Giá chủ quản nào cũng tích cực như Bộ Giáo dục, Nghị quyết của Đảng đã kết trái

26/06/2020 05:55
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường nào đã tự chủ thành công, nên chăng Bộ Giáo dục xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định riêng để bảo vệ mô hình, thành quả ở trường đó.

Tự chủ đại học không phải vấn đề mới về quan điểm, nhận thức nhưng lại mới về tổ chức thực hiện, đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị triển khai Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14. [1]

Ngay từ năm 2015, ngày 02/11 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, đã chỉ đạo:

“Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính.

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập."

Chủ trương, nghị quyết của Đảng về tự chủ đại học được thể chế hóa mang đậm dấu ấn của Bí thư Ban cán sự đảng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: moet.gov.vn

Chủ trương, nghị quyết của Đảng về tự chủ đại học được thể chế hóa mang đậm dấu ấn của Bí thư Ban cán sự đảng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: moet.gov.vn

Từ chủ trương, chính sách, đến thể chế hóa thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một hành trình rất dài. Nhưng sự liên tục và tính hệ thống về nội dung đã thể hiện quyết tâm sắc đá về đổi mới hiệu quả hoạt động của các đại học công lập của Đảng và lãnh đạo Chính phủ.

Đến năm 2018, 2019 dưới nhiệm kỳ và sự nỗ lực thúc đẩy tự chủ đại học của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Nghị định hướng dẫn để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua. Chủ trương tự chủ đại học mới chính thức được thể chế hóa một bước cụ thể hơn, nhất là về quyền hạn thực sự của hội đồng trường.

Gương mẫu đi đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng, bỏ cơ chế chủ quản

Ngày 25/10/2017 Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tự chủ đại học đã được Trung ương chỉ đạo rất cụ thể, rõ ràng:

"Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường."

Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả việc triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW, không chỉ trong việc thể chế hóa thành Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP, mà còn gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện trong thực tiễn: giao quyền hành thực sự về cho hội đồng trường.

Ngày 24/9/2019, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Nghị quyết số 516-NQ/BCSĐ về việc phân cấp xem xét, phê duyệt quy hoạch cán bộ của các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nghị quyết Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết nghị rất rõ:

1. Giao tập thể lãnh đạo (cấp trưởng, cấp phó và ban thường vụ đảng ủy) của các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xem xét, quyết định phê duyệt quy hoạch cán bộ đối với các chức danh để hội đồng trường đại học, hội đồng đại học, hội đồng học viện và Hiệu trưởng, Giám đốc bầu, quyết định, bổ nhiệm theo các quy định của Đảng, Nhà nước và Ban Cán sự đang Bộ GDĐT.

2. Tập thể lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về những quyết định trong công tác quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền được phân cấp; định kỳ báo cáo Ban Cán sự đảng bộ GDĐT theo quy định.

3. Giao văn phòng Ban Cán sự đảng chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, giám sát các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GDĐT triển khai thực hiện Nghị quyết này; báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GDĐT theo quy định.

Vậy là 14 năm sau Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ, và chỉ 2 năm sau Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, đã có một cơ quan chủ quản đầu tiên công khai bỏ cơ chế chủ quản, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Giá như các “cơ quan chủ quản” nào cũng làm được như Bộ Giáo dục và Đào tạo

Không chỉ quan tâm đến các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn đặc biệt quan tâm, trăn trở thúc đẩy tự chủ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học do bộ/ngành/địa phương khác "chủ quản".

Ngày 17/7/2019, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với lãnh đạo các trường:

Các trường cũng cần nhận thức rõ tự chủ đại học, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường, Ban giám hiệu, xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường; thực hiện tốt các nghị định hướng dẫn dưới Luật, các văn bản pháp luật liên quan. Mặt khác, cũng cần chủ động truyền thông nội bộ và truyền thông cho xã hội.

Nhấn mạnh vai trò của việc “ngấm các quy định” trong quá trình triển khai tự chủ đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dường như đến nay các trường vẫn chưa thực sự ngấm các quy định về tự chủ, nếu không rõ, không ngấm, trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể 5 năm, 10 năm, để từ đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Một yếu tố cũng cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ.

“Quan điểm là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn tự cuộc sống, tự xã hội tôn vinh chất lượng của các trường. Bộ sẵn sàng cùng các trường bảo vệ cái đúng, gỡ những chỗ vướng, cố gắng hóa giải, đảm bảo sự đoàn kết” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không chỉ thể hiện sự quan tâm, trăn trở của người đứng đầu ngành trong việc thúc đẩy tự chủ đại học, mà còn cho thấy thực tế vẫn có những cơ sở giáo dục đại học còn chưa thực sự chủ động, chưa ngấm, chưa mạnh dạn đột phá, thậm chí còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

Trong khi đó có cơ sở giáo dục đại học tự chủ ngay từ khi thành lập, tự chủ bằng chính sự chủ động xin từng cơ chế chứ không xin ngân sách chi đầu tư cũng như chi thường xuyên và có những phát triển vượt bậc, lại đang bị một số lãnh đạo đương thời của cơ quan chủ quản lẫn đảng đoàn cơ quan chủ quản hành lên hành xuống, bất chấp việc này đi ngược Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Hành không có kết quả, thì bày ra thanh tra, kiểm tra, dùng luật lệ chưa sửa cho đúng với đối tượng là trường đại học công đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư, để qui chụp trường thí điểm tự chủ, nhằm qui tội cho người đứng đầu, rồi kiếm cớ thay thế nhân sự nhằm duy trì sự quản lý kiểu cũ của mình.

Thiết nghĩ để tự chủ đại học thành công, để Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương đi vào cuộc sống, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam hội nhập, phát triển và nâng tầm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tiếng nói, tác động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; yêu cầu các bộ/ngành/địa phương "chủ quản" khác chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước về tự chủ đại học.

Đồng thời, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần mạnh dạn cùng cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ thành công (hoàn toàn không dựa vào ngân sách nhà nước về chi thường xuyên, chi đầu tư, đang phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, mục tiêu chiến lược rõ ràng...) chủ động xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định riêng để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ an toàn để bảo vệ mô hình thành công, giúp trường phát triển.

Tự chủ đại học ở nước ta hiện nay thực sự là bơi ngược dòng nước, trường tự chủ thành công đang là điểm sáng, là cánh nhạn đầu đàn; thúc đẩy các trường đã quen được bao cấp cùng đột phá để tiến lên. Việc dàn hàng phát triển đều là điều không tưởng.

Vì vậy, mô hình đã thành công cần được bảo vệ bằng hành lang pháp lý đủ mạnh, an toàn và xứng đáng. Nỗ lực tự thân của cơ sở giáo dục đại học sẽ đỡ được nhiều gian truân, tránh được rủi ro, và sớm thành công, nếu có sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Được như vậy, thực may mắn cho giáo dục nước nhà lắm thay!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6431

[2]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=6118

Hồng Thủy