Giá như được lưu ban để học lại con chữ, có lẽ cuộc đời em đã khác!

06/10/2016 09:09
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi lớp với số lượng học sinh khoảng 40 em thì ít nhất cũng có vài em học yếu kém, những học sinh này nếu được ở lại lớp sẽ tốt hơn cho tương lai các em!

LTS: Thời gian vừa qua, vụ việc một em học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết được báo chí đưa tin đã dấy lên những suy nghĩ về căn “bệnh thành tích” trong giáo dục, đặc biệt ở cấp Tiểu học với nhiều sự thay đổi như hiện nay.

Chính mẹ của học sinh đã từng bộc bạch rằng mình từng đề nghị trường “cho con học lại cho chắc kiến thức” nhưng nhà trường vẫn “dàn xếp” cho em được lên lớp.

Bàn về quy cách giáo dục tai hại này, cô giáo Phan Tuyết nhìn nhận thấy giáo viên cũng có nỗi khổ áp lực từ cấp trên đưa xuống bởi hai chữ “chỉ tiêu”, còn phụ huynh thì “nhắm mắt đưa chân” theo đề nghị của nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Sau bài viết “Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/10 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Nhiều người đồng tình vì bài báo phản ánh đúng thực tế một trong những góc khuất của nền giáo dục hiện nay, không ít ý kiến bất bình cần phải kỉ luật thật nặng những giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 5 (kỉ luật tổ trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường vì thiếu trách nhiệm…).

Chỉ đọc vào những ý kiến bình luận cũng có thể biết được đâu là những người làm trong ngành giáo dục, đâu là người ngoài cuộc bởi là giáo viên, ai ai cũng hiểu được nguyên nhân học sinh này ngồi nhầm lớp.

Giá như được lưu ban để học lại con chữ, có lẽ cuộc đời em đã khác! ảnh 1

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

Bất cứ chuyện gì muốn chữa bệnh triệt để phải tìm ra nguyên nhân bị bệnh.

Trong chuyện này nếu nhìn bên ngoài dễ kết luận lỗi do giáo viên giảng dạy không nhiệt tình, do chuyên môn nghề nghiệp của những giáo viên này còn non yếu…

Nhưng mấy ai biết được sự hy sinh của những giáo viên trong lớp có học sinh yếu kém.

Những đồng nghiệp của tôi ở khắp mọi nơi, không ít người kể lại, ngoài những tiết dạy trên lớp, giờ nghỉ tiết, giờ ra chơi lẽ ra giáo viên phải được nghỉ ngơi, thư giãn những vì học sinh, các giáo viên phải tập hợp riêng những học sinh học yếu lại kèm (đương nhiên là dạy miễn phí).

Cứ miệt mài, cần mẫn như thế suốt cả năm học nhưng có em cũng tiết bộ rất chậm.

Hình ảnh một cô một trò khi ngồi trong phòng đọc, lúc ngồi ở hành lang giảng giải, chỉ bảo tận tình cho học sinh đã không còn xa lạ gì.

Trường Tiểu học Lý Đạo Thành (Ảnh: vietnamnet.vn).
Trường Tiểu học Lý Đạo Thành (Ảnh: vietnamnet.vn).

Chúng tôi thường trêu đùa, những cô cậu học trò được thầy cô kèm cặp riêng là “người yêu” bởi bất cứ khi nào rảnh cũng thấy giáo viên bên cạnh các em cùng ôn bài.

Dù nỗ lực đến mức ấy, không phải em nào cuối năm cũng tiến bộ. Sự biến chuyển của các em còn phụ thuộc vào việc chăm sóc thêm từ phía gia đình nhưng không ít em, ba mẹ lại bỏ bê.

Vì vậy, học được chữ nào trên lớp thì học, về đến nhà mải chơi nên chữ của thầy cô cũng trả lại gần hết.

Mỗi lớp với số lượng học sinh khoảng 40 em thì ít nhất cũng có vài em học yếu kém, những học sinh này nếu được ở lại lớp sẽ học tốt hơn nhiều.

Nếu bình quân 2 em ở lại một lớp (trường 20 lớp), con số cả trường học sinh lưu ban sẽ khoảng 40 em, nếu được thế, chắc chắn chẳng bao giờ còn cảnh học sinh học hết Tiểu học lại không viết nổi tên mình?

Khi quyết định để học sinh nào lưu ban, Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải rà soát chỉ tiêu một cách triệt để xem có bị lấn cấn gì không?

Giá như được lưu ban để học lại con chữ, có lẽ cuộc đời em đã khác! ảnh 3

“Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát”

Không chỉ rà soát chỉ tiêu ngay năm học ấy mà còn tính trước cho 5 năm tiếp theo (chỉ tiêu hiệu quả đào tạo sau 5 năm).

Ban Giám hiệu cũng chẳng sung sướng gì khi thấy học sinh yếu kém vẫn cứ phải lên lớp?

Nếu là trường chuẩn Quốc gia còn căng thẳng hơn nhiều, chẳng biết từ đâu nhiều người mặc định “Học sinh trường chuẩn là phải học giỏi hơn học sinh các trường bình thường” nên chỉ tiêu lên lớp thẳng, lưu ban cũng ít hơn nhiều.

Vì lẽ đó, để học sinh lưu ban nhiều trường mất chuẩn, xã phường mất chuẩn, kéo theo huyện thị cũng mất chuẩn luôn.

Không có Ban Giám hiệu nào buộc học sinh phải lên lớp khi các em thật sự yếu.

Vấn đề là các giáo viên chủ nhiệm có đủ nghị lực vượt qua thử thách hay không? Có đủ bản lĩnh để chịu đựng hay không? Đương nhiên là không, bởi chẳng ai lại dại dột mang “đá” cột vào người.

Một đồng nghiệp kể lại, lớp chủ nhiệm có một học sinh không biết đọc, biết viết; dù chính giáo viên này đã bỏ công kèm cặp suốt cả năm trời nhưng em không tiến bộ.

Cuối năm, giáo viên cho học sinh ấy lưu ban thì được Ban Giám hiệu mời lên nói chuyện. Phó Hiệu trưởng mở lời nhẹ nhàng:

Nếu học sinh Tuấn lớp em ở lại lớp, trường ta không chỉ bị khống chế chỉ tiêu học sinh lên lớp thẳng mà 5 năm sau cũng không đạt hiệu quả đào tạo.

Bây giờ sắp nghỉ hè, em phải phụ đạo cho Tuấn ôn thi lại để lên lớp. Thi lần 1 không đậu, thi lần 2, lần 3 chừng nào thi đậu mới thôi”.

Nghe thế, cậu bạn tá hỏa tâm linh: “Tôi kèm cả năm chẳng ăn thua gì, giờ chỉ kèm mấy ngày hè sao có thể đọc được? Nghỉ hè chẳng lẽ tôi cũng phải xuống trường đi dạy?”.

Phó Hiệu trưởng lạnh lùng: “Kèm lúc nào là việc của thầy nhưng em ấy nhất định phải được lên lớp. Đừng vì chuyện này mà trường mình lại mất hết”.

Thế rồi, bằng cách nào đó Tuấn đã được lên lớp, cứ thế hết năm này đến năm khác Tuấn tốt nghiệp lớp 5 mà không viết nổi tên mình là điều dễ hiểu.

Vào lớp 6 năm ấy, Tuấn nghỉ học đi bán vé số, khi được hỏi vì sao không đi học tiếp? Em trả lời: “Con không biết đọc sao có thể học tiếp được”.

Tôi chợt nghĩ: “Giá từ năm lớp 1, em được lưu ban có lẽ cuộc đời em giờ đã đổi khác”.

Giá như được lưu ban để học lại con chữ, có lẽ cuộc đời em đã khác! ảnh 4

"Tôi bận lắm, nó hư, nó học dốt, cô cứ cho vài cây vào người là xong”

Học sinh học yếu đặc biệt là lớp 1 nếu được ở lại lớp các em sẽ có cơ hội học tập tiến bộ hơn nhưng chúng ta cứ đẩy các em lên lớp chẳng khác nào chặn đứng quyền được tiến bộ của các em.

Những học sinh này đường học chỉ kết thúc khi bước vào lớp 6, bởi lúc ấy, học sinh đã biết nhận thức về năng lực, trình độ của mình nên không dám tiếp tục đi học nữa.

Xin đừng lên án giáo viên, đừng chất vấn họ dạy dỗ không nhiệt tình để các em ngồi nhầm lớp.

Giáo viên cũng đã nỗ lực nhiều nhưng lực bất tòng tâm, thủ phạm gây nên tình cảnh đáng buồn như thế có tên gọi bằng hai tiếng “chỉ tiêu”.

Nó như chiếc vòng kim cô đang "thít" dần chất lượng dạy và học ở các trường. Cởi bỏ chỉ tiêu là giúp hàng trăm học sinh yếu kém có thêm cơ hội được học tập một cách chính đáng.

Phan Tuyết