Gặp gỡ 9x xuất sắc nhận giải thưởng cơ học Nguyễn Văn Đạo

21/05/2018 06:20
Thùy Linh
(GDVN) - Lê Văn Hưng là một trong hai thí sinh giành giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng dành cho sinh viên đạt điểm cao nhất trong Olympic Cơ học toàn quốc.

Tại lễ tổng kết và trao giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc diễn ra ngày 19/5 tại Đại học Xây dựng, tôi có dịp gặp gỡ em Lê Văn Hưng– sinh viên năm thứ 4, ngành Cầu đường bộ (Đại học giao thông vận tải)- thí sinh giành giải Nhất trong cuộc thi năm nay và cũng là một trong hai thí sinh xuất sắc giành giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng dành cho sinh viên đạt điểm cao nhất.

Qua chia sẻ, tôi được biết, ở kỳ thi Olympic Cơ học năm ngoái, Hưng cũng đã giành giải Nhất khi tham gia dự thi môn Cơ học đất. 

Do đã từng tham dự kỳ thi năm ngoái nên năm nay đến với Olympic Cơ học dự thi môn Sức bền vật liệu tâm lý của cậu sinh viên năng động này không còn nhiều lo lắng, khi tâm lý vững làm cho quá trình làm bài cũng tốt hơn. 

Lê Văn Hưng (bên phải) là một trong hai thí sinh giành giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng dành cho sinh viên đạt điểm cao nhất trong Olympic Cơ học toàn quốc. (Ảnh: Thùy Linh)
Lê Văn Hưng (bên phải) là một trong hai thí sinh giành giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng dành cho sinh viên đạt điểm cao nhất trong Olympic Cơ học toàn quốc. (Ảnh: Thùy Linh)

“Bây giờ theo dòng chảy của thế giới thì mọi thứ đã được ứng dụng công nghệ vào rất nhiều, môn Sức bền vật liệu cũng vậy, bắt đầu từ năm ngoái Nhà trường đã có thêm môn Ứng dụng tin học sức bền vật liệu dựa trên nền tảng của môn Sức bền vật liệu giúp rút ngắn công sức của người tính, cho kết quả nhanh và chính xác hơn.  

Đây là điều hoàn toàn cần thiết cho cuộc sống công nghiệp hóa”, Hưng chia sẻ với phóng viên khi nói về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Nói về dự định trong thời gian tới của mình, Hưng cho biết: “Hè này em sẽ xin thực tập và học tiếng Anh để khi ra trường có thể xin vào công ty của nước ngoài làm việc, nếu được vào công ty của Nhật Bản thì càng tốt. 

Lý do, em mong muốn được vào làm việc công ty của Nhật là bởi khi nói tới Nhật là nói đến phong cách làm việc chuyên nghiệp và đòi hỏi mình vừa có kiến thức và thái độ cần tốt. Điều đó giúp mình trưởng thành hơn”.

Gặp gỡ 9x xuất sắc nhận giải thưởng cơ học Nguyễn Văn Đạo ảnh 2Hai nhà khoa học Việt lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á 2018

Là một trong số rất ít nữ thí sinh tham gia cuộc thi Olympic Cơ học, em Mai Thị Thùy (sinh viên năm 4 của khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng) còn đạt giải Nhất của môn thi Cơ kết cấu. 

Em Thùy hồ hởi chia sẻ: “Khi tham gia những cuộc thi thế này chúng em luôn cảm thấy mình phải cố gắng tìm hiểu những kiến thức liên quan. Ngoài ra, đây cũng là sân chơi để em biết được khả năng của mình đang ở đâu.

Đây là bước đệm lớn để em có kiến thức nền tảng sau khi ra trường làm việc tốt hơn. Mặc dù đối với nữ khi học các môn cơ học có chút khó khăn nhưng lại được ưu ái rất nhiều trong quá trình học tập”.

Được biết, với mục tiêu đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu các môn Cơ học, phát triển và khuyến khích các tài năng sinh viên trong các trường đại học, học viện; Olympic Cơ học toàn quốc đã được tiến hành từ năm 1989 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội cơ học Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam đồng tổ chức.

Năm 2018, Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30 đã diễn ra vào ngày 15/4, tại 3 địa điểm:

Trường đại học Xây dựng (Khu vực miền Bắc), trường đại học Bách khoa – đại học Đà Nẵng (Khu vực miền Trung), trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh (Khu vực miền Nam) với 1262 thí sinh của 39 trường đại học, học viên trên khắp cả nước.

Trong hai ngày 21,22/4, tại Đại học Xây dựng, ban Giám khảo gồm các thầy/cô giáo, các nhà cơ học hàng đầu đã rất nhiệt tình, công minh, khách quan trong việc chấm thi và đã chọn được 706 giải cá nhân bao gồm: 15 giải Nhất, 75 giải Nhì, 151 giải Ba và 465 giải Khuyến khích.

Thùy Linh