Giải cứu 'bong bóng ĐH', Bộ Giáo dục nói gì?

28/12/2012 07:02
Theo VNN
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2013, Bộ sẽ ban hành tiêu chí để phân biệt trường nào vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Theo đó, các trường vì lợi nhuận sẽ phải chịu mức thuế và những chính sách quản lí riêng.

Trường phải tự cứu mình trước

- Thưa Thứ trưởng, kết thúc mùa tuyển sinh 2012, nhiều ĐH,CĐ ngoài công lập (NCL) phản ánh chính sách tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đưa ra đang có sự không công bằng. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ không có sự phân biệt giữa trường công lập hay NCL. Cụ thể, Quy chế tuyển sinh Bộ áp dụng “ba chung”, quy định mức điểm sàn áp dụng cho tất cả các trường.

Năm 2010 chính Hiệp hội các trường NCL có đề xuất kéo dài thời gian để họ có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2012 Bộ thực hiện chính sách này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp với nguyện vọng.

Trước đây, quy định cứng thời gian tuyển sinh hay điểm xét tuyển lần sau phải cao hơn lần trước dẫn đến tình trạng nhiều em điểm cao nhưng không chọn được trường yêu thích. 

Khó khăn của các trường khi gặp nhiều hồ sơ ảo hoặc nộp vào rồi rút ra có thể khắc phục được về mặt kĩ thuật.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Mỗi trường phải có chiến lược phát triển ngành nghề, tạo dựng uy tín qua các hoạt động..."
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Mỗi trường phải có chiến lược phát triển ngành nghề, tạo dựng uy tín qua các hoạt động..."

- Lãnh đạo các trường ĐH,CĐ NCL có lời “cầu cứu” lên Bộ GD-ĐT vì nguy cơ phải đóng ngành, thậm chí đóng cửa trường. Bộ có động thái gì giúp các trường không, thưa ông?

Không phải trường NCL nào cũng gặp khó trong tuyển sinh, ví dụ như Trường ĐH DL Thăng Long, Trường ĐH Kĩ thuật công nghệ TP.HCM. Họ có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp, SV ra trường dễ tìm được việc ngay....

Các trường chưa tạo dựng tên tuổi vì chỉ bó hẹp trong đào tạo các ngành Kinh tế, Quản lí, Tài chính, Ngân hàng khi nhu cầu xã hội bão hòa sẽ lập tức gặp khó. Vì vậy, yêu cầu là mỗi trường phải có chiến lược phát triển ngành nghề, tạo dựng uy tín qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động nghề nghiệp,…

Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện giúp đỡ các trường hết sức, nhưng không có nghĩa là hi sinh chất lượng.

Tới đây, Bộ sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân biệt trường nào vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Khi đạt các tiêu chí cụ thể đối với trường không vì lợi nhuận, cơ chế nhà nước với họ sẽ tương tự các trường công lập như được hưởng ngân sách nhà nước về đào tạo. 

Ngược lại, các trường vì lợi nhuận sẽ phải chịu mức thuế và những chính sách quản lí nhất định. Từ đó mỗi cơ sở sẽ tự lựa chọn hướng đi lâu dài phù hợp cho riêng mình.

Dự kiến sang năm 2013 sẽ hoàn thành văn bản.

Sẽ phân tầng ĐH

- Có ý kiến cho rằng các trường ĐH,CĐ công lập hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội thì điểm đầu vào cũng phải cao hơn. Số còn lại sẽ chuyển qua học nghề hoặc ĐH, CĐ NCL. Quan điểm của Thứ trưởng ?

Đây là điểm mà Bộ cũng đang xem xét. Tuy nhiên khi hệ thống phân tầng ĐH chưa có, quy định điểm đầu vào trường này phải cao hơn trường kia chưa thực hiện được. Nếu làm ngay xã hội sẽ có mặc cảm với trường NCL cũng như ảnh hưởng uy tín các trường vì đầu vào thấp.

Trong năm 2013 Luật Giáo dục ĐH quy định rõ về việc phân tầng ĐH cũng như việc đánh giá, xếp hạng các trường. Khi đó sẽ có những quy định cụ thể, muốn được đánh giá cao thì đầu vào của sinh viên phải cao hơn điểm sàn bao nhiêu chẳng hạn.

- Mới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phát đi thông điệp, từ năm 2013 sẽ hướng đến việc tạm dừng mở mới các ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng.... Tuy nhiên vẫn còn ý nhiều ý kiến trái chiều?

Hiện chỉ tiêu giao cho các trường chỉ quy định tổng thể. Việc chọn bao nhiêu SV cho ngành gì các trường tự quy định, Bộ không can thiệp sâu.

Tuy nhiên, về quản lí nhà nước Bộ có trách nhiệm thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy định này nêu rõ năm này cần bao nhiêu nhân lực cho ngành gì. Đây là căn cứ để các trường ĐH và các cơ quan quản lí nhà nước dựa vào đó xây dựng chiến lược phát triển, điều hành để ngành này không quá thừa, ngành khác không quá thiếu.

Thông điệp đóng ngành Bộ đã phát đi từ lâu. Các ngành này đã thừa rồi. Năm 2010 ta quy hoạch chỉ 20% các em theo học trong tổng số SV trên cả nước nhưng tuyển sinh 2011 vượt lên 38%.

Nếu Bộ kiểm soát chặt hơn cũng để các trường không sa lầy vào đầu tư rồi không tuyển được SV. Bằng chứng như năm nay các trường, có cả trường công như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng khó khăn tuyển rồi, không đủ chỉ tiêu.

Người học cũng đã nhận ra điều này. Và Bộ có trách nhiệm cảnh báo cho các trường.

Xin ông cho biết trong năm 2013, công tác tuyển sinh có gì cải tiến, đổi mới?

Về cơ bản, Bộ khuyến khích các trường tuyển sinh riêng.

Trong tháng 1/2013, Bộ sẽ có cuộc họp bàn, lấy ý kiến về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là ổn định tuyển sinh cho đến năm 2015 và chỉ thay đổi về kỹ thuật.
Theo VNN