GDPT mới "đẻ" nhiều tổ hợp, gợi ý của Tổng chủ biên không khả thi

22/03/2022 09:21
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc cho học sinh tự lựa chọn môn học thì trường sẽ khó đáp ứng, theo nhiều hiệu trưởng cần cho học sinh lựa môn học theo định hướng của nhà trường.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bắt đầu triển khai vào lớp 10 năm học 2022 – 2023. Áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo ở lớp 11 và 12.

Theo đó, nội dung bậc trung học phổ thông có nhiều các môn tự chọn đang nhận được sự quan tâm lớn. Bởi nhiều băn khoăn rằng, đối với môn tự chọn sẽ không tránh khỏi tình huống quá ít hoặc quá nhiều học sinh lựa chọn 1 môn nào đó chưa kể có thêm một số môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa có.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông cho rằng, thời điểm này cơ sở vật chất, nhân lực giáo viên theo những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì chưa có, nếu giao toàn quyền lựa chọn môn học cho học sinh thì đa số các trường khó có thể đáp ứng.

Để giải quyết việc quá ít học sinh lựa chọn 1 môn học dẫn đến không đủ mở lớp thì có phương án cho rằng có thể phối hợp với các trường khác để mở lớp có môn phù hợp như gợi ý của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới: “Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (ảnh: Tạp chí giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (ảnh: Tạp chí giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tuy nhiên theo thầy Lê Trung Hiệp – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội phương án này là không khả thi bởi khoảng cách địa lý giữa các trường là quá xa nên sẽ không có đủ thời gian cho việc di chuyển của học sinh.

Chưa kể khi học xong môn này các em còn tiết học tiếp theo, tranh thủ về trường kịp giờ sẽ không đảm bảo an toàn toàn khi tham gia giao thông. Một phương án khác có thể sắp xếp tiết học đó cho các em vào giờ cuối buổi để tránh việc các em di chuyển nhiều, nhưng giữa các trường sắp xếp thời khóa biểu cho tiết học trùng nhau là rất khó.

Theo thầy Hiệp để giải quyết những khó khăn cho các trường, trước mắt đối với các môn gọi là lựa chọn nhưng vẫn phải dựa trên tinh thần bắt buộc.

“Khi mà học sinh cứ “lao” vào chọn cùng môn sẽ dẫn đến tiết dạy của giáo viên môn đó quá tải, những môn không có học sinh lựa thì giáo viên không có việc. Nếu để cho học sinh tự lựa chọn thì gần như các trường khó có thể đáp ứng được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có”, thầy Hiệp nhận định.

Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông huyện Chương Mỹ cho biết, để học sinh tự lựa chọn môn học là thực sự khó.

Theo vị này: “Nên căn cứ vào số lượng giáo viên để nhà trường xây dựng tổ hợp, sau đó định hướng cho các em đăng ký, nhưng phải theo ý của nhà trường là chính. Phương án này có thể sẽ trở thành hướng đi của các cơ sở giáo dục nhằm gỡ khó trong việc điều hành”.

Cùng tâm tư này thầy Khuất Cao Bắc- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết đây là khó khăn rất lớn của các nhà trường nếu cơ sở vật chất như trường quốc tế thì các em thoải mái lựa chọn.

Để khắc phục vấn đề trước mắt là tư vấn cho các em lựa chọn đúng năng lực không a dua theo xu hướng hoặc theo bạn bè.

“Tất nhiên là quyền lựa chọn của các em vẫn là tối cao, buộc nhà trường phải tìm cách đáp ứng nguyện vọng của các em”, thầy Bắc chia sẻ.

Theo thầy Bắc để giải quyết tình trạng thiếu thừa giáo viên, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có dự kiến sẵn, nếu môn học nào mà học sinh không lựa chọn nhiều thì có thể chuyển sang dạy những môn chung, như môn Trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.

2 môn này thì chưa có đào tạo giáo viên bài bản chính quy, nhà trường sẽ bồi dưỡng giáo viên những môn không có học sinh lựa chọn chuyển sang dạy 2 môn này.

Đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật các trường trung học phổ thông ở Hà Nội thì có lợi thế vì có thể hợp đồng với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo, các trung tâm văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên đối với vùng miền núi là khó thực hiện.

Đặng Lường