Giải pháp nào để sách giáo khoa không tăng giá “sốc”

01/05/2022 06:46
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với tình hình này, chưa có dấu hiệu gì cho thấy giá sách giáo khoa lớp 4, 5, 11,… khi thực hiện theo chương trình mới sẽ không tăng “sốc”.

Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này.

Trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch gây ra, theo chỉ đạo của Chính phủ những chương trình như “sóng và máy tính cho em” được phát động, được duy trì thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ và các bộ ban ngành dành những điều tốt cho giáo dục, làm sao để các em được đến trường như mong muốn Bác Hồ vĩ đại.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021 với lớp 1; năm 2021-2022 với lớp 2, 6 giá sách giáo khoa đã tăng lên khá cao và sắp tới từ năm học 2022-2023 giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 cũng tăng khá cao làm gia tăng áp lực lớn lên sức chịu đựng của người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chi tiết giá sách giáo khoa - GDVN

Chi tiết giá sách giáo khoa - GDVN

Với tình hình này, chưa có dấu hiệu gì cho thấy giá sách giáo khoa 4, 5, 11,… khi thực hiện theo chương trình mới sẽ không tăng “sốc”.

Năm 2022- 2023, giá sách giáo khoa chương trình mới lớp 3, 7, 10 cao hơn sách giáo khoa chương trình 2006 đến 2-3 lần

Ngày 15/4, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Chi tiết bảng giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10" cho biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa có công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới áp dụng từ năm học 2022-2023.

Cụ thể, đối với sách lớp 3, Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 12 cuốn có giá 183.000 đồng. Bộ sách “Chân trời sáng tạo” gồm 13 cuốn có giá 190.000 đồng.

Giá sách giáo khoa lớp 3 nhiều môn tăng gấp hơn 2 lần, như bộ sách Toán giá cũ 13.000 đồng thì bộ sách mới khoảng 38.000 đồng (2 quyển), các quyển Tiếng Việt cũ có giá 13.000 đồng (tập 1, 2) thì sách mới có giá từ 21.000 – 22.000 đồng mỗi tập cũng tăng khoảng 1,6 – 1,7 lần,…

Đối với sách lớp 7, Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 13 cuốn với giá 208.000 đồng; Bộ sách “Chân trời sáng tạo” gồm 15 cuốn với giá 235.000 đồng.

Đối với sách lớp 10, Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có giá 436.000 đồng và Bộ sách “Chân trời sáng tạo” có giá 480.000 đồng. Bộ sách giáo khoa lớp 10 gồm nhiều môn học và các chuyên đề học tập đi kèm.

Sách giáo khoa lớp 7, 10 cũng tăng đáng kể, có sách tăng hơn 2-3 lần so với sách giáo khoa đang dùng ở lớp 7, 10 hiện nay.

Năm 2022-2023, các em học sinh lớp 3, 7, 10 sẽ mua sách giáo khoa với giá cao hơn sách giáo khoa của sách lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 của chương trình hiện nay.

Nhận được tin giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sẽ tiếp tục tăng “sốc” 2-3 lần so với sách giáo khoa hiện hành khiến nhiều phụ huynh phản ứng, thắc mắc vì sao chương trình giảm môn, đầu sách giảm nhưng giá sách giáo khoa lại tăng?

Nhiều phụ huynh mong muốn các nhà xuất bản cân đối, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm gánh nặng vì sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc học tập của con em họ, họ bắt buộc phải mua mà không có sự lựa chọn khác.

Khi mà kinh tế còn nhiều khó khăn, với những nhà có 2-3 con, mỗi bộ sách tăng giá 2-3 lần thật sự là áp lực.

Bên cạnh đó còn phải đóng học phí, đóng góp nhiều khoản, mua sắm quần áo, dụng cụ học tập cho con, còn thêm sách tham khảo,... khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Giải pháp nào để giá sách giáo khoa vừa sức chịu đựng của người dân

Lý giải việc tăng giá sách giáo khoa, các Nhà xuất bản thông tin sách giáo khoa cao vì được thiết kế với nhiều kênh hình, sách giáo khoa đẹp hơn, hình minh họa đẹp hơn,…thật sự không thuyết phục được phụ huynh.

Nhiều gia đình học sinh còn nhiều khó khăn, họ cần được một bộ sách giáo khoa phù hợp, những hình minh họa đẹp, bìa sách đẹp,… có thể không quá quan trọng trong việc phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Giá sách giáo khoa tăng cao nhưng nghịch lý hiện nay gần như sách giáo khoa dùng 1 lần rồi bỏ hoặc bán đồng nát cho thấy còn sử dụng lãng phí sách giáo khoa trong giai đoạn đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Có thể do chi phí, nguyên vật liệu tăng nên giá sách giáo khoa tăng nhưng tăng lên gấp 2-3 lần là quá cao, không nhất thiết phải lựa chọn phải in những trang sách đẹp, đắt tiền khi đời sống nhân dân còn khó khăn.

Dưới quan điểm cá nhân, người viết xin được nêu những giải pháp để giá sách giáo khoa không tăng “sốc” trong các năm tới.

Thứ nhất, tiếp tục xã hội hóa sách giáo khoa, khuyến khích tư nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Tôi thiết nghĩ tiếp tục thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng sách giáo khoa theo hướng đa dạng, linh hoạt và có lợi cho người học.

Bên cạnh đó, nên có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa để tăng tính cạnh tranh có nhiều lựa chọn cho phụ huynh và học sinh.

Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tham khảo nên có tiến tới học sinh có thể chọn bất kỳ loại sách giáo khoa nào để học miễn là giá cả hợp lý.

Thứ hai, biên soạn có sách “đắt”, sách “rẻ”

Nhà xuất bản cho rằng sách giáo khoa tăng do nguyên vật liệu tăng hoặc sách thiết kế đẹp hơn cũng có lý của nó nhưng thực tế nhiều gia đình rất khó khăn nên sách đẹp giá cao không thật sự cần thiết.

Nên tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xem xét lại việc biên soạn sách giáo khoa, định giá sách giáo khoa cho phù hợp, có thể nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa với nhiều giá khác nhau (sách đẹp giá cao) hoặc sách giá rẻ (dành cho những gia đình không có điều kiện).

Gia đình nào có điều kiện cần sách, hình minh họa đẹp,... thì mua sách đắt tiền hơn, gia đình không có điều kiện thì mua sách rẻ hơn.

Hướng đến công khai các bản sách giáo khoa điện tử (file word hoặc pdf) nếu gia đình học sinh không có điều kiện có thể in trực tiếp mà không phải mua tốn kém như hiện nay.

Thứ ba, chấm dứt tình trạng sách giáo khoa dùng 1 lần rồi bỏ

Việc thiết kế phải tránh chỉnh sửa, chỉnh lý nhiều lần và hạn chế việc cho học sinh ghi vào sách để học sinh năm sau có thể sử dụng của năm học trước.

Các trường học, cuối mỗi năm có thể phát động phong trào tặng sách giáo khoa để có thể tặng lại cho các em khóa sau có điều kiện kinh tế hạn chế.

Thứ tư, giảm những đầu sách không cần thiết

Thực tế, các môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm,… ở các bậc học không nhất thiết phải ban hành sách giáo khoa cho học sinh, chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ.

Bên cạnh đó, cũng nên cần quy định về số trang trên mỗi đầu sách để đảm bảo vừa giảm chi phí làm sách, vừa giúp nội dung sách cô đọng hơn, để giảm phần nào giá sách giáo khoa.

Gia đình nhiều học sinh đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch phức tạp vừa qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ nên hiện nay cuộc sống đã dần dần trở thành bình thường mới nhưng vẫn còn hết sức khó khăn nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc giá sách giáo khoa và tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ học sinh, để các em được đến trường đừng để em nào bị bỏ lại phía sau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam