Gia đình và xã hội đang có những áp lực rất lớn lên nhà trường, thầy cô

04/01/2021 06:38
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những chuyện buồn, thương tâm, rất đau lòng và nếu chúng ta không có những biện pháp căn cơ, những biện pháp giáo dục nghiêm khắc thì tương lai sẽ ra sao?

Chỉ mới một học kỳ của năm học 2020-2021 trôi qua nhưng chúng ta phải chứng kiến nhiều trường hợp bạo lực học đường rất đáng thương tâm. Trong đó, đã có một số em học sinh tử vong vì bị bạn của mình đánh đập.

Một số em bị bạn đánh dã man như dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu, dùng tay chân đấm đá vào mặt…

Những chuyện buồn, thương tâm này rất đau lòng và nếu chúng ta không có những biện pháp căn cơ, không có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc thì biết đâu những trường hợp tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhưng, giáo dục bằng cách nào đây khi mà một số phụ huynh quá bênh vực con em mình, khi mà nhà trường gần như đã bị tước hết quyền uy. Giáo viên không được phê bình học trò trước lớp, học sinh vi phạm không được nêu tên trước trường, học sinh vi phạm như thế nào cũng không bị đuổi học.

Tình trạng bạo lực học đường xảy ra thường xuyên nhưng nhà trường...bất lực (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tình trạng bạo lực học đường xảy ra thường xuyên nhưng nhà trường...bất lực

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Bạo lực học đường nhìn từ những vụ việc đau lòng

Ngày 12/11/2020, em N.T.D (18 tuổi, học sinh trường Trung học Phổ thông Phước Long, Bình Phước) đang trên đường đi học về thì bị nhóm bạn Nguyễn Thanh Vinh, Phạm Hồng Thái, Chu Văn Tiên (cùng 17 tuổi, ngụ phường Long Thủy, thị xã Phước Long) lao vào dùng tay và vật cứng đánh liên tiếp vào đầu D.

Khi được 1 bạn khác đến can ngăn thì nhóm của Vinh mới bỏ đi.

Sau đó, gia đình đưa em D. đến trung tâm y tế rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu ngay nhưng bác sĩ chẩn đoán D. đã chết não nên gia đình đưa về nhà, đến khoảng 22h30 đêm cùng ngày thì tử vong.

Ngày 26/11/ 2020, trong giờ ra chơi, em Nguyễn Văn V. (15 tuổi, học sinh của lớp 9D, trường Tung học cơ sở Châu Giang (phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) tử vong khi xô xát với một bạn học cùng khối.

Kết thúc tiết Toán thứ hai, cả trường được ra chơi 15 phút.Trong lúc này V. có đi ra nhà vệ sinh và không may xảy ra mẫu thuẫn với Nguyễn Tiến Đạt (học sinh lớp 9A cùng trường).

Khi xảy ra mâu thuẫn ở nhà sinh, có những lời qua tiếng lại, em Nguyễn Tiến Đạt có nhặt vài viên đá ném vào người V., bị em V nhặt một viên đá khác ném lại về phía trước nhưng không trúng. Thấy vậy, Đạt liền lao đến dùng tay đấm vào vùng đầu và bụng của V.

Bị bạn đánh, V. được một số bạn nam trong lớp đã nhanh chóng đưa bạn vào phòng cấp cứu của trường rồi báo cô chủ nhiệm. Dù em V. nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng em V. đã không qua khỏi…

Các em mất đi, biết bao nhiêu những dự định dang dở đang chờ ở phía trước, biết bao kỳ vọng của cha mẹ đã bị tan biến, nỗi đau cho gia đình biết bao giờ nguôi ngoai.

Rồi, những vụ việc bạo lực về tinh thần, về thể xác xảy ra rải rác ở nhiều nơi được đưa lên mạng xã hội, được nhà trường phát hiện và xử lý.

Những mâu thuẫn trong học đường của tuổi mới lớn dù nhỏ nhặt, thậm chí chỉ là vài lời qua lại trên mạng xã hội thôi nhưng lại hay được giải quyết bằng bạo lực- đó là một nỗi lo rất lớn cho xã hội hiện nay.

Nếu không có định hướng tốt và sự chung tay của xã hội thì chúng ta còn phải chứng kiến nhiều chuyện đau lòng

Giáo dục được học sinh trưởng thành trong thời điểm hiện nay phải nói rằng không hề là chuyện giản đơn như hàng chục năm trước.

Các em học sinh bây giờ đa phần sướng hơn, được cưng chiều nhiều hơn từ gia đình và từ dư luận xã hội mỗi khi có một sự việc nào đó xảy ra.

Vai trò giáo dục của nhà trường bây giờ có phần đang bị mờ nhạt dần vì những khắc nghiệt…của cuộc đời.

Nhiều chính sách giáo dục tích cực được ra đời trong thời gian qua thực ra rất nhân văn nhưng có lẽ nó chưa phù hợp với tình hình thực tế của học sinh phổ thông hiện nay.

Bởi, nhân văn nhưng nó phải đảm bảo được kỷ luật, đảm bảo kỷ cương, tình thương và trách nhiệm để học sinh nhìn ra được những hành động sai trái của mình mà tiến bộ, mà thay đổi hành vi, tính cách.

Điều này, trước tiên phải trao cho giáo viên và nhà trường cái quyền nhất định, tất nhiên là không phải đánh học trò, không phải bạo lực học trò.

Nhưng, phải có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc chứ không thể là chỉ động viên, nhắc nhở riêng tư để các em tự giác thay đổi.

Có những em làm như vậy thay đổi được nhưng có những em không thay đổi được vì các em có nhiều người bênh vực với một lý do rất đơn giản là các em chưa trưởng thành nên chuyện vi phạm là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, uốn cây phải uốn từ nhỏ, phải được chăm sóc cả bằng tình thương, trách nhiệm của người lớn và tất nhiên nó phải cần nhiều phương pháp khác nhau.

Đừng để những câu chuyện đau lòng như những gì mà xã hội đang phải chứng kiến xảy ra rồi một số người lại nói nhà trường giáo dục không đến nơi, đến chốn nhưng giáo dục bằng niềm tin thì chưa đủ bởi bây giờ giáo viên và nhà trường chỉ được động viên, nhắc nhở học trò…!

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/phap-luat/vua-tan-hoc-ra-cong-truong-mot-hoc-sinh-o-binh-phuoc-bi-danh-tu-vong-854301.ldo

https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/nam-sinh-lop-9-o-ha-nam-tu-vong-bat-thuong-trong-gio-ra-choi-270705.html

NGUYỄN NGUYÊN