Giải trình quy hoạch kém, thất thoát đất trường học

14/02/2020 06:52
Tùng Dương
(GDVN) - Chúng ta có rất ít chuyên gia về công tác tổ chức, những người đó phải am hiểu về quy hoạch cho phát triển giáo dục, nhưng hiện nay chúng ta đang rất thiếu.

Ngày 11/2, tham dự cuộc Tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, chia sẻ:

“Có một vấn đề là rất nhiều trường kêu tại sao đất doanh nghiệp xin thì dễ, mà đất cho giáo dục lại rất khó?

Vấn đề này Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đã nói rồi, nó có cái gì ở đằng sau, đó là vấn đề lợi ích, vấn đề không minh bạch.

Hiện nay chúng ta vẫn có tư duy quy hoạch chết cứng như thời bao cấp, nghĩa là tôi xếp ở chỗ nào thì các anh đừng có di chuyển, trong khi đó không đủ cơ sở khoa học để xếp đặt cho người ta ở vị trí đó."

Video: Giải trình quy hoạch kém, thất thoát đất trường học

"Trong bối cảnh hiện nay thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không dự báo được thì tôi thấy sẽ có nhiều thách thức.

Chúng ta rất ít chuyên gia về công tác tổ chức, phải am hiểu về quy hoạch cho phát triển giáo dục, nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu.

Hệ thống thông tin dự báo hiện nay không đầy đủ và tin cậy, những câu chuyện về di dân cơ học…không đủ năng lực. Mặc dù đã gọi là cuộc cách mạng 4.0 rồi nhưng hệ thống đo đếm của ta hiện nay đối với di dân thì khá là lạc hậu, không dự báo được.

Việc định hướng lớn của quốc gia và điều kiện địa phương cũng có vấn đề vênh nhau. Thực ra ở Hà Nội bây giờ là đất vàng, thì định hướng lớn bây giờ như Nghị định 69 khuyến khích việc tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế… địa phương phải có trách nhiệm giao đất miễn phí cho trường, thậm chí lúc đó còn nêu định mức là trường trung cấp là 5 Ha, cao đẳng 10 Ha…

Vậy nên mới có câu chuyện không đủ định mức diện tích đất đó thì người ta vẫn đánh thuế, mà rất nhiều trường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí minh không đủ định mức diện tích đó thì lại phải chịu thuế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý tốt với hy vọng là địa phương có đất cho trường, các trường có không gian rộng, thuận lợi…nhưng cái đó lại hãm người ta lại bằng những khoản thuế khác. Đó là bất cập về chính sách.

Giải trình quy hoạch kém, thất thoát đất trường học ảnh 1

Đất Hà Nội bố trí xây trường cứ teo dần do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện?

Thuận lợi lớn nhất vừa rồi có Luật Quy hoạch và có Nghị định 37, tất cả các thông tin về quy hoạch phải công bố công khai rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là cái để mà giám sát.

Chúng ta quản trị nhà nước nhưng trách nhiệm giải trình lại rất kém, người ta điều chỉnh quy hoạch như Giáo sư Đặng Hùng Võ đã nói: Tất cả các chung cư khi quy hoạch đã quy định đều có (đất trường học), nhưng sau này mỗi lần xin, xin một chút rồi mất dần mất dần, dẫn đến không có đất cho trường.

Tôi làm trong ngành Giáo dục nhưng tôi cũng rất xót xa khi trẻ con vào lớp 1, các cấp học phổ thông ở Hà Nội thì phải nói là kinh khủng.

Học trường ngoài công lập thì chi phí cao, con nhà nghèo thì không học nổi, một phần nhà nước cũng không hỗ trợ các trường ngoài công lập nên tự họ phải đầu tư, chi phí mọi khoản.

Phải chăng câu chuyện quy hoạch của chúng ta không làm tốt, và năng lực lẫn tư vấn rất kém.

Tôi lấy ví dụ chọn đất cho trường học thì Ấn Độ họ có 10 tiêu chí, nhưng hiện nay chúng ta không có tiêu chí nào.

Nói giáo dục là quốc sách, nhưng người dân lại rất vất vả, khó khăn trong việc học của con, như vậy tôi cũng nói thật là bộ mặt thủ đô rất là xấu.

Ngay như vừa rồi có việc đổi mới sách giáo khoa, nhưng với quy mô một lớp 60 học sinh như vậy thì làm sao mà dạy được, trong khi chúng ta cứ nói học sinh là trung tâm.

Việc này Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, là tại sao các nghị định của mình ban hành mà các địa phương không thực hiện? Phải có người chịu trách nhiệm”.

Đến dự buổi tọa đàm có các đại biểu:

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest.

Tùng Dương