Gặp nữ sinh lớp 11 được mời làm thực tập sinh tại Mỹ

31/07/2018 15:39
An Nhiên
(GDVN) - Nguyễn Mai Anh – lớp 11 trường Trung học Vinschool bất ngờ trở thành thực tập sinh của Recology – một trong những doanh nghiệp lớn và lâu đời nhất tại Mỹ.

Ước mơ thức tỉnh cộng đồng

Với tên gọi “Awakened” (Thức tỉnh) – bộ phim ngắn của Mai và bạn cùng lớp đã vượt qua hơn 900 đối thủ đến từ 70 quốc gia, để giành Huy chương Bạc cuộc thi GENIUS Olympiad được tổ chức tại New York (Mỹ).

Phim chỉ dài gần 6 phút nhưng đã đặc biệt ấn tượng với những cảnh quay lột tả thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng.

Ý tưởng thực hiện bộ phim đến từ buổi Mai Anh thăm bệnh viện lao phổi. "Em đã quá bàng hoàng bởi đa số những bệnh nhân tử vong gần đây tại bệnh viện lao phổi do ô nhiễm môi trường”, Mai Anh cho biết.

Mai Anh (đứng ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn của mình tham dự vòng Chung kết GENIUS Olympiad tại New York, Mỹ.
Mai Anh (đứng ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn của mình tham dự vòng Chung kết GENIUS Olympiad tại New York, Mỹ.

Bộ phim đã giúp nhóm của Mai Anh đạt Giải thưởng danh giá. Nhưng với cô bé lớp 11 năng động Mai Anh - đó không phải là đích đến.

Ước mơ của em và các bạn là phải “thức tỉnh” cộng đồng không chỉ bằng những lời cảnh báo, lan tỏa và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường mà còn phải bằng cách hành động.

Sau cuộc thi, Mai Anh đã đến Công ty Recology - một trong những Công ty lớn và lâu đời nhất (hơn 100 năm) về môi trường tại Mỹ để giới thiệu về dự án với mong muốn “làm được cái gì đó”.

Bất ngờ trở thành thực tập sinh quốc tế trẻ nhất

Sự tự tin, chủ động, khả năng tiếng Anh và say mê cống hiến cho cộng đồng của Mai Anh đã thuyết phục được người lãnh đạo cao nhất của Recology.

Ông Dennis Wu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Recology rất ấn tượng khi xem những thước phim được thực hiện bởi những học sinh lớp 11 đến từ Việt Nam.

Và sau khi hiểu được những khát vọng hành động của Mai Anh, vị Chủ tịch này đã có một quyết định bất ngờ: mời Mai Anh làm thực tập sinh trong vòng 4 tuần tại Mỹ.

Quyết định này đưa Mai Anh đã trở thành thực tập sinh quốc tế trẻ tuổi nhất tại Recology khi chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mai Anh cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị (thứ ba từ phải sang), Ban lãnh đạo và nhân viên Công ty Recology.
Mai Anh cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị (thứ ba từ phải sang), Ban lãnh đạo và nhân viên Công ty Recology.

“Chưa bao giờ em cảm thấy xúc động và tự hào như vậy. Đối với em đây là một cơ hội rất lớn mà em không bao giờ nghĩ mình có thể có được! Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

Em được tiếp thêm động lực để quyết tâm theo đuổi những ý tưởng, khát vọng trong tương lai của mình”, Mai Anh chia sẻ.

Trong 4 tuần thực tập, Mai Anh được tham quan và thử nghiệm làm việc trong các nhà máy của Công ty Recology, gặp gỡ các chuyên gia để trao đổi về các công nghệ tái chế, ủ hữu cơ, cho đến xử lý rác thải.

Đặc biệt, em sẽ tham gia làm một bộ phim giúp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Bộ phim dự kiến sẽ được chiếu khi Công ty Recology tới Việt Nam làm việc cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.

Dự định của Mai Anh sau khi hoàn thành chương trình thực tập sinh tại Mỹ trở về là xây dựng chương trình “Zero Waste” (Không rác thải) ở Việt Nam.

Đam mê và Kỹ năng là “chìa khóa”

Sự thành công của Mai Anh đến từ sự quyết liệt và sẵn sàng làm mọi việc theo đuổi đam mê của mình.  

“Có một thời gian em dậy từ 3, 4 giờ sáng để đi quan sát thực tế việc sinh hoạt, xử lý rác thải tại các khu dân cư, chợ, bệnh viện, sông, hồ...

Nhìn thực trạng việc xả thải vô ý thức, những bãi rác chất ngất, những hồ chứa nước đen ngòm, bốc mùi lan xa đến cả vài km, em vô cùng lo ngại về mức độ nghiêm trọng, khẩn thiết của việc bảo vệ môi trường”, Mai Anh chia sẻ.

Bên cạnh nỗ lực cá nhân, Mai Anh có bệ đỡ rất tốt từ GATE Center – Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng của Vinschool.

Là một nơi khơi gợi, ủng hộ và đồng hành cùng các các em học sinh, GATE Center có vai trò không nhỏ trong việc định hướng các học sinh theo đuổi đam mê và phát triển tài năng của mình.

“Những ý tưởng, đam mê của em chắc sẽ chẳng được khơi dậy, phát huy nếu không được GATE Center định hướng và truyền cảm hứng”, Mai Anh nói.

Thầy Quý Hiền (Trung tâm GATE, Vinschool) người hướng dẫn, đồng hành cùng Mai Anh trong suốt quá trình lên ý tưởng, triển khai dự án cũng chia sẻ: “Với những học sinh như Mai Anh, chúng tôi luôn tìm kiếm cho các em cơ hội được phát huy những năng lực đặc biệt của mình.

Đó có thể là các cuộc thi cấp quốc gia - quốc tế nơi các em được cọ xát, tỏa sáng trở thành những công dân toàn cầu hoặc các chương trình giáo dục chuyên sâu phù hợp với nhu cầu của từng em”.

Mai Anh cùng các công nhân trong một khu xử lý rác thải của công ty Recology.
Mai Anh cùng các công nhân trong một khu xử lý rác thải của công ty Recology.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến những hành trang cần có của một công dân toàn cầu.

Đó là khả năng tiếng Anh lưu loát, sự chủ động, cùng kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày, kỹ năng lập kế hoạch mà em được rèn luyện và thực hành thường xuyên trong suốt quá trình học tập tại Vinschool là những hành trang quan trọng để “chinh phục nước Mỹ”.

Với những nền tảng được xây dựng và chú ý từ các cấp học, tin rằng sẽ ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu, tự tin theo đuổi đam mê của mình như Mai Anh.

An Nhiên