Giải ngoại hạng đặc quyền của giáo dục phổ thông

05/01/2015 07:03
NGUYỄN VĂN LỰ
(GDVN) - Cuộc rượt đuổi thứ hạng mấy năm nay có thể biến kỳ thi thành giải ngoại hạng đặc quyền và độc quyền của trường chuyên THPT Việt Nam?

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT thường niên do Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong phát hiện, bồi dưỡng đào tạo tài năng. Cuộc rượt đuổi thứ hạng mấy năm nay có thể biến kỳ thi thành giải ngoại hạng đặc quyền và độc quyền của trường chuyên THPT Việt Nam?

Trở thành học sinh trường Chuyên là mơ ước chính đáng, trong sáng của bao học sinh. Niềm tự hào ấy trở thành động lực học tập, rèn luyện và phấn đấu của nhiều thế hệ thầy trò trường Chuyên cả nước. Trong mô hình lớp chuyên, học sinh được tạo mọi thuận lợi để phát triển năng khiếu và sở trường. 

Mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển toàn diện của trường Chuyên có nguy cơ không theo đúng cương lĩnh trong Quy chế trường Chuyên. Cơn bão thành tích có thể phá vỡ mô hình ưu việt của trường Chuyên. 

Bao nhiêu giải quốc gia, bao nhiêu giải khu vực và quốc tế đặt lên vai cán bộ, giáo viên và học sinh gánh nặng trọng trách. Những huy chương, giải thưởng nhiều khi phải đổi bằng mồ hôi, công sức và nhiều tiền của nhà nước, gia đình và thầy cô giáo làm dấy lên niềm tự hào kiêu hãnh trong mỗi người Việt. Học sinh Chuyên, hạt giống tốt nhất, gieo trên những cánh đồng quốc tế và Việt Nam vẫn hứa hẹn những mùa vàng bội thu.

Thi chọn học sinh giỏi có nhiều ý nghĩa và giá trị. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT trở thành cuộc thi danh giá nhất, được nhiều ưu đãi nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất cho thầy và  trò, nhà trường và gia đình, địa phương và quốc gia.

Đầu tư lớn

Giải ngoại hạng đặc quyền của giáo dục phổ thông ảnh 1Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao!

(GDVN) - Quan điểm này của ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam khi trao đổi về thực trạng và giải pháp đưa nguồn nhân lực Việt Nam đi lên.

Nhà nước dành cho mô hình trường Chuyên THPT những khoản tiền khổng lồ mua sắm, trang bị, xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ, trả lương và bồi dưỡng học sinh giỏi…Ví như, Dự án 2312 tỉ VND cho hệ thống trường Chuyên cả nước (giai đoạn 2010-2020) nhằm làm thay đổi hệ thống trường chuyên ngang tầm quốc tế.

Một số trường Chuyên đã được trang bị thiết bị tối tân hiện đại nhưng không sử dụng hoặc không hiệu quả (tất nhiên do nhiều nguyên nhân?!). Hàng chục bảng thông minh, màn hình thế hệ mới nhất cỡ 100, 200 in, phòng máy tính, phòng học tiếng… với số tiền khủng (01 bảng thông minh khoảng 100 triệu VND). Nhiều giáo viên nhìn hàng trưng bày ấy mà xót xa! Chúng ta đầu tư lớn cho đào tạo, bỗi dưỡng nhân tài nhưng lại hoặc bỏ rơi hoặc trao tặng nước ngoài!

Nhiều ưu đãi

Chế độ chính sách ưu đãi dành cho cả thầy và trò, nhất là học sinh giỏi. Học sinh giỏi được phép lờ đi các môn học khác; đạt giải được tôn vinh, thưởng nhiều, được tuyển thẳng. Giáo viên có học sinh giỏi được đầu tư thời gian, tặng thưởng và vinh danh, được nâng bậc lương sớm, hưởng phụ cấp 70%, giờ dạy ít…Loại trường chuyên biệt cùng với nhiều ưu ái tạo lợi thế cho thầy và trò. Thi học sinh giỏi cấp Tỉnh với đề bài và chấm riêng (50% giám khảo chuyên), 100% thí sinh dự thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích theo như Quy chế. 

Học sinh trường ngoài không còn cơ hội vào vòng thi quốc gia. Các nước phát triển không chọn học sinh giỏi cạnh tranh quyết liệt bằng ngân sách chính phủ. Có thể họ cử một đơn vị, trường tự nguyện đi thi quốc tế bằng tiền tự túc. Việt Nam chọn trong nhân tài cả nước những em xuất sắc nhất đi thi. Dùng ngân sách nhà nước, đào luyện thành giải, huy chương, dùng tiền thuế để thưởng, tôn vinh và dùng thành tích đó đánh giá cá nhân, tập thể. Học sinh giỏi vô tình thành công cụ thực hiện chuỗi liên kết kép lợi ích tiền – tài- danh của giáo dục phổ thông!

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT có công bằng?

Để chọn ra 50% trong số dự thi đạt giải và trong số đó không quá 60% từ giải 3 trở lên (theo Thông tư 56/2011 của Bộ Giáo dục- Đào tạo), kỳ thi được tổ chức trên phạm vi cả nước. Như vậy, mỗi năm có khoảng 60% thi sinh đạt từ giải 3, khoảng hơn 1000 em) có cơ hội vào thẳng Đại học, Cao đẳng. (Năm 2013, theo số liệu Cục Khảo thí và Kiểm định Bộ GDĐT, có 2114 thí sinh đạt giải). Số 50% không đạt giải trở về lao vào học theo khối. 

Những em tài năng nhất, dự thi quốc tế và khu vực, mang về Huy chương cho tổ quốc, cho cá nhân, gia đình và nhà trường. Nhiều em đã du học nước ngoài bằng học bổng chính phủ và rất ít quay về Việt Nam. 

Giải ngoại hạng đặc quyền của giáo dục phổ thông ảnh 2Chuyên gia Trần Đức Cảnh đưa ra giải pháp cho nguồn nhân lực Việt Nam

(GDVN) - Để đẩy mạnh “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” đất nước trong thời gian tới thì việc tăng số lượng và chất lương đào tạo ở các cấp là điều bắt buộc”.

Duy nhất một nhà Vô địch Olympia, học sinh trường chuyên, về nước trong 13 nhà Vô địch, nhưng lại làm cho công ty nước ngoài. Và tất nhiên, cũng nhiều lý do để những hạt giống tốt nhất được tuyển và nuôi dưỡng từ trường Chuyên Việt Nam phát triển trên ruộng đồng nước bạn! Người nông dân Việt gieo trồng chăm bón và bán sản phẩm tốt nhất lấy nhiều tiền; trường chuyên Việt Nam tuyển chọn, bồi dưỡng và trao tặng sản phẩm tốt nhất cho nước ngoài! Điều mừng nhất làm ấm lòng chúng ta là phần nhiều các học trò khác của trường chuyên đã trưởng thành, đang cống hiến và dựng nghiệp trên quê hương mình.

Kỳ thi được tổ chức chặt chẽ, công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế là điều không ai phủ định. Để đạt được điều đó, cần huy động đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giám thị, thanh tra, phục vụ đủ theo yêu cầu; mỗi hội đồng đều có từ hai đơn vị khác đến coi thi. Phòng thi chuyên biệt (Tin học, Ngoại ngữ) cán bộ coi thi nhiều hơn thí sinh là chuyện bình thường. Sự đáng giá của mỗi giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích lại ở những con số khác.

Sở giáo dục chọn các cán bộ, chuyên viên, giáo viên, đi coi thi tỉnh nào tùy đăng ký chọn. Chuyến công tác vừa làm thi vừa thăm quan giao lưu theo kiểu “khách ba chủ nhà bảy”. Có đoàn tận đất Nam ra, có đoàn tít ngoài Bắc vào; đi trước vài ngày, về sau vài ngày với khoản công tác phí chi trả và khoản kinh phí tiếp đón của lòng mến khách thân tình. Không ai mang tiền lương cá nhân chi dùng cho việc làm thi và đãi khách. Con số quyết toán hàng trăm triệu/đơn vị tổ chức thi ấy ngân sách nhà nước trả.

Mỗi trường chuyên có những “sáng kiến” trong việc phát hiện, bồi dưỡng Đội tuyển. Có nơi tổ chức giao lưu, gửi học sinh đến trường tỉnh bạn; có nơi mời giáo sư giúp…Chi phí cho chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên và ngắn hạn cũng là con số đáng nể. Học sinh và nhà trường lấy đâu tiền hay giáo sư đến giảng miễn phí? Vài triệu một buổi dạy, tiền ăn ngủ, đưa đón… Theo tin không chính thức, có đơn vị chi hàng chục triệu đồng/ một thí sinh. Con số ấy cũng ngân sách nhà nước lo.

Sân chơi thiếu công bằng.

Kỳ thi lớp 12 chọn đội tuyển 6 thí sinh nên không nhiều cơ hội dành cho học sinh người không đứng dạy đội tuyển huống chi học sinh trường không chuyên! Tôi- tác giả- từng động viên học trò chuyên Hóa đã đạt vài huy chương Khu vực, bố mẹ cậu ta bán lẻ cát sỏi, đến phút công bố danh sách chính thức không có tên, em mất thăng bằng và bi quan. (Bây giờ em được sang Nga đào tạo kỹ thuật quân sự). 

Giải ngoại hạng đặc quyền của giáo dục phổ thông ảnh 3Thang điểm 20: Lượng đổi chất không đổi

(GDVN) - Mở rộng thang điểm 20 trong Dự thảo Quy chế thi quốc gia 2015 của Bộ GD&ĐT có tạo nên sức sống mới cho thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học ?

Có trường còn tạo điều kiện khéo léo để các em chỉ học môn chuyên và khối thi. Dù thông minh nhưng đa số học trò chuyên lơ mơ thiếu hụt hiểu biết về nhiều lĩnh vực, nhất là kỹ năng sống và hiểu biết xã hội. Chúng ta hy vọng kỳ thi quốc gia THPT sẽ xóa bỏ học lệch của học sinh. Cách dạy và học của trường chuyên Lê Quý Đôn- Đà Nẵng, chuyên Amsterdam–Hà Nội…rất khác những trường THPT chuyên có nhiều giải quốc gia.

Những đơn vị có truyền thống giải được địa phương không tiếc tiền đầu tư (đa số là miền Bắc) gần các trung tâm lớn, mời thầy đón thợ, trong khi đơn vị ở xa muốn giao lưu với chuyên gia khó lắm. Trình độ và tri thức hạn chế của thầy và trò cũng là trở ngại. Không còn theo vùng miền chia bảng A, B, thực hiện Thông tư 56/2011/Bộ GD&ĐT, cứ 2 em thi, 1 em đạt giải và không ấn định số điểm cho khung giải, nên xếp giải từ điểm cao xuống theo cơ cấu của quy chế. (Nhiều năm, đat 60-70% thang điểm đã vào giải Nhất, Nhì). Giải theo điểm bài nên các tỉnh có điều kiện đầu tư thường trên 70 % thí sinh dự thi đạt giải, và nhiều giải cao trong khi các tỉnh khác rất kém. Đạt nhiều giải, được cả lời khen, và ngược lại.  Mặt khác, kỳ thi rất có thể là cuộc chạy đua quyết liệt nên điều gì cũng có thể xẩy ra, không loại trừ mánh khóe tiểu xảo của thầy và thí sinh.

Mấy năm nay, một vài địa phương lấy chỉ số học sinh giỏi quốc gia, đỗ đại học, để đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Nếu hơn chục điểm đã đỗ đại học và 50% dự thi đạt giải quốc gia, liệu con số bao nhiêu % đó còn nhiều ý nghĩa nữa? Khi Bộ Giáo dục bỏ chế độ vào thẳng đại học, học sinh Chuyên, nhiều em tự loại khỏi đội tuyển; khi Bộ giáo dục cho phép tuyển thẳng, giải quốc gia lại hấp dẫn. Chỉ là 1% số thí sinh đỗ đại học, cao đẳng cả nước, các học sinh đạt giải quốc gia hoàn toàn xứng đáng không cần thi cũng đỗ. 

Điều lớn nhất làm chúng ta suy nghĩ là chuyện được mất của những tài năng trẻ. Để đạt giải cao, đạt Huy chương, các trò phải đánh đổi nhiều thứ, hy sinh nhu cầu riêng, bỏ môn học khác nhưng lại mất nhiều cơ hội nếu không đạt giải. Những tấm Huy chương, bằng chứng nhận danh giá có thể chỉ là vẻ đẹp vang bóng, có rất ít giá trị trong sự nghiệp lập thân, lập nghiệp ở nước ta sau này.

Chúng ta kỳ vọng vào sự đổi mới giáo dục phổ thông và kỳ vọng các nhà quản lý giáo dục các cấp có cách nhìn mới về giáo dục chuyên biệt. Trường Chuyên nào chỉ dồn sức săn giải quốc gia, quốc tế sẽ là sai lầm nguy hại về chiến lược đào tạo, sẽ tạo nên sân đấu cho giải ngoại hạng mà cầu thủ rời sân không đủ sức làm việc gì khác.

Bao giờ trường THPT chuyên trở thành nơi ươm trồng, bồi dưỡng học sinh giỏi thành tài năng có tâm, có tầm và tri thức năng khiếu được phát huy, năng lực được phát triển toàn diện?

NGUYỄN VĂN LỰ