước ngoài do trường này tổ chức hiện đang không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều người không còn muốn con mình tham gia vào các lớp học này nữa.

Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, khi phụ huynh cầm những lá đơn xin cho con được nghỉ học ở các lớp tiếng Anh với người nước ngoài lên gặp trực tiếp Hiệu trưởng thì Hiệu trưởng không nhận những lá đơn này, mà yêu cầu họ phải đưa về cho giáo viên chủ nhiệm của các lớp để được giải quyết theo cấp bậc từ dưới lên trên cho "đúng quy trình".

Trong đơn “Xin nghỉ học tiếng Anh với người nước ngoài” có nêu: “Sau khi học và giao lưu với các thầy/ cô người nước ngoài, em cảm thấy không nhận được một hiệu quả nào với bản thân em. Vậy, em xin nghỉ học các buổi học tiếng Anh với người nước ngoài từ đây đến hết năm học”.

Trung Dũng