Giải bài toán thừa thiếu giáo viên như gợi ý của Bộ trưởng rất khó khả thi

29/12/2021 06:26
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng phương pháp giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên phải mang tính hệ thống và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục.

Ngày 24/12, trong buổi làm việc cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gợi mở một số giải pháp nhằm giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên. Cụ thể:

“Bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng elearning, mô hình dạy học trực tuyến,…”[1]

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra, ông Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng việc thiếu hụt giáo viên ở các cấp học đều có thể xảy ra bất kỳ ở quốc gia nào không chỉ riêng Việt Nam hay Australia.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, phụ thuộc vào đặc điểm hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia mà chính quyền sở tại đưa ra các giải pháp khác nhau để khắc phục.

Ở Australia, các chính quyền tiểu bang khá độc lập về mặt quản lý hành chính, vì vậy hệ thống giáo dục ở mỗi bang có những đặc điểm khá khác biệt nhau.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Đối với bang New South Wales (NSW), để giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên, trong thời gian vừa qua, Sở Giáo dục của bang đã thực thi một số giải pháp để thu hút các giáo viên vào hệ thống trường công lập như ban hành Chương trình “Approval to Teach” nhằm cho phép các trường tiếp nhận ngay những giáo viên đang thực tập vào biên chế chính thức;

Chương trình “Dạy học NSW “ (TEACH NSW) giúp các giáo viên trên toàn bang có thể tìm kiếm công việc phù hợp với mình ở các trường thích hợp thông qua các phương tiện truyền thông xã hội hay các trang website của bang;

Chương trình cung cấp học bổng cho các ngành học đang thiếu hụt các giáo viên theo học;

Hay chương trình khuyến khích các giáo viên tham gia dạy vùng sâu vùng xa (the Rural Teacher Incentive) nhằm thu hút giáo viên đến những trường đóng ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Hiện tại ở tất cả các bang của Australia đang triển khai chương trình trọng điểm đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng cho nhu cầu các cấp học trong 10 năm tới. Bên cạnh đào tạo đội ngũ giáo viên, chính quyền bang NSW cũng thực thi cải cách mô hình trường học từ mô hình “Trường học địa phương” (Local School) sang mô hình “Trường học thành công” (School Success) nhằm trao quyền nhiều hơn cho nhà trường và giảm bớt gánh nặng hành chính cho chính quyền địa phương cũng như Sở giáo dục của bang.

Qua đó cho thấy, không chỉ Việt Nam mà ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng đang đối diện với việc thiếu hụt nguồn giáo viên ở các cấp học. Và cần phải thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược, có tính hệ thống để giải quyết tình trạng trên. Họ đã có những thay đổi về mô hình nhà trường để thích nghi tốt hơn với sự phát triển và thay đổi của thế giới.

“Chúng ta có thể nhận thấy một điều rõ ràng rằng việc tiếp cận trong giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên của chính quyền bang NSW mang tính hệ thống và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhận định.

Việc bổ sung các giáo viên thiếu hụt nên lấy từ những nguồn được đào tạo chính quy và thông qua nhiều chương trình hỗ trợ nhằm có thể thu hút và giữ chân được những giáo viên được đào tạo bài bản. Chứ hoàn toàn không theo kiểu chắp vá hay hợp tác với các doanh nghiệp.

Theo ông Hiền, việc xã hội hoá đối với các môn tin học và ngoại ngữ thông qua hợp tác với doanh nghiệp như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở là một giải pháp rất khó khả thi.

Để lý giải quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền đưa ra một số lí do:

Lí do thứ nhất, các mục tiêu, chương trình đào tạo, thậm chí đội ngũ giáo viên mà bên doanh nghiệp cung cấp liệu có đảm bảo tính mô phạm cần có của nền giáo dục phổ thông? Bộ trưởng có chịu trách nhiệm kết quả đầu ra và chất lượng đào tạo khi thực thi mô hình này? Hay học trò tiếp tục là “chuột bạch” cho một hình thức đào tạo như vậy?

Ở tất cả các quốc gia có nền giáo dục phát triển, khi người đứng đầu ban hành một chính sách giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo khung pháp lý. Nó phải quy rõ trách nhiệm của người ban hành và thực thi chính sách đó, tránh tình trạng khi cơ sở thực thi có những tiêu cực xảy ra lại đổ trách nhiệm cho nhau.

Lí do thứ hai, tin học hay ngoại ngữ trong bậc học giáo dục phổ thông cũng là những môn học bắt buộc như bất kỳ môn học nào trong hệ thống giáo dục phổ thông. Vì vậy nó phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng đầu ra dựa trên một bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, và thước đo đầu ra cụ thể của người học dựa trên một khung đánh giá thống nhất trong toàn bộ hệ thống giáo dục của quốc gia chứ hoàn toàn không thể đứng độc lập và tách rời ra khỏi hệ thống chung đó.

“Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được một hệ thống giáo dục phổ thông nhất quán, chuẩn mực, và có tính hệ thống. Nếu để các địa phương tự xã hội hoá theo hình thức này chẳng khác gì chúng ta vô hình tạo ra những miếng mồi béo bở cho cho những “sân sau” để cuối cùng người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là học trò”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những giáo viên ngoại ngữ, tin học được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm sư phạm không tránh khỏi thua thiệt và áp lực không đáng có.

Cuối cùng, vị này cho rằng cần xem việc giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng của giáo dục phổ thông. Vì những bậc học này hình thành nên những phẩm chất và năng lực cần có của một công dân và cần phải đảm bảo tính nhất quán, kế thừa, chuẩn mực, và có tính hệ thống khi giải quyết bài toán này. Đừng thị trường hóa giáo dục phổ thông. Thay vào đó hãy trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường và gắn trách nhiệm cụ thể hơn đối với hiệu trưởng trong vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục và đầu ra của học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=7688

Nhật Tân